Thể thao khắc họa phong cách sống Hoa Kỳ
Gìn giữ giấc mơ Hoa Kỳ: Ba ly rượu mời những người ái mộ thể thao.
Lợi ích của thể thao đối với người trẻ cũng như người lớn tuổi là quá nhiều và quá rõ ràng.
Đầu tiên, và là điều tất nhiên, thể thao là một hình thức giải trí về thể chất và đem lại niềm vui. Một thủ môn 9 tuổi của một đội bóng, một học sinh năm hai trung học đã vào được đội bóng chày trường, một người chơi bóng chuyền đã được tuyển vào đội bóng trường đại học của cô, một thanh niên 30 tuổi đang chơi cho đội bóng softball của nhà thờ, một bác sĩ nha khoa sáu mươi tuổi tham gia chạy đường dài 5K (chạy 5km) vài lần mỗi năm: Tất cả những người này – và có hàng triệu người như họ – đang tập luyện mỗi ngày để giúp tim đập tốt, phát triển cơ bắp, và giữ luôn cân đối về thể chất và tinh thần . Hầu hết họ đều hài lòng với những hoạt động như vậy.
Tiếp đó là niềm vui lan tỏa khi được xem các vận động viên tỏa sáng trên sân vận động và các sân đấu. Bà mẹ kia đang cổ vũ cho con gái tuổi teen của mình trong cuộc thi đấu khúc côn cầu và người đàn ông nọ đang reo hò ngay trước chiếc tivi màn ảnh rộng cho đội Green Bay Packers yêu thích của ông, trong khoảnh khắc ấy, mọi lo âu và căng thẳng về các sự kiện quan trọng hoặc công việc đều bị xóa sạch.
Người dân Hoa Kỳ, cũng giống như mọi dân tộc khác, từ lâu đã yêu thích những cuộc tranh tài như vậy. Và tôi muốn nâng ly chúc mừng cho hoạt động thể hiện phong cách sống tuyệt vời của người Mỹ.
Đầu tiên, lời thú tội
Dạo này, trừ phi đó là một giải đấu có liên quan đến các đứa cháu của tôi, tôi thì không phải là người hâm mộ thể thao. Lần cuối cùng tôi quan tâm đến thể thao là kỳ Thế Vận Hội năm 1976 – khi đó các thành viên ban giám khảo, hầu hết họ đến từ các quốc gia cộng sản, không công nhận chiến thắng của những võ sĩ đấm bốc Hoa Kỳ. Kể từ cuối những năm đôi mươi của tôi, tôi không còn quan tâm đến đá banh chuyên nghiệp hoặc bóng rổ NCAA nữa. Tôi không còn nhớ được lần cuối cùng mình xem một trận Siêu Cúp Bóng Bầu Dục là khi nào.
Khi còn ở bậc trung học, tôi đã chạy việt dã và chơi đá banh trong năm cuối của mình. Tôi đã vào đại học quân đội trong 18 tháng, đã chơi đấm bốc, đấu vật, chơi cho giải túc cầu và bóng chuyền nội bộ của trường, luyện bơi lội, và thể hình.
Công việc, xây dựng gia đình, cùng với các nghĩa vụ và quyền lợi khác đã kéo tôi ra khỏi đam mê với các môn thể thao.
Tuy nhiên vào ngày cuối tuần hôm 19/03, tôi đã đến Fort Wayne, tiểu bang Indiana, tại Vòng Bán Kết NCAA Division III môn bóng rổ nam. Đội Randolph-Macon College (RMC) đã chiến thắng trong trận đấu này, và John bạn tôi, là một fan cứng của đội, đã rủ tôi cùng tham dự sự kiện này. Mặc dù tôi không quan tâm đến RMC hay bóng rổ, tôi đã dành 10 giờ để lái xe đến Fort Wayne vì người bạn đó.
Và khi đã có mặt ở đó, trong War Memorial Colosseum (Đấu Trường Kỷ Niệm Chiến Tranh) của Allen County, tôi được nhắc nhở về tầm quan trọng thiết yếu của thể thao với nền văn hóa của chúng ta. Không chỉ là chất keo kết dính đất nước chúng ta lại với nhau – cả những người theo chủ nghĩa tự do và những người bảo thủ đều có thể tìm thấy điểm chung khi nói về đội hoặc cầu thủ yêu thích của họ – thể thao còn dạy cho chúng ta thêm nhiều bài học khác nữa.
Tình đồng đội
Trên chiếc áo nỉ được các cầu thủ RMC khoác bên ngoài đồng phục thi đấu của họ, phía trên logo của đội bóng là một dòng chữ “Gia Đình”.
Và rồi khi quan sát họ thi đấu vào buổi cuối tuần đó, chứng kiến họ thổi bay đối thủ, tôi lập tức hiểu rằng, những người này giống như là thành viên của một gia đình vậy. Họ thường xuyên ôm nhau hoặc đập tay nhau; những cầu thủ dự bị bên ngoài thì liên tục hò reo cổ vũ cho đồng đội đang thi đấu, và tất cả đều lắng nghe huấn luyện viên của mình một cách chăm chú trong giờ giải lao.
Những người hâm mộ trên khán đài cũng biểu lộ ra loại tình cảm như thể họ cùng trong gia đình này. Nhiều người trong đó khá nhiều tuổi và tóc cũng đã hai màu; một số cũng đã từng chơi tại RMC, nhưng tất cả họ, cả một người phụ nữ đến đây từ đất nước Ý, vô cùng hăng hái cổ vũ cho đội nhà. Những cầu thủ đó đã kéo tất cả lại với nhau, cho họ một mục tiêu chung và một buổi cuối tuần quay về với những kỷ niệm vốn dĩ có ý nghĩa rất lớn với họ.
Trong bộ phim “Sân Cỏ Của Những Giấc Mơ”, tác giả Terence Mann (Diễn viên James Earl Jones) đã nói như thế này về Bóng Chày:
“Họ sẽ xem trận thi đấu và điều đó sẽ như thể họ đang ngâm mình trong những vùng nước phép thuật nhiệm màu. Những ký ức này sẽ dày đặc đến nỗi họ phải vuốt nó ra khỏi khuôn mặt… Có một thứ vẫn luôn không thay đổi sau nhiều năm, là bóng chày. Hoa Kỳ đã lăn bánh như một đội quân xe ủi đường. Đất nước này đã từng bị xóa như một chiếc bảng đen, rồi xây lại, và lại phá hủy một lần nữa. Nhưng môn bóng chày này vẫn không thay đổi. Sân cỏ này, trận đấu này: Nó là một phần quá khứ của chúng ta, Ray*. Nó nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ đã từng rất tốt đẹp và nó sẽ quay lại.”
Tôi đã chứng kiến những lọ nước phép thuật như thế tại đấu trường Fort Wayne.
Tinh thần đồng hành
Ngay nay, chúng ta đã nghe quá nhiều rằng Hoa Kỳ là một quốc gia phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống, đặc biệt là giữa người da trắng và da đen, như những khoảng cách được tính bằng năm ánh sáng chia cắt các vì sao trên bầu trời đêm.
Điều đó là không đúng đối với đội bóng này.
Khi gần kết thúc trận đấu, khi điểm số cách biệt lớn tuyên bố chiến thắng thuộc về đội RMC, các cầu thủ trên sân, cả da trắng và da đen, ôm chầm lẫn nhau, da trắng và da đen, khi họ bước ra khỏi sân. Đó không phải là những cái ôm chiếu lệ kiểu “hãy chạm vai vào nhau.” Không – đó là những cái ôm thật mạnh mẽ của những chàng trai trẻ trân trọng và yêu thương một cách tự hào những đồng nghiệp của mình.
Thể thao chứa đựng nhiều điều hơn việc chỉ là một sân chơi với bóng, các bàn thắng, lưới, cột hoặc là những cái rổ. Chúng là tất cả những gì thuộc về tình yêu và sự kết nối, không phải là màu cờ sắc áo hay tín điều. Vào hai buổi tối đó, 10 chàng trai trên sân đấu đã kích thích cả một đám đông, làm gắn bó tình thân hữu giữa những người hâm mộ, và khiến những người xa lạ làm quen với nhau.
Thắng và thua
Trên một chương trình truyền hình hồi xưa có nhan đề “Thế Giới Thể Thao Rộng Lớn”, xướng ngôn viên Jim McKay đã nổi tiếng với câu: “Sự rung động của chiến thắng, và sự thống khổ của chiến bại.”
Vận động viên của tất cả các thể loại, cho dù họ thể hiện tốt cỡ nào, sẽ đem những ký ức về trận tranh tài của họ theo suốt phần còn lại của cuộc đời. Cậu bé đã đoạt giải vô địch quần vợt vào năm cuối trường trung học và một tiền đạo đã ghi nhiều bàn thắng khi chơi trên sân sẽ ghi nhớ và trân trọng những thành tích cá nhân của họ, đồng thời tận dụng những thành tích đó khi trưởng thành.
Và với những người đã không chiến thắng, nếu họ khôn ngoan, họ cũng sẽ học được những bài học. Họ học được tính chịu đựng và sự bền bỉ. Họ nhận trách nhiệm khi để bản thân và đội bóng phải chịu thất bại. Và họ sẽ kiên trì.
“Tôi đã bỏ lỡ hơn 9,000 cơ hội trong sự nghiệp của mình” Michael Jordan, một trong những cầu thủ bóng rổ xuất sắc nhất thế giới chia sẻ. “Tôi đã thua gần 300 trận bóng. Có 26 lần tôi được tin tưởng để giao phó thực hiện cú ném quyết định thắng bại của trận đấu và tôi đã làm hỏng. Tôi đã thất bại hết lần này đến lần khác trong cuộc đời mình. Và đó là lý do vì sao tôi đã thành công.”
Lời cảm tạ
Tại Fort Wayne, tôi đã nhận ra rằng thể thao thể hiện phong cách sống của người dân Hoa Kỳ: tài năng cá nhân, phối hợp đồng đội, sự công nhận của các cá nhân xuất chúng, những cơ hội rõ ràng về thành công hoặc thất bại, quy luật của các trận đấu, chơi đẹp, danh dự, và tôn trọng đối thủ. Bất kể người hâm mộ và cầu thủ có biết hay không, sự tham dự của họ vào trận đấu – không chỉ là giải vô địch ở tiểu bang Indiana mà là trong tất cả các giải đấu – là một sự khẳng định về những điều tốt đẹp của đất nước và lý tưởng của họ.
Như tôi đã nói ban đầu, đam mê của tôi đối với thể thao rất tiếc là đã biến mất từ rất lâu rồi. Nhưng này tất cả các vận động viên và những người hâm mộ, hãy biết rằng tình yêu của các bạn đối với thể thao và các trận đấu sẽ giúp cho chính các bạn và hầu hết chúng tôi sống lành mạnh trong thế giới điên rồ này. Các bạn đã nhắc nhở chúng tôi như Terence Mann nói, “Tất cả những điều đã từng tốt đẹp sẽ quay trở lại.”
*Ray: cầu thủ bóng chày nổi tiếng Raymond Chapman, dẫn đầu Liên đoàn Mỹ về số lần chạy được ghi điểm (run scored) năm 1918. Ông qua đời vì trái banh ném (pitch) trong trận đấu với đội New York Yankees năm 1920.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu ở tuổi đang lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, North Carolina.