ADAM MORROW

Dường như Thổ Nhĩ Kỳ đã dội một gáo nước lạnh vào mong muốn cùng được gia nhập liên minh phương Tây NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Hôm 23/01, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Thụy Điển “không còn có thể mong đợi” sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ để được gia nhập NATO.

Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền phủ quyết nguyện vọng của các quốc gia mới muốn tham gia vào khối do phương Tây lãnh đạo này. 

Nhận định của ông Erdogan được đưa ra một ngày sau khi các nhà hoạt động tổ chức cuộc biểu tình gây tranh chấp bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm. Tại sự kiện này, ông Rasmus Paludan, một chính trị gia cánh hữu được biết đến với những tranh cãi về tán tỉnh dụ dỗ, đã đốt cháy một quyển kinh Koran.

Ông Rasmus Paludan, lãnh đạo đảng chính trị Đan Mạch Stram Kurs, đứng bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm hôm 21/01/2023. (Ảnh: Fredrik Sandberg/TT News Agency qua AP)
Ông Rasmus Paludan, lãnh đạo đảng chính trị Đan Mạch Stram Kurs, đứng bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm hôm 21/01/2023. (Ảnh: Fredrik Sandberg/TT News Agency qua AP)

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi diễn biến này là một “hành động khiêu khích” và đã hủy chuyến thăm dự kiến tới Ankara của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển.

Đảng Công lý và Phát triển theo chủ nghĩa Hồi giáo của ông Erdogan – sẽ phải đối mặt với các cuộc bầu cử cam go vào tháng Năm – thường nhận được sự ủng hộ của các cử tri thiên về bảo tồn truyền thống và có tư tưởng tôn giáo hơn.

Ông Erdogan nói sau khi tham dự một cuộc họp Nội các, “Những người để xảy ra hành động báng bổ như vậy bên ngoài đại sứ quán của chúng tôi không còn có thể mong đợi sự ủng hộ của chúng tôi về tư cách thành viên NATO của họ.” 

Ankara chậm phê chuẩn

Chấm dứt nhiều thập niên trung lập, năm ngoái cả Thụy Điển và Phần Lan đều đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Nhưng để được gia nhập, trước hết hai nước phải được 30 thành viên hiện hữu của NATO, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, chấp thuận. 

Tuy nhiên, Ankara đã chưa phê chuẩn khi cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu này cung cấp nơi ẩn náu cho các thành viên của Đảng Công nhân Người Kurd (PKK) vốn bị đặt ngoài vòng pháp luật.

Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Brussels và Hoa Thịnh Đốn, xem PKK là một nhóm khủng bố. Trong 40 năm qua, PKK đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự và quân sự bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Abdullah Agar, một nhà bình luận chính trị nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, nói với The Epoch Times, “Trong những năm qua, những kẻ khủng bố PKK đã làm thương vong hàng ngàn binh sĩ và thường dân Thổ Nhĩ Kỳ.” 

Ankara cũng cáo buộc Stockholm và Helsinki chứa chấp những người ủng hộ ông Fethullah Gulen, một học giả Hồi giáo sống ở Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc ông Gulen đứng sau một cuộc đảo chính ông Erdogan bất thành hồi năm 2016.

“Thụy Điển cho phép các nhóm này lợi dụng lòng hiếu khách của mình và đã không ngăn chặn các hoạt động của họ,” ông Agar cho biết. “Điều này đã khiến công chúng Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng phẫn nộ.”

Hôm 12/01, một cuộc biểu tình ủng hộ PKK ở Stockholm – tại đó có hình nộm ông Erdogan – đã khiến giới chức Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng giận dữ. 

“Chỉ hứa suông thôi thì chưa đủ; chúng tôi cần thấy hành động,” Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết vào thời điểm đó. Thụy Điển “phải thực hiện các nghĩa vụ của mình.”

Một cuộc biểu tình chống lại Đảng Công nhân Người Kurd (PKK) trên Đại lộ Istiklal, ở Istanbul vào ngày 16/08/2015. (Ảnh: Ozan Kose/AFP/Getty Images)
Một cuộc biểu tình chống lại Đảng Công nhân Người Kurd (PKK) trên Đại lộ Istiklal, ở Istanbul vào ngày 16/08/2015. (Ảnh: Ozan Kose/AFP/Getty Images)

Mùa hè năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, và Phần Lan đã ký kết một thỏa thuận ba bên nhằm giải quyết “những lo ngại chính đáng về an ninh” của Ankara.

Thỏa thuận này buộc hai quốc gia Bắc Âu phải thực hiện “các bước cụ thể” để chống lại các nhóm khủng bố đang hoạt động trên lãnh thổ của họ.

Theo ông Agar, cả hai nước nói trên đã “đạt được một số tiến bộ” trong vấn đề này, nhưng họ vẫn từ chối dẫn độ những kẻ bị truy nã sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông nói, tuy rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn bất bình với Phần Lan, nhưng Ankara luôn xem Thụy Điển là quốc gia làm mích lòng nhiều hơn. 

“Phần Lan vẫn đang chứa chấp các nhóm khủng bố,” ông Agar nói. “Nhưng nước này vẫn chưa làm vậy một cách rõ ràng như Thụy Điển – quốc gia cho phép các nhóm này tổ chức các cuộc biểu tình ở ngay tại thủ đô của mình.”

Sau vụ đốt kinh Koran ở Stockholm, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom đã nhắc lại cam kết của nước mình với các điều khoản trong thỏa thuận ba bên nói trên.

Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ các cuộc đàm phán ba bên

Tuy nhiên, hôm 24/01, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ các cuộc đàm phán ba bên với cả hai quốc gia, với phiên họp tiếp theo dự kiến ​​vào tháng Hai.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cũng kêu gọi tạm ngừng đàm phán.

Ông Haavisto nói với Reuters: “Cần có thời gian tạm nghỉ trước khi chúng ta quay lại đàm phán ba bên và xem xét quan điểm của chúng ta khi tình hình đã ổn định hơn.”

“Chưa nên rút ra bất kỳ kết luận nào.”

Khi được hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết: “Rốt cuộc đây là những vấn đề cần được giải quyết giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, và Thụy Điển.”

“Rõ ràng là chúng tôi muốn thấy các cuộc bàn bạc [ba bên] đó tiếp tục, và chúng tôi muốn thấy những cuộc họp đó kết thúc bằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh.”

Ông cũng đề cập đến suy đoán rằng các hành động khiêu khích chống Thổ Nhĩ Kỳ gần đây ở Stockholm là nhằm phá hoại nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.

Ông Price nói: “Có… lo ngại rằng những kẻ khiêu khích, những người có thể không muốn thấy Thụy Điển gia nhập NATO, đang tham gia vào một vài trong số các hoạt động này.” 

Các chiến binh người Kurd từ Các Đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) trò chuyện với các thành viên của quân đội Hoa Kỳ tại thị trấn Darbasiya, Syria, cạnh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 29/04/2017. (Ảnh: Rodi Said/Reuters)
Các chiến binh người Kurd từ Các Đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) trò chuyện với các thành viên của quân đội Hoa Kỳ tại thị trấn Darbasiya, Syria, cạnh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 29/04/2017. (Ảnh: Rodi Said/Reuters)

Theo ông Agar, mối bất bình chính của Thổ Nhĩ Kỳ không phải nằm ở hai quốc gia Bắc Âu này, mà ở việc Hoa Thịnh Đốn tiếp tục trợ giúp YPG, một nhánh của PKK ở Syria.

Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành ba cuộc tấn công vào miền bắc Syria với mục đích nêu rõ là tiêu diệt YPG – lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là gây ra mối đe dọa đối với biên giới phía nam của nước này.

Hồi giữa tháng 11/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa sẽ tiến hành cuộc tấn công thứ tư sau khi một số người thiệt mạng ở trung tâm Istanbul trong một cuộc tấn công do YPG tiến hành.

Tuy nhiên, mặc dù có liên kết chặt chẽ với PKK, nhưng YPG lại được Hoa Thịnh Đốn hậu thuẫn. Hoa Thịnh Đốn sử dụng lực lượng YPG này như một lực lượng chống lại nhóm khủng bố IS ở Syria.

YPG cũng là thành phần chính của cái gọi là Lực lượng Dân chủ Syria – một liên minh gồm các nhóm bất đồng chính kiến do Mỹ hậu thuẫn hiện đang kiểm soát phần lớn vùng đông bắc Syria.

Tức giận với Hoa Thịnh Đốn 

“Vấn đề thực sự không phải là Thụy Điển hay Phần Lan chứa chấp PKK,” ông Agar, một cựu sĩ quan Lực lượng Đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết. “Đó là về việc Hoa Kỳ trợ giúp cho YPG – vốn là PKK dưới một cái tên khác.”

“Hoa Kỳ đào tạo, tài trợ, cung cấp vũ khí, và chỉ thị các nhóm này. Thổ Nhĩ Kỳ không thể dung thứ cho những hành động như vậy của những nước được gọi là đồng minh của mình.”

Ông đã tiếp tục khẳng định rằng sự trợ giúp của Hoa Kỳ dành cho YPG đã dẫn đến “một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về niềm tin và sự phân cực địa chính trị.” 

Ông Agar cũng cảnh báo rằng nếu không được giải quyết, thì vấn đề này có nguy cơ gây “rạn nứt vĩnh viễn” cho liên minh NATO.

“Ngay cả các nhà lãnh đạo của các đảng chính trị Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu đề cập đến vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO,” ông nói. “Điều này trước đây chưa từng có.”

Tại thời điểm soạn bản tin này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn chưa phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times về vấn đề này.

Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nhã biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn