Người ta thường nói “một hàng rào phải có ba cái cọc, một hảo hán phải có ba người giúp đỡ”. Sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp trên thực tế cũng bắt đầu từ sự tương trợ trong gia đình, từ cha mẹ, vợ chồng và anh chị em với nhau. Ở phần này chúng ta sẽ nghiên cứu tiếp về đạo nghĩa giữa bạn bè dưới góc độ của văn hoá truyền thống.

Bạn không có âm thầm mộng mị
Thơ vẽ ra tri kỷ xa vời
Chao lòng mong ngóng chơi vơi
Bạn hiền xa vắng cõi đời sầu bi…
(Hồng Dương)

Trong cõi nhân sinh điều đáng trân trọng nhất là tìm được một tri kỷ tâm giao, và cuộc hành trình của cuộc sống sẽ thi vị hơn rất nhiều khi bạn nghe thấy tiếng bước chân của một người bạn bên cạnh mình. Mối quan hệ đó nếu có thể có đầy đủ “nghĩa, tín và ân” thì sẽ bền chặt dài lâu, nó cũng sẽ vun đầy phẩm hạnh và đạo đức của một con người. 

Thời kỳ Tam Quốc đã vẽ trọn vẹn nội hàm của chữ “Nghĩa”. Vào cuối triều đại Đông Hán, quần hùng tranh tài ở Trung Nguyên, ba nước Ngụy, Thục và Ngô nổi bật hơn cả. Các nhân vật anh hùng trứ danh như Lưu Bị, Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Trương Phi v.v … không ai là không biết tới. Tuy nhiên trong đó có một người luôn được bách tính Trung Hoa kính trọng yêu quý, coi ông như hóa thân của sự trung nghĩa, nhắc đến ông trong tâm mọi người đều kính uy. Người này là Quan Vũ. 

Năm xưa Lưu Bị, Quan Vũ, và Trương Phi gặp gỡ liền cảm thấy vô cùng có duyên, tuy rằng họ không phải là anh em ruột thịt, nhưng thân nhau như cùng mẹ sinh ra, ba người kết nghĩa huynh đệ, cùng vào sinh ra tử. 

Thanh hương nhã cú (P-4): Chữ ‘Nghĩa’ trong bạn bè dưới góc nhìn của văn hoá truyền thống
Chữ ‘Nghĩa’ trong bạn bè dưới góc nhìn của văn hoá truyền thống như thế nào? (Ảnh NTDtv)

Theo những tài liệu ghi chép của lịch sử trong trận giao chiến năm xưa, Quan Vũ và Lưu Bị, Trương Phi thất bại, vì để bảo hộ hai vị phi tần – phu nhân của Lưu Bị, và cũng vì không bội thệ ước của ba người, Quan Vũ đã tạm thời về với quân đội của Tào Tháo. Tào Tháo vô cùng nghênh đón Quan Vũ, thấy ông võ nghệ cao siêu, vì nghĩa khí với người khác mà xả thân, vậy nên để níu chân Quan Vũ, Tào Tháo đã đặc biệt phong quan tiến chức cho ông, hơn nữa còn đưa mỹ nữ tới. Nhưng Quan Vũ không hề lay động, ông nói với Tào Tháo rằng: “Đợi ta báo xong ân của ông, và sau khi biết rằng huynh trưởng ta được thả, ta sẽ lập tức rời đi ngay, ta cũng sẽ không lưu lại nơi đây lâu“. Vậy nên tài vật Tào Tháo tặng Quan Vũ đều niêm phong không động tới, ông cũng đưa mỹ nhân sang chăm sóc cho hai vị phi tần. 

Cuốn Tam Quốc Chí và các sử sách khác có ghi chép lại rằng: vào mùa hạ tháng tư năm Kiến An thứ năm (năm 200), Viên Thiệu và Tào Tháo giao chiến. Năm đó, quân binh của Viên Thiệu có thể thừa thắng Tào Tháo, Viên Thiệu phái đại tướng Nhan Lương, bao vây công kích thành Bạch Mã. Trong trận chiến đó, Tào Tháo phái Trương Liêu, Quan Vũ đối đầu với hai đội quân, mọi người đều nói quân Nhan Lương binh cường mã tráng, hơn nữa khi đó Nhan Lương vô cùng nổi danh, nhưng Quan Vũ không hề sợ hãi, thắng ngựa xông thẳng qua vạn quân của Viên Thiệu, lấy được thủ cấp của Nhan Lương đem về. Tào Tháo thấy vậy trong tâm vô cùng vui mừng, còn quân sĩ đối phương thấy chiến trận chưa bắt đầu mà thủ lĩnh đã bị giết, ai nấy đều hoang mang lo sợ. Khi đó Tào Tháo cho quân đại tiến xông phá, quân Viên Thiệu đại bại, quân Tào Tháo đại thắng. 

Trong trận chiến ở thành Bạch Mã đó, Quan Vũ lập được đại công, Tào Tháo liền thượng tấu lên triều đình, vua Hán Hiến Đế đã phong cho Quan Vũ chức Hán Thọ Đình hầu, còn đặc biệt chế tạo một con ấn vàng thưởng cho Quan Vũ. Cuốn Tam Quốc Chí cùng các sử sách khác có ghi chép lại rằng Quan Vũ sau khi giết chết Nhan Lương thì thấy rằng đã trả được đầy đủ ân nghĩa cho Tào Tháo, cộng thêm khi đó ông cũng nhận được tin tức của Lưu Bị, vì vậy quyết định rời khỏi nơi của Tào Tháo. 

Thanh hương nhã cú (P-4): Chữ ‘Nghĩa’ trong bạn bè dưới góc nhìn của văn hoá truyền thống
Tình nghĩa huynh đệ đối với Quan Vũ quan trọng hơn hết thảy. (Ảnh Miền Công cộng)

Quan Vũ đem con dấu Hoàng thượng ban thưởng treo nơi đại sảnh, đem tài vật Tào Tháo tặng niêm phong lại, sau đó chỉ đưa theo hơn 20 tùy tùng, bảo hộ hai vị phi tần, ngàn vạn dặm đường xa xôi đi tìm huynh trưởng Lưu Bị. 

Quyền cao chức trọng, vinh hoa phú quý của Tào Tháo không thể lưu giữ được bước chân của Quan Vũ, tình nghĩa huynh đệ đối với ông quan trọng hơn hết thảy. Những nhân vật anh hùng thời Tam Quốc rất nhiều, duy chỉ có Quan Vũ dùng cả sinh mệnh mà trung nghĩa với bằng hữu. Từ khi ba huynh đệ quen nhau, cho đến khi Quan Vũ tử trận nơi sa trường, ông một đời chinh chiến trên lưng ngựa, tấm lòng nghĩa khí vẫn không lay chuyển.

Sau khi ông mất, ba nước Ngụy, Thục, Ngô đều cho xây lăng mộ Quan Vũ, Tào Tháo xây lăng ở Lạc Dương Hà Nam. Tôn Quyền xây lăng tại Đương Dương. Huynh đệ Lưu Bị của ông đã xây lăng mộ tại Thành Đô, Tứ Xuyên. Mạnh Tử đã nói: “Giàu có không được bị mê, nghèo khó cũng không được lay động, uy võ không được khuất phục, ấy được gọi là bậc đại trượng phu“. 

Tam quốc diễn nghĩa như một bản hùng ca tráng lệ mô tả trọn vẹn nội hàm của chữ “Nghĩa”. Ở đó ta thấy được tinh thần trung nghĩa, cốt cách nghĩa khí cùng tinh thần chính trực của các bậc anh hùng thời xưa cho đời sau tham chiếu. 

Trúc Lâm

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn