Thế nào là ngoại giao thành công
Các chuyên gia nói với chúng ta rằng Trung Đông sẽ nổ ra chiến tranh vào tháng 12/2017, sau khi Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Các chuyên gia đã dự đoán tương tự về một kết cuộc bi thảm 15 tháng sau đó, khi chính phủ ông Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, một khu vực chiến lược tại biên giới phía bắc của Israel do Syria kiểm soát trước đây.
Tuy nhiên, sau mỗi lần như thế thì cuộc sống trong khu vực này vẫn tiếp diễn bình thường. Đã có một số cuộc biểu tình và một vài tình huống bạo lực riêng lẻ, nhưng cũng chỉ có vậy. Các nhà báo, nhà bình luận, cơ quan ngoại giao – tất cả đều đã sai. Lối suy nghĩ kiểu quy ước thịnh hành, vốn đã dẫn đạo tư duy tập thể của Hoa Thịnh Đốn trong nhiều thập kỷ, cũng vậy.
Trên thực tế, thay vì thúc đẩy hỗn loạn, sự ủng hộ vững chãi của chính phủ ông Trump đối với Israel, lập trường cứng rắn đối với người Palestine, và chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Iran thực sự đã đem lại hòa bình cho Ả Rập–Israel dưới hình thức các Hiệp định Abraham.
Tuy nhiên, với việc Tổng thống Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc có thái độ xa cách với Israel và thỏa hiệp với người Palestine và chế độ sát nhân ở Iran, chúng ta lại chứng kiến cảnh bạo lực nghiêm trọng ở Trung Đông. Người Palestine đang gây ra bạo loạn ở Đông Jerusalem, hô to “hãy đánh bom Tel Aviv” trong khi Hamas bắn hỏa tiễn từ Gaza vào Israel, nhắm vào thường dân.
Trong tập phát sóng chương trình podcast “Newt’s World” hôm 16/05 của tôi, tôi trò chuyện với một trong những người chịu trách nhiệm cao nhất về các Hiệp định Abraham: Ông Mike Pompeo.
Với tư cách là ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Trump, ông Pompeo đã dẫn đầu nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Trong cuộc trò chuyện, ông ấy đã kể lại tư tưởng đằng sau cách tiếp cận của chính phủ đối với Trung Đông – những hiểu biết có giá trị to lớn cho tình thế hiện nay, khi Hoa Kỳ theo đuổi các chính sách hoàn toàn trái ngược và khu vực này trải qua một đợt bạo lực mới.
Tất nhiên, ngoại trưởng Pompeo đã đạt được thành công đáng kể với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước chúng ta về Trung Đông. Ông ấy đã giúp thúc đẩy sự đồng thuận toàn cầu để công nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với phương Tây. Ông ấy cũng đã ưu tiên tự do tôn giáo và thực hiện những nỗ lực phi thường để mọi người được thờ phụng Thượng Đế theo cách riêng của họ, chứ không phải theo lệnh của chính phủ.
Hơn nữa, ông Pompeo đã có thành tựu đáng kinh ngạc trong việc giải thoát hàng chục con tin người Mỹ trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và Bắc Hàn. Thật ấn tượng khi nghe ông ấy tường thuật chi tiết về trải nghiệm xúc động khi đưa ba người Mỹ cuối cùng bị giam giữ ở Bắc Hàn về nước.
Tất nhiên, ông Pompeo không chỉ giữ vai trò ngoại trưởng. Ông cũng từng là giám đốc CIA, và trước đó từng là thành viên Quốc hội tại Kansas. Với những kinh nghiệm này, ông Pompeo có thể nói về một loạt các vấn đề, bao gồm cả nỗ lực đáng lo ngại của CIA để trở nên ‘thức tỉnh’ hơn và nỗ lực của Đảng Dân Chủ trong việc liên bang hóa các cuộc bầu cử quốc gia cũng như bấu víu quyền lực một cách vĩnh viễn thông qua Đạo luật H.R. 1.
Ông cũng như hầu hết những người Mỹ khác, nhận thấy những nguy cơ về chính phủ toàn quyền và chủ nghĩa độc tài đang len lỏi như chúng ta chứng kiến trong nước. Chính phủ ông Trump đã nhận ra điều tương tự.
Tuy nhiên, chính phủ ông Biden lại tin điều hoàn toàn ngược lại: rằng chúng ta cần nhiều sự kiểm soát của chính phủ ở trong nước hơn và giảm bớt sự lãnh đạo của Hoa Kỳ ở hải ngoại. Đây là một công thức tai hại mà nếu tiếp tục, sẽ gây thiệt hại cho Hoa Kỳ – và các đồng minh của chúng ta – trong nhiều năm tới.
Ông Newt Gingrich, một thành viên Đảng Cộng Hòa, từng là Chủ tịch Hạ viện từ năm 1995 đến năm 1999, và từng ra tranh cử với tư cách là ứng cử viên tổng thống vào năm 2012.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.