Trong một thông cáo báo chí hôm 6/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ và cơ quan nguyên tử nhà nước của Nga đã ký một bản sửa đổi mở rộng một thỏa thuận đã ký vào năm 1992. Bản thỏa thuận sửa đổi này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào uranium của Nga.

“Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này sẽ góp phần hồi sinh ngành công nghiệp hạt nhân của Hoa Kỳ, đồng thời thúc đẩy các lợi ích chiến lược lâu dài của Hoa Kỳ,” Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết trong một tuyên bố. “Nó thể hiện một thành công nữa trong phương pháp tiếp cận America First (Hoa Kỳ trên hết) của chính phủ TT Trump đối với các hiệp định thương mại quốc tế.”

Bản sửa đổi kéo dài Thỏa thuận Đình chỉ Cuộc Điều tra Chống bán phá giá uranium của Liên bang Nga đến năm 2040 và do đó “giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào uranium từ Nga” trong vòng 20 năm tới.

Thỏa thuận ký hồi năm 1992 đã có một loạt sửa đổi được bổ sung trong nhiều năm, mới nhất là vào năm 2008, lượng uranium của Nga vào thị trường Hoa Kỳ bị hạn chế bởi hạn ngạch. Các hạn chế được thống nhất gần đây nhất đã hết hiệu lực trong năm nay, thúc đẩy các biện pháp gia hạn thỏa thuận thông qua một bản sửa đổi.

Bản thỏa thuận này sẽ cho phép việc xuất cảng uranium của Nga sang Hoa Kỳ giảm từ khoảng 20% nhu cầu uranium của Hoa Kỳ xuống mức trung bình khoảng 17% trong hai thập kỷ tới, trước khi giảm xuống mục tiêu 15% bắt đầu từ năm 2028.

“Bằng cách mở rộng và giảm giới hạn xuất cảng của Thỏa thuận, dự thảo sửa đổi sẽ cho phép ngành công nghiệp uranium thương mại của Hoa Kỳ cạnh tranh trên nền tảng công bằng,” Bộ Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố.

Thỏa thuận cắt giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào uranium của Nga
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Liên bang Nga thời đó Sergey Kiriyenko (bên trái) và  Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Carlos M. Gutierrez (bên phải) trao nhau bản thoả thuận trong buổi ký kết thỏa thuận xuất khẩu uranium gần Washington hôm 1 tháng 2 năm 2008. (Ảnh Paul J. Richards / AFP via Getty Images)

Bản sửa đổi cũng thiết lập nhiều biện pháp bảo vệ hơn cho các công ty khai thác uranium của Hoa Kỳ và công ty chuyển đổi uranium của Hoa Kỳ. Hiện tại, Nga có thể sử dụng tất cả hạn ngạch xuất cảng của mình để bán không chỉ phần đồng vị năng lượng cao của uranium, mà còn cả các thành phần cô đặc và chuyển đổi uranium tự nhiên. Bản sửa đổi giới hạn các thành phần uranium ở mức khoảng 7% nhu cầu uranium đồng vị năng lượng cao của Hoa Kỳ cho đến năm 2026, tại thời điểm đó, tỷ lệ này sẽ giảm xuống chỉ còn 5%.

Một biện pháp khác bao gồm ngăn chặn cái gọi là ‘uranium nguồn bị trả lại’ được mua bán ngoài hạn ngạch xuất cảng hiện tại. Đây là uranium tự nhiên do khách hàng Hoa Kỳ giao cho các nhà xuất cảng của Nga, uranium này được chiết xuất ở Tây Âu và xuất cảng sang Hoa Kỳ ngoài giới hạn xuất cảng hiện tại của bản thỏa thuận. Bản sửa đổi quy định loại uranium nguồn bị trả lại này thuộc loại hạn chế xuất cảng.

Hồi tháng 5, một nhóm gồm các thượng nghị sĩ lưỡng đảng Hoa Kỳ đã thúc giục Bộ Thương mại Hoa Kỳ gia hạn thỏa thuận uranium. Trong một bức thư, các thượng nghị sĩ kêu gọi giảm nhập cảng uranium của Nga xuống dưới mức giới hạn hiện có, mà theo họ là sẽ bảo vệ chuỗi cung ứng nhiên liệu uranium tự nhiên của Hoa Kỳ khỏi “các hành vi buôn bán hung hăng và bất hợp pháp từ các doanh nghiệp nhà nước của các đối thủ nước ngoài trong lĩnh vực hạt nhân.”

Năm 2019, Tổng thống Donald Trump đã thành lập Nhóm làm việc về nhiên liệu hạt nhân (Nuclear Fuel Working Group-NFWG) để khuyến nghị các hành động nhằm tăng cường chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân của Hoa Kỳ. Ngày 23/4, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo ghi lại cách tiếp cận của Nga đối với lĩnh vực hạt nhân của Hoa Kỳ và kết luận rằng Nga đã “vũ khí hóa” nguồn cung cấp năng lượng của mình và những nỗ lực của Nga nhằm kiểm soát chu trình nhiên liệu hạt nhân của Hoa Kỳ đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.

Tom Ozimek
Quang Huy biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn