Thỏa thuận thuế G7 có thể vướng rào cản của Thượng viện vì các doanh nghiệp Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nhiều nhất
Nhóm Bảy nhà lãnh đạo G-7 đã tập hợp xung quanh một thỏa thuận thuế toàn cầu hồi tuần trước trong một nỗ lực khiến các công ty đa quốc gia lớn phải thực hiện nghĩa vụ thuế của họ một cách công bằng. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã vấp phải sự phản đối nhanh chóng từ các đảng viên Cộng Hòa, những người gọi đây là “sự đầu hàng về thuế” đối với Hoa Kỳ.
Các nghiên cứu cho thấy những công ty Hoa Kỳ có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất đến thuế [phải nộp] của họ theo đề nghị mới.
Các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia giàu nhất thế giới hôm 13/06/2021 đã thông qua một kế hoạch cho phép các chính phủ đánh thuế các công ty lớn trên diện rộng hơn và thực hiện mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%.
Tuy nhiên, đề nghị này vấp phải rào cản tại Quốc hội. Điều này có thể đòi hỏi phải thay đổi các hiệp ước thuế quốc tế, vốn cần có sự ủng hộ của lưỡng đảng. Một số nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa đã phản đối thỏa thuận của G-7.
Ông Daniel Bunn, phó chủ tịch các dự án toàn cầu tại Tax Foundation, nói với The Epoch Times rằng, “Nếu chính sách này phải được áp dụng thông qua một hiệp ước thuế mới, mà tôi nghĩ là có khả năng xảy ra, thì quý vị sẽ cần có 2/3 đa số [thành viên] trong Thượng viện biểu quyết thông qua.”
Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng có những phần cần đến sự thay đổi các luật khác ngoài các hiệp ước về thuế.
Một số hành động, bao gồm thay đổi các quy định về thuế của Hoa Kỳ đối với thu nhập vô hình (intangible) hưởng thuế suất thấp trên toàn cầu (GILTI) có thể được thực hiện thông qua một quy trình “reconciliation” – bỏ phiếu theo nguyên tắc đa số quá bán.
Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017 đã áp dụng mức thuế tối thiểu 10.5% đối với GILTI để ngăn cản các công ty chuyển lợi tức sang các thiên đường thuế bằng việc sử dụng tài sản trí tuệ. Trong Kế hoạch Việc làm Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã đề nghị thay đổi quy tắc này và thực hiện mức thuế 21% đối với lợi tức ở ngoại quốc của các tập đoàn Hoa Kỳ.
Theo một bản tin của Financial Times, Thượng nghị sĩ (TNS) Pat Toomey (Cộng Hòa–Pennsylvania) gọi thỏa thuận G-7 là “điên rồ.”
Ông Toomey nói với các ký giả ở Capitol Hill rằng, “Chắc chắn rằng việc họ phải cố gắng thuyết phục tất cả các quốc gia khác để bảo đảm rằng họ tăng thuế là một lời thú nhận về những thiệt hại mà chúng ta đang gây ra cho đất nước của chúng ta,” và cho biết thêm rằng sẽ có không có đủ số phiếu để thông qua một hiệp ước thuế mới.
TNS Mike Lee (Cộng Hòa–Utah) cũng lên tiếng về thỏa thuận thuế toàn cầu, khi nói trên Twitter rằng, “Đây là hình thức của một băng đảng” sau khi các Bộ trưởng Tài chính G-7 công bố thỏa thuận.
Các nước G-7 – Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ – đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc, chia thành hai phần chính.
Nguyên tắc đầu tiên tập trung vào việc phân chia quyền đánh thuế. Theo đề nghị, các công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi tức cao nhất thế giới sẽ đóng thuế nhiều hơn ở các quốc gia mà họ tạo ra doanh số bán hàng.
Mức thuế mới này có khả năng thay thế thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn, chủ yếu là các công ty của Hoa Kỳ như Facebook, Apple và Google.
Nguyên tắc thứ hai áp đặt mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với bất kỳ công ty có tiềm năng có mức thuế suất hiệu dụng thấp đối với thu nhập từ ngoại quốc. Nguyên tắc này đề nghị mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% cho hoạt động trên cơ sở từng quốc gia, nhằm loại bỏ những lợi ích của việc dịch chuyển lợi tức. Theo đề nghị này, nếu các công ty trả thuế suất thấp hơn ở một quốc gia cụ thể [khác], thì quốc gia sở tại của họ có thể “tăng” thuế đối với thu nhập từ ngoại quốc của họ lên mức tối thiểu.
Thông cáo của hội nghị thượng đỉnh G-7 viết, “Với điều này, chúng tôi đã thực hiện một bước quan trọng trong việc tạo ra một hệ thống thuế công bằng hơn phù hợp với thế kỷ 21 và đảo ngược cuộc đua kéo dài 40 năm xuống đáy.”
Các nhà lãnh đạo đồng thuận sẽ tiếp tục thảo luận để đạt được thỏa thuận tại cuộc họp Nhóm 20 nước (Group of 20) vào tháng 07/2021. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến một thỏa thuận toàn cầu giữa 140 quốc gia do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đứng đầu, tổ chức đã tiến hành cải cách thuế xuyên biên giới trong nhiều năm.
Theo OECD, những thay đổi được đề nghị có thể làm tăng doanh thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu lên 50–80 tỷ USD mỗi năm. Nhưng các quốc gia như Ireland và Hungary có thuế suất doanh nghiệp dưới 15% dự kiến sẽ mất nguồn thu thuế vào tay các quốc gia khác.
Ảnh hưởng đến Hoa Kỳ
Theo một báo cáo nghiên cứu của Morgan Stanley, theo nguyên tắc đầu tiên, các mức thuế suất của các công ty công nghệ, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất.
Báo cáo cho biết, “Từ góc độ doanh thu thuế doanh nghiệp, Hoa Kỳ có khả năng chịu tác động lớn nhất,” chính sách này có thể dẫn đến giảm doanh thu thuế cho Hoa Kỳ. Theo báo cáo, khả năng tác động này là do trong số 100 công ty đa quốc gia có thể nằm trong phạm vi điều chỉnh của chính sách này, thì phần lớn có trