Thần Ký ức Mnemosyne và các nàng thơ Muse: Vai trò của Trí nhớ trong Giáo dục
Walker Larson
Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Ký ức Mnemosyne là mẹ của chín nữ thần Muse (hay còn gọi là chín nàng thơ). Chín nàng thơ đại diện cho nghệ thuật và khoa học. Những câu chuyện ngụ ngôn thi vị của Hy Lạp thường chỉ dạy những điều đúng đắn và quan trọng về các lý niệm được nhân cách hóa.
Trong các câu chuyện về những vị Thần này, người Hy Lạp muốn truyền đạt theo cách rất chân thực rằng ký ức là nơi tạo ra và bảo tồn tri thức cũng như văn hóa của nhân loại – và nói rộng hơn, đó là giáo dục.
Tính chân thực của Thần thoại
Tôi nghĩ rằng sự hiện đại của chúng ta, tư duy hậu cách mạng khoa học, đã dễ dàng loại bỏ thần thoại, chẳng hạn như thần thoại Hy Lạp. Quan điểm cho rằng thần thoại thiếu tính khai sáng và không thú vị, thần thoại không có thật và không thể đo đếm được theo đúng nghĩa đen, kiểu như chiếc lá có các thành phần hóa học mới là thật. Tuy nhiên, như tác giả James Sale gần đây đã nêu trên The Epoch Times rằng, thần thoại khám phá và giải thích những phương diện có tính thực tế còn sâu sắc hơn những gì có thể dễ dàng định lượng được. Những sự thật đó là bất biến, vượt thời gian, siêu việt, và thường là bí ẩn.
Thần thoại hay thơ ca có thể cho chúng ta biết nhiều hơn về bản tính con người, tình yêu thương, cái chết, chiến tranh, định mệnh, vẻ đẹp, và nhiều điều tương tự hơn những phân tích mà khoa học có thể làm. Những điều thực tế như vậy định hình nên các giá trị cốt lõi, tinh hoa trong cuộc sống của chúng ta. Do đó, tư duy thần thoại hay thi ca, thay vì “vô hình”, thì ở một góc độ nào đó lại thực tế hơn các số liệu đơn thuần hay những sự thật dễ thấy. Chúng ta có thể cho rằng các câu chuyện thần thoại và thơ ca vĩ đại là “siêu thực” bởi vì chúng đề cập đến những sự thật quan trọng, phổ quát, vượt thời gian, và bí ẩn nhất về sự tồn tại của chúng ta.
Trí nhớ, Nghệ thuật, Khoa học, và Giáo dục
Câu chuyện về nữ thần Mnemosyne thuộc dòng dõi Titan cũng vậy. Bà sinh cho Thần Zeus chín ái nữ (chín nàng thơ). Trong quan niệm của người Hy Lạp, mỗi nàng thơ sẽ truyền cảm hứng và chỉ dẫn cho một bộ môn nghệ thuật hoặc khoa học nhất định. Theo danh sách được biết đến phổ biến nhưng chưa xác thực thì lần lượt như sau: nàng Calliope (đại diện cho sử thi), nàng Clio (đại diện cho lịch sử), nàng Erato (đại diện cho thơ ca tình yêu), nàng Euterpe (đại diện cho âm nhạc), nàng Melpomene (đại diện cho bi kịch), nàng Polymnia (đại diện cho thánh thi), nàng Terpsichore (đại diện cho vũ đạo và ca hát), nàng Thalia (đại diện cho hài kịch), và nàng Urania (đại diện cho thiên văn học).
Sử thi của Hy Lạp luôn bắt đầu bằng lời khẩn cầu nữ thần Muse, thi nhân đưa ra lời cầu nguyện xin Thần Calliope ban cho họ nguồn cảm hứng thi ca để kể câu chuyện của mình.
