Thanh hương nhã cú (Phần 3): Đạo nghĩa anh em
Trong văn hóa Á Đông mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, vợ và chồng, anh chị em, bạn bè và quân thần luôn được xem là quan trọng. Người xưa vẫn thường có câu: “Phu nghĩa phụ thuận, phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung, bằng hữu hữu tín, quân nhân thần trung” (Chồng nghĩa vợ thuận, cha từ con hiếu, anh em tương kính, bạn bè có tín, quân vương nhân ái bề tôi trung).
Kỳ thực không ai có thể tồn tại mà không cần sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, với người thân lại càng hơn thế nữa. Người ta thường nói “một hàng rào phải có ba cái cọc, một hảo hán phải có ba người giúp đỡ”. Sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp trên thực tế cũng bắt đầu từ sự tương trợ trong gia đình, từ cha mẹ, vợ chồng và anh chị em với nhau. Ở phần này chúng ta sẽ xem xét về đạo nghĩa giữa anh chị em trong năm mối quan hệ trên trong văn hoá truyền thống.
Trong cuốn Đệ Tử Quy đã viết: “Nếu anh em không bị vật chất làm cho vẩn đục, thì có gì có thể khiến tình cảm anh em bị tổn thất? Nếu anh em nói năng biết kính trên nhường dưới, bao dung độ lượng thì mọi hận thù sẽ tự tiêu tan”
Có hai anh em nhà nọ, tên là Tào Phi và Tào Thực. Tào Phi sau khi làm vua, vì muốn giữ vững ngôi vị của mình đã có ý định loại trừ mầm họa là người em Tào Thực giỏi giang. Một lần, anh ta đã nói với em trai rằng: “Trong vòng bảy bước chân em phải làm được một bài thơ nói lên ý nghĩa tình anh em, trong thơ không được nhắc tới hai chữ ‘anh’ và ‘em’. Nếu em không làm được, ta sẽ xử tử em”. Thấy anh trai giờ đã làm vua mà vẫn không tha cho mình, Tào Thực rất lấy làm buồn lòng. Trong vòng bảy bước chân đã ngâm được một bài thơ rằng:
“Đậu hạt nấu chín bằng cành
Cùng chung một gốc, đoạt tranh làm gì
Trong nồi, đậu khóc tỉ ti
Cành ơi sao nỡ hiềm nghi cho đành”
Tào Phi sau khi nghe xong không nói được gì, đành tha mạng cho Tào Thực.
Trong văn hóa truyền thống Á Đông có rất nhiều những câu chuyện về anh em tranh giành tài sản, tuy nhiên những câu chuyện anh em nhường nhau ngôi vị, thương yêu tương kính cũng không phải là ít.
Vào cuối đời nhà Thương, có một nước chư hầu nhỏ tên là Cô Trúc. Quốc Vương nước này có ba người con trai, hoàng tử cả được gọi là Bá Di, hoàng tử thứ ba được gọi là Thúc Tề. Vua cha rất sủng ái hoàng tử ba và muốn anh kế vị. Sau khi quốc vương băng hà, chiểu theo luật lệ của triều đình thì hoàng tử cả sẽ kế ngôi, tuy nhiên Bá Di lại nói: “Chúng ta nên làm theo đúng ý nguyện của phụ hoàng, ngôi vua nên để cho Thúc Tề kế nhiệm”. Hoàng tử thứ ba thấy vậy liền đáp: “Đệ làm vua sẽ không hợp đạo nghĩa huynh đệ, cũng không đúng theo luật lệ đã đề ra”. Sau đó, Thúc Tề cũng từ chối vị trí cao quý này và cùng người anh cả chuyển ra ngoài hoàng cung sinh sống. Bá Di và Thúc Tề đều nhường nhau không ai chịu kế nghiệp vua cha, triều thần đành bó tay thúc thủ nên phải lập hoàng tử thứ hai lên để kế vị ngai vàng.
Từ chối cuộc sống xa hoa phú quý, câu chuyện về Bá Di và Thúc Tề luôn được người đời ca ngợi. Ngay cả đến ngôi báu hai người cũng có thể nhường nhịn, điều này thể hiện tính nhân nghĩa rất sâu sắc. Người anh Bá Di muốn thuận theo ý cha, nhưng người em Thúc Tề lại kính trọng anh của mình.
Tác giả: Hinh Viên
Biên dịch: Trúc Lâm