Thận trọng đối với tiền nhân
Cách đây hai ba tháng, trên các mặt báo có một bào quảng-cáo nhỏ cho một cuốn sách mới của một nhà xuất bản nọ. Sách nói về một quảng tiểu sử rất quái lạ thần bí của Lê-quý-Đôn với một cái tên sách ngộ-nghĩnh “Trạng hụt”. Bực danh nhân ấy, ai là còn không biết tiếng ? Mà ai cũng ham biết thêm về cuộc đời hoạt động của ông, mặc dầu người ta đã nói về ông rất nhiều, từ cuốn Nam-hải dị nhân, qua phần chữ Hán của báo Nam phong cũ cho đến bài tiểu-sử rất đầy đủ đã đăng trong một tập kỷ yếu trường Viễn-đông bác cổ, nhân một bài nghiên cứu về thư mục Việt-nam.
Tôi cũng đã bị trí tò mò kích thích và đã đọc cuốn sách đó ngay từ lúc mới xuất bản. Và tôi đã bị thất vọng. Không phải tôi đã quá tham, cầu ở cuốn đó một chút tài liệu gì quý giá xác thực về đời Lê Quý-Đôn. Ai còn lạ gì giá trị của một số nhiều tập lịch-sử tiểu-thuyết mà cả lịch sử ký sự xuất bản gần đây. Những tác giả không phải là không có tài, không phải là không có học thức nữa – Nhưng làm việc đã thiếu hẳn phương pháp. Người ta đâm ngờ cả những điều “lịch-sử” đã xảy ra một cách chắc chắn, mà tác giả kể trong sách, chỉ vì rằng bên cạnh những việc có thực đó, còn có biết bao nhiêu chuyện sai lầm, do một trí tưởng tượng không kiềm-chế tạo nên. Nhưng ít ra trong những cuốn sách nói trên, người ta cũng còn trọng lịch-sự một đôi chút. Không ai có gan chẳng có một bằng cớ gì chắc chắn mà dám đi kể những chuyện trái ngược hẳn những thứ từ trước đến giờ ai cũng biết và cũng công nhận là đúng : thí dụ như khen Tô-định là một vị minh quan nhân đức, hay bắt Lê-Tắc sinh vào đời Hậu-Lê.
Tác giả cuốn sách “Trạng hụt” đã dám như thế ! Ông bắt Lê-quý-Đôn phải sinh vào “năm quý-tị (1552) đời Lê Thuần-Tôn” (trang 4). Thực ra đời Lê Thuần-Tôn ở mãi thế-kỷ 18. Hơn nữa Lê Quý-Đôn sinh dưới đời Lê Dụ-Tôn niên hiệu Bảo Thái năm thứ bảy (Bính ngọ) so tây lịch thì là năm 1727.
Tác giả gọi ông thân sinh ra Lê Quý-Đôn là Lê-Quân, (1) tôi tự hỏi người ta có quyền gọi một nhân vật lịch sử như thế không và cho ta biết rằng lúc Lê Quý-Đôn còn nhỏ tuổi, “Lê quân” “hay chữ nhà giầu lại rất chăm chỉ về việc buôn bán cầy cấy”. Và ở đầu truyện, ta thấy hai vợ chồng Lê đó đi “buôn bán” ở chợ về, cho mãi tới khi Lê-quý-Đôn đã gần đủ sức đi thi, tác giả mới bảo cho hay một cách mơ hồ rằng “lúc ấy Lê đã đỗ hương cống” (trang 57-58).
Sự thực thì lại khác. Ông thân sinh ra Lê Quý-Đôn tên là Lê-Trọng-Thứ (trước là Lê-phú-Thứ) đỗ tiến-sĩ năm Bảo-thái thứ 4 (1724) nghĩa là trước khi sinh ra Lê Quý-Đôn (2). Ông là một vị đại-thần, sau được phong tước quận-công, có đâu đã sống một cuộc đời tầm thường như nhân vật trong truyện “Trạng-hut”.
Tôi không cần kể những chỗ sai lầm khác đầy dẫy trong cuốn sách, thí dụ như khi tác giả kể trong các tác phẩm Lê quý-Đôn cuốn “Việt nam thông sử” “…Nghệ văn chí” (trang 62) thành ra không cần chỗ đến đời Gia-long ngay từ khoảng hậu Lê có tiếng “Việt-nam” ! Thực ra đó chỉ là cuốn “Đại Việt thông sử”, mà cuốn “Nghệ văn chí” của tác giả chỉ là tên một phần của cuốn “Thông sử”. Tôi cũng không cần nói tới những chỗ nhầm lẫn về văn từ (3) cả đến cách hành văn hơi quá bạo đến sỗ sàng đối với một bực danh nhân đời trước. Vì đó là một lối văn riêng của tác giả, và có lẽ tác giả cho rằng thích hợp với cốt truyện cuốn Trạng-hụt.
Vậy ngoài những thứ tiểu tiết sai lầm đó, cuốn sách cho ta biết gì về đời Lê Quý-Đôn? Nó đã cho ta thấy rằng vị học-giả vào bực nhất của nước ta thủa nhỏ chỉ là một cậu bé rất ngu độn sau nhờ ở lòng nhân đức hữu ái của bố mẹ mà chết đi rồi lại sống lại với một sức thông minh khác thường, vì đã được rửa ruột ở dưới Âm-ty. Người ta sửng sốt trước một câu chuyện táo bạo như thế. Bao nhiêu những sử sách cũ, những Khâm định Việt sử, Đăng khoa lục nam- tạp-biên , Duyên-hà phả ký đều đã nói sai hết !
Người ta còn có thể cho rằng tác giả đã căn cứ vào ở một câu chuyện khẩu truyền chưa từng chép ở sách nào. Mà chỉ người trong vùng hay người nhà Lê Quý-Đôn mới biết. Cái đó cũng không đúng. Miền Duyên-hà, Phú-hậu (tên làng Lê Quý-Đôn) không có ai nghe nói một câu chuyện như thế, mặc dầu người ta vẫn chẳng e ngại mà điểm xuyết cho những chuyện về đời Quế-đường tiên sinh thường vẫn nhiễm nhiều vẻ thần kỳ. Và trong một bản “hành trạng” viết bằng chữ Hán còn giữ ở nhà con cháu Lê-Quý-Đôn, người ta đọc biết rằng : Lê-Quý-Đôn năm lên hai đã biết hai chữ hữu, vô ; năm lên bốn học Đường-thi ; lên năm đọc Kinh-thi, Tả-truyện Quốc-ngữ ; lên sáu làm thơ văn ; lên bảy học sử, và lên tám lên chín đã làm phú, lục, nghĩa là có thể đi thi được.
Cả đến đoạn mượn sách của Lương Tướng-công (?), đoạn Lê-Quý-Đôn vì không đỗ trạng mà buồn bực ngao-du sơn-thuỷ (tr.62) (4) đều là những chuyện mơ hồ không có thực, và nhiều lúc người ta tưởng như là những chuyện vu cáo cho cổ nhân !
Tóm lại cuốn Trạng-hụt đã làm cho mọi người bất mãn. Càng bất mãn hơn nữa vì người ta đâm ra ngờ tất cả những tác phẩm của nhà xuất bản và của tác giả cuốn sách đó. Trước cuốn Trạng hụt , Văn đoàn Bảo ngọc có xuất bản cuốn “Nguyễn Thượng Hiền”, và ô. Nguyễn Nam Thông có viết cuốn “Tú xuất” (do nhà in Tân dân xuất bản). Nếu không có cuốn Trạng hụt này, ta có thể cho rằng những cuốn trên có thể cùng một đôi chút tài liệu cho phần “giã sử” hiện vẫn còn trong địa hạt khẩu truyền. Đến bây giờ, người ta bắt buộc phải nghi ngờ đến cái tính cách xác thực của những mẩu đời của nhà danh sĩ Nguyễn thượng Hiền cùng của tay ăn chơi có tiếng lúc cận thời như Tú Xuất.
Đó thật là một việc đáng buồn nhất là khi ta nghĩ rằng trong cuốn sách nhỏ đó, không những người ta đã bôi nhọ sự thực, hơn nữa người ta đã bôi nhọ một đấng tiền nhân. Mà bực tiền bối đó là ai ? Là một vị học giả mà công trình trước tác đã làm vinh dự cho nền học thuật nước nhà.
Cốt truyện của ông Nguyễn Nam Thông, mặc dầu hình như phỏng theo một chuyện Liêu-trai, không phải là thiếu ý nghĩa và hứng thú. Làm sao ông lại không viết một chuyện thường, coi như một chuyện cổ tích, mà lại dùng nó điểm xuyết một cách vô lý – gần như vô lễ – vào đời Lê Quý-Đôn ?
Chúng ta nên thận trọng đôi chút đối với những người xưa. Khi nào người ta bắt chước cười cợt ngạo nghễ đối với cả các bực đàn anh đáng kính, ấy là người ta đã đi gần đến cuộc suy bại.
TẢO TRANG
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)
1) Mãi đến trang 60, trong một lời chú tác giả mới cho ta biết rằng “Lê-ông thân sinh ra Lê-Quý-Đôn – tên là Lê Trọng-Thứ”
2) Xem Đăng khoa học. Va Gaspar done. Bibliographie annamite kỷ yếu trường Viễn-đông bác cổ 1934, trang 18.
3) Thí dụ trang 30 : cười nói luyên thuyên ; trang 62 : vua Lê Thánh-Tôn niên hiệu Hồng-đức…