Việc người Hy Lạp khắc họa nghệ thuật và khoa học bằng cách nhân cách hóa nó cho ta thấy mối liên kết không thể tách rời giữa chúng và trí nhớ. Và nếu việc giáo dục chủ yếu bắt đầu từ những môn như được liệt kê ở trên, thì về cơ bản giáo dục vẫn phụ thuộc vào ký ức.
Vậy bản chất mối liên hệ giữa ký ức, tri thức, nghệ thuật, và giáo dục này là gì? Tôi nghĩ câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp này có thể được hiểu theo hai ý chính: Đầu tiên, rõ ràng là ở mức độ thực tế, chúng ta không thể hiểu hoặc học được gì mới nếu không có trí nhớ. Một nhà thơ sử thi cần phải có trí nhớ tuyệt vời để nhớ lại và viết nên những áng thơ của mình, một sử gia cần ghi nhớ các mốc thời gian, và nhà thiên văn học phải hồi tưởng các chòm sao, giống như học sinh học môn đại số hiện đại cần nhớ các công thức nhất định, thứ tự các bước và cả cách sử dụng bàn tính Texas Instruments. Những gì ta đã biết cũng sẽ trải đường cho những gì ta cần học. Mọi kiến thức đều được xây dựng dựa trên những gì đã có trong tâm trí trước đó, và trí nhớ chịu trách nhiệm về quá trình đó. Đây là ở cấp độ cá nhân.
Tuy nhiên, theo ý nghĩa thứ hai và sâu sắc hơn, thần thoại Hy Lạp cho chúng ta thấy, ở cấp độ xã hội, thì nghệ thuật và khoa học chân chính đều bắt nguồn từ sự tưởng nhớ và kính trọng của cộng đồng đối với nền văn hóa trong quá khứ. Để thành thục kỹ năng, một thế hệ họa sĩ phải học hỏi từ những bậc thầy đi trước. Bậc thi nhân phải khiêm tốn tiếp nhận truyền thống thơ ca đã có trước – cũng như những câu chuyện thần thoại, các vị anh hùng, và những sự kiện lịch sử trong xã hội – mà họ cũng chính là người gìn giữ một phần nền văn hóa đó – trước khi họ có thể bắt đầu thực sự sáng tác. Hãy tưởng tượng xem, nếu một nhà khoa học từ chối tin vào bất cứ học thuyết, thử nghiệm hay sự thật nào đã có trước đó, và khăng khăng muốn tự mình chứng minh mọi thứ, thì anh ta sẽ không đạt được bước tiến khoa học nào cả.
Giống như một cái cây bị chặt tận gốc, nghệ thuật và khoa học bị cắt đứt khỏi truyền thống trước đó, khiến chúng trở nên khô héo, và chết dần. (Tôi nghĩ về xu hướng của nghệ thuật thị giác hiện đại là bác bỏ các kỹ thuật hội họa truyền thống và các khái niệm về tỷ lệ, cũng như việc điều này dẫn đến nhiều tác phẩm tầm thường, xấu xí, và thiếu sức sống như thế nào).
Bản chất của nền giáo dục chân chính
Vì vậy, trách nhiệm đầu tiên của học trò là khiêm tốn kế thừa Ký ức (chữ K viết hoa) về nền văn hóa của mình nói chung và chuyên môn cụ thể của mình nói riêng. Nếu học trò muốn có tri thức về Lịch sử (Clio) hay Thiên văn học (Urania) trong cuộc đời mình, thì trước tiên người ấy phải để Ký ức (Mnemosyne) bước vào. Rồi Ký ức đó có thể sinh ra kiến thức, sự sáng tạo, và khám phá mới. Việc rèn luyện trí nhớ cho các mục đích thực dụng không chỉ là vấn đề nhu cầu thực tế, vì rằng học sinh có thể nhớ câu trả lời trong bài kiểm tra, mật khẩu email, danh sách thực phẩm, và những số điện thoại (mặc dù, chẳng ai phải nhớ số điện thoại trong kỷ nguyên của điện thoại thông minh với danh bạ có sẵn?). Vấn đề là cho phép chính mình được định hình bởi những gì tốt đẹp nhất mà quá khứ đã mang lại, và để định hình được điều đó, chúng ta phải đưa chúng vào ký ức của mình, biến thành một phần của chúng ta.
Suy cho cùng thì nền giáo dục chân chính không chỉ có nghĩa là hiểu biết về sự thật hay kỹ năng. Nền giáo dục chân chính có nghĩa là tạo nên một con người trọn vẹn, bao gồm cả nhân cách, lối nghĩ, hành xử, và đạo đức của người đó. Càng đi xa hơn, chúng ta càng thấy rằng ký ức ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và nền giáo dục của chúng ta. Một phần, chúng ta là do ký ức của chính mình tạo nên – không chỉ là những trải nghiệm riêng của bản thân, mà còn là những điều chúng ta đã đọc, xem, chủ động nghe, chứng kiến, hoặc vô tình nghe được. Tất cả những gì chúng ta tiếp thu, thông qua trí nhớ và trí tưởng tượng, sẽ trở thành một phần của chúng ta, và do đó định hình nên con người chúng ta.
Triết gia Aristotle cũng nói với chúng ta trong cuốn “On the Soul” (Về Tâm Hồn) rằng, bất cứ khi nào chúng ta nghĩ về điều gì đó, chúng ta sẽ nghĩ về nó kèm theo một số loại hình ảnh. Ví dụ, khi nghĩ về những con bò, chúng ta nhớ ngay đến hình dáng, mùi, hoặc thậm chí là cảm giác của một con bò (trong ví dụ này, thì người dân ở thôn quê sẽ dễ hình dung hơn!). Từ đó, hình ảnh này sẽ tác động đến cách chúng ta suy nghĩ về chủ đề trước mắt. Những hình ảnh đó được lưu lại trong trí nhớ và trí tưởng tượng của chúng ta. Do đó, lý trí, ký ức, và trí tưởng tượng có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Với quan điểm này, chúng ta thấy rằng trí nhớ và trí tưởng tượng quan trọng như thế nào đối với việc có tư duy tốt (đây là một trong những mục tiêu chính của giáo dục). Ký ức về những kinh nghiệm và kiến thức trong quá khứ cung cấp cho chúng ta nguyên liệu thô để lý trí của chúng ta lập luận. Nếu chúng ta cung cấp cho lý trí của mình chất liệu nghèo nàn, thì chúng ta sẽ tư duy rất kém. Mặt khác, nếu chúng ta cung cấp cho nó một loạt hình ảnh giác quan phong phú, chúng ta sẽ tư duy rất tốt và chân thực. Nhà giáo dục vĩ đại John Senior từng giảng rằng, nếu trí nhớ và trí tưởng tượng của ai đó được hình thành kém, thì tiến trình suy luận của họ sẽ kết thúc trong sai lầm. Ông từng vật lộn để định hình lại những gì ông cho là “trí tưởng tượng ốm yếu” của học trò.
Câu hỏi điều gì sẽ tạo nên chất liệu tốt để lưu giữ trong trí nhớ và trí tưởng tượng của chúng ta sẽ là chủ đề của một bài viết sau này, nhưng ở hiện tại, chúng ta có thể nói thế này: Công việc quan trọng nhất của trí nhớ trong giáo dục là – đúc kết từ những nguồn như Ký ức văn hóa cộng đồng để lưu giữ những hình ảnh và ý tưởng về điều thiện, điều chân thực, và vẻ đẹp giúp định hình nên con người và đặt nền tảng cho việc học tập, suy nghĩ, và sáng tạo trong tương lai.
Ông Walker Larson giảng dạy văn học tại một học viện tư nhân ở tiểu bang Wisconsin, nơi ông sống cùng vợ và con gái. Ông có bằng Cao học về văn học và ngôn ngữ Anh, và có những bài viết được đăng trên các ấn phẩm The Hemingway Review, Intellectual Takeout, và trên nền tảng Substack của ông, “TheHazelnut”.