Thâm Quyến: xây dựng “khu kiểu mẫu mới” của chủ nghĩa xã hội là ảo tưởng
Lãnh đạo Trung Cộng là Tập Cận Bình đã tham dự sự kiện kỷ niệm 40 thành lập Đặc khu Thâm Quyến. Đối với kế hoạch Trung Cộng muốn xây dựng Thâm Quyến thành cái gọi là “Khu kiểu mẫu mới của Chủ nghĩa Xã hội” thì giới phân tích cho rằng, đây là một ảo tưởng. Trong tình hình quốc tế hiện nay, với vấn đề ngăn cấm tự do ngôn luận và với hệ thống pháp luật hiện hành thì Thâm Quyến không cách nào hội nhập với các nước phương Tây, như vậy các nhà tư bản quốc tế cũng sẽ không vào Thâm Quyến.
Vào ngày 11/10, trước khi ông Tập đi xuống phía nam, Ủy Ban Trung ương và Văn phòng Chính phủ Trung Cộng đã nhấn mạnh đề xuất “Thâm Quyến thực hiện thí điểm, trở thành khu kiểu mẫu Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc giai đoạn 2020 – 2025”.
Được biết, kế hoạch cải cách xây dựng Thâm Quyến thành khu kiểu mẫu gồm có hỗ trợ Thị trường Doanh nghiệp Tăng trưởng (Growth Enterprise Market-GEM) của Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, áp dụng thử nghiệm tiền kỹ thuật số, …
“Xây dựng ảo tưởng cho vùng Đồng bằng Châu Giang”
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến là một trong những đặc khu đầu tiên được Trung Cộng thành lập khi mở cửa với thế giới, đồng thời vào năm 2019 Trung Cộng cũng đã ban hành kế hoạch hỗ trợ Thâm Quyến xây dựng “Khu kiểu mẫu của Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”.
Bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Đặc khu kinh tế Thâm Quyến lần này của ông Tập đang trở thành tiêu điểm chú ý của ngoại giới.
Một vị thuộc giới trí thức thượng lưu Bắc Kinh giấu tên đã thông qua mạng xã hội nói với phóng viên The Epoch Times rằng: “Chủ tịch nam tiến, lịch cứ lùi lại mãi, cuối cùng cũng coi như đã đi một chuyến nhưng quá muộn”, mang đến một số ảo tưởng không thực tế cho phát triển kinh tế vùng đồng bằng Châu Giang vốn đang lâm vào suy thoái. Trong lúc tình hình Hồng Kông đang hỗn loạn, đội quân đi đầu trong cải cách mở cửa là Thâm Quyến muốn giương cao ngọn cờ ‘Đặc khu kiểu mẫu của Chủ nghĩa Xã hội’ và tiếp tục lừa gạt giới đầu tư trong và ngoài nước, như vậy hiển nhiên sẽ không đạt được mục tiêu như mong muốn.”
Vị này cho rằng, “Đơn giản là mượn cớ để mở rộng địa bàn cho Thâm Quyến, tăng thêm quyền lực và tăng quyền tăng cấp cho một số quan chức, đầu cơ giá nhà đất ở Huệ Châu và Đông Quản, kéo dài tình trạng giá cao của nhà đất ở Thâm Quyến. Nhưng hình thế quốc tế không còn như trước đây, sau khi Hồng Kông bị Trung Cộng dùng bạo lực phá hủy, [Trung Cộng] dù lần nữa sử dụng nguồn lực quốc gia để hỗ trợ Thâm Quyến thì cũng không thể khiến cho các nhà tư bản quốc tế an tâm đầu tư vào đây nữa. Cùng với kết quả của cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ dần rõ ràng, nếu như [quan hệ hai nước] ngày càng xấu đi, phát triển kinh tế của vùng đồng bằng Châu Giang đã khó lại càng trì trệ thêm, nếu chỉ đơn thuần kích thích Thâm Quyến cũng không giải quyết được vấn đề gì.”
Vị này còn cho biết thêm, hiện nay cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội trên thực chất chỉ có bộ phận cực nhỏ quan lại quyền quý này là hưởng lợi từ sự thịnh vượng và phát triển, còn những người phải trả giá là tuyệt đại đa số người dân.
“Nếu không có pháp trị và tự do ngôn luận thì đều là lời nói suông”
Nhà bình luận chính trị Lý Lâm gần đây đã bày tỏ với phóng viên The Epoch Times rằng, hiện giờ Tập Cận Bình muốn dùng Thâm Quyến để đẩy mạnh phát triển kinh tế của toàn bộ Quảng Đông, Hồng Kông, Ma Cao. Thâm Quyến được coi như một trong những điểm dựa quan trọng nhất để kéo theo Hồng Kông, Quảng Châu, kéo theo toàn bộ Quảng Đông phát triển, biến Thâm Quyến trở thành một hình mẫu, một mô hình kiểu mẫu được xây dựng thành công dưới thể chế Chủ nghĩa Xã hội, để quốc tế nhìn nhận và thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài không ngừng đầu tư vào Trung Quốc. Trong tương lai, ông Tập còn muốn nhân rộng mô hình này ra toàn quốc.
Ông nói, đặc biệt là trong tình thế hiện nay, Hoa Kỳ càng ngày càng tăng cường áp chế Trung Cộng, thì mục đích chính của Tập Cận Bình chính là như vậy.
Nhưng ông cũng cho rằng, ở trong Vùng Vịnh Lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao, việc để Hồng Kông đóng vai trò phụ trợ và đẩy Thâm Quyến lên vai trò chủ đạo là một việc làm đảo lộn, căn bản không phải là Trung ương chỉ đưa ra chính sách cho Thâm Quyến thì liền có thể thực hiện được ngay.
Ông nói: “Trung Cộng vẫn sẽ áp dụng theo luật pháp vốn có thì ngay lập tức khai tử toàn bộ vốn đầu tư nước ngoài. Với nền pháp trị như vậy, các đối tác căn bản là không quan tâm đến, không có sự lưu thông tài chính thực sự, không ai dám đầu tư vào.”
“Lại thêm ngôn luận cũng không được tự do, bị cô lập với toàn thế giới, mạng internet này bị cấm, kênh xã hội kia cũng bị chặn, muốn tìm kiếm chút tin tức cũng tìm không được.”
Ông Lý Lâm còn cho rằng, trước hết nền pháp trị nhất định phải phù hợp với các nước châu Âu và Hoa Kỳ, ngôn luận phải được tự do, nếu như hai điều cơ bản nhất này đều không thể phù hợp với thế giới, thì đều đừng nghĩ đến chuyện mở, điều này là không thể thực hiện được. Trung Cộng tự cho rằng mô hình cải cách mở cửa mấy chục năm vừa rồi là rất tốt, còn có thể tiếp tục thực hiện, nhưng hiện nay toàn thế giới ngày càng thấy rõ bản chất của Trung Cộng, cho nên những kế hoạch kia căn bản là không thể thực hiện được nữa.
“Đặc khu mà chỉ là mở cửa, không cải cách thì thịnh vượng là tạm thời”
Đối với việc Trung Cộng xây dựng cải cách mở của Thâm Quyến 40 năm qua mà nói, những trang mạng thông tin của Bắc Kinh cho rằng, Thâm Quyến là kết quả của cải cách mở cửa, thậm chí còn là kết quả của việc sau khi Đặng Tiểu Bình trải qua cuộc nội đấu tàn khốc, hoặc là một loại thử nghiệm sau khi chứng kiến cảnh nghèo nàn lạc hậu, điều trọng yếu hơn chính là, Trung Cộng mong muốn xây dựng một đặc khu thử nghiệm giống như Hồng Kông, nhằm mượn sự phát triển kinh tế phồn thịnh để khoe khoang với trong nước và trên trường quốc tế.
“Lúc đầu, chính quyền Trung ương đã giao cho Thâm Quyến rất nhiều quyền, trong quá trình chuyển đổi từ phương thức kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, thì người dân Hồng Kông ở sát đó đã phát huy tác dụng rất lớn, họ dựa vào ưu thế tài chính, kỹ thuật, quản lý … đã khiến cho Thâm Quyến phát triển nhanh chóng, tiếp theo đó là dòng vốn của Đài Loan các quốc gia khác tràn vào, mô hình phát triển bất động sản của Hồng Kông đã thực hiện vô cùng thành công tại Thâm Quyến, làm cho chính quyền địa phương cùng với một số nhỏ thương nhân đã kiếm được một lượng tiền khổng lồ.” Ông Lý Lâm nói.
“Đặc khu mà chỉ có mở cửa mà không cải cách thì chỉ là phát triển và thịnh vượng ngắn ngủi tạm thời, cuối cùng sẽ rơi vào tình trạng khó khăn và suy thoái, thể chế chính trị cứng nhắc, bưng bít thông tin, cũng sẽ kìm hãm năng lực sáng tạo đổi mới. Nếu như Thâm Quyến không có sự đột phá về mặt thể chế chính trị, thì sẽ không thể có được tương lai tốt đẹp.”