Thiếu sót trong chương trình Đại Tái Thiết của WEF: Một Kim chỉ nam Đạo đức
Toàn cầu hóa đã đem lại cho các tổ chức phi chính phủ, giới siêu giàu, và những hãng công nghệ lớn sức mạnh và sự ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu mà trước đây chỉ có ở các siêu cường quốc.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tự mô tả là một tổ chức quốc tế về hợp tác công lập và tư nhân, đã đề xuất một sáng kiến “Đại Tái Thiết” nhằm thiết lập lại nền kinh tế toàn cầu để giải quyết những thách thức của thế giới sau đại dịch. WEF vẽ lên bức tranh về một năm 2030 trong đó Hoa Kỳ sẽ mất vị trí siêu cường quốc ưu việt của mình; một tỷ người sẽ phải chuyển chỗ ở do biến đổi khí hậu; carbon sẽ bị đánh thuế trên toàn cầu, và “bạn sẽ không sở hữu gì cả và hạnh phúc.”
WEF gộp những tai ương chủ yếu của thế giới vào các vấn đề kinh tế và khí hậu, trong khi chủ trương rằng các quyền sở hữu tài sản cá nhân có thể bị hủy bỏ, quyền riêng tư có thể phải hy sinh, và chủ quyền quốc gia có thể bị xóa bỏ – tất cả đều vì lợi ích lớn hơn là giải quyết hai mối đe dọa sống còn nói trên. Không thể phủ nhận rằng tổ chức này có những phương tiện để đi xa hơn với kế hoạch trên, vì được hỗ trợ bởi các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà tài phiệt công nghệ và giới siêu giàu, những người dường như rất muốn thay chúng ta thực hiện những thay đổi này.
Nhưng trong tất cả các đề xuất do WEF đưa ra, có rất ít thảo luận về vấn đề nguyên tắc. Giống với các tổ chức bất vụ lợi khác như Liên Hiệp Quốc, chương trình Đại Tái Thiết dùng mô hình giá trị trung tính (neutrality model), trong đó thuyết tương đối về đạo đức cản trở bất kỳ việc sử dụng một nguyên tắc đạo đức nào trong việc định hướng chính sách và hành động.
Tuy nhiên, học thuyết giá trị trung tính không đủ để kiểm soát các tổ chức quốc tế vốn đang muốn tìm kiếm quyền lực và sự cho phép được thay đổi thế giới. Cần phải có những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng để bảo đảm một quá trình hành động có đạo đức một cách nhất quán. Để đạt được điều này, một cuộc đối thoại thẳng thắn xoay quanh các nguyên tắc đạo đức là điều bắt buộc đối với những ai đang tìm cách định hình tương lai của chúng ta.
Sự phát triển của đạo đức
Các nền văn minh vĩ đại của nhân loại đã phát triển thịnh vượng với một nền tảng đạo đức, nhưng cũng sụp đổ với sự băng hoại của nó. Đạo đức không phải là nhất thời, mà là nền tảng của xã hội mà từ đó sự thịnh vượng được sinh sôi một cách tự nhiên. Lịch sử đã cho thấy rằng thành công kinh tế bền vững nhất thiết phải gắn liền với một sự phổ quát đạo đức ổn định.
Thương mại phát triển và tăng trưởng kinh tế được bắt nguồn từ một môi trường mà các đức tính như liêm chính, trung thực, siêng năng đã thúc đẩy các phát minh, khuyến khích thương mại song phương cùng có lợi, và tiếp sức cho những nỗ lực của công chúng.
Ở phương Đông, Trung Quốc đã kéo dài được 5,000 năm trị vì qua các triều đại, nơi mà Đạo giáo, Nho giáo, và Phật giáo chú trọng đạo đức. Năm đức tính của Nho giáo – Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín – đã củng cố cho sự khéo léo và nền văn hóa phong phú của Trung Quốc, dẫn đến những phát minh như la bàn, thuốc súng, giấy, và bàn tính.
Người Hy Lạp cổ đã thiết lập nền tảng cho các lĩnh vực nghiên cứu hiện đại như toán học, sinh học, kỹ thuật, ngôn ngữ học, cùng với các lĩnh vực khác, trong khi thiết lập nền dân chủ và hệ thống tòa án hiện đại. Từ Socrates đến Aristotle đến Plato, tranh luận sôi nổi xung quanh các nguyên tắc đạo đức là đặc điểm chính trong đời sống của người Hy Lạp cổ.
Hoa Kỳ đã kết hợp nền tảng của người Athen với đạo đức Do Thái–Cơ Đốc giáo để tạo ra quốc gia thịnh vượng nhất trong lịch sử hiện đại. Những đức tính cốt lõi của nó đã được đưa vào Hiến pháp và trong việc thiết lập một quốc gia dưới quyền của Thượng Đế, cùng với niềm tin rằng một nền tảng đạo đức sẽ đem lại những lợi ích thực chất cho cả cá nhân lẫn quốc gia.
Chúng ta có thể dễ thấy an ủi với ý tưởng rằng một nhóm tinh hoa toàn cầu có năng lực đang cố gắng giải quyết các cuộc khủng hoảng mang tính sống còn trong thời đại ngày nay, nhưng đây không phải là lúc để loại bỏ tiếng nói của chúng ta trong tương lai.
WEF cần quảng bá cho tầm nhìn của mình không phải bằng sự ép buộc mà là thông qua việc áp dụng các nguyên tắc đạo đức cụ thể, đủ để thuyết phục rằng sự tự kiềm chế và sự hy sinh sẽ thực sự phục vụ cho lợi ích chung. Con đường duy nhất còn lại để áp đặt việc tái thiết cơ cấu kinh tế thế giới là thông qua vũ lực, vì một tổ chức thống trị toàn cầu chắc chắn sẽ làm xói mòn quyền dân chủ, tự do và tự quyết. Lịch sử thế kỷ trước đã cho thấy quyền lực tập trung luôn dẫn đến chủ nghĩa toàn trị được duy trì bằng bạo lực.
Mọi quốc gia áp dụng mô hình quản trị vô đạo đức này đều đã kết thúc trong nghèo đói, chuyên chế, hoặc cả hai. Hãy nghĩ đến Liên Xô, Campuchia, Trung Quốc, và Cuba. Không có ngoại lệ. Nếu WEF loại bỏ các nguyên tắc đạo đức hiện có, thì sẽ có kết quả tương tự.
Ông Ryan Moffatt là một nhà báo sống ở Vancouver.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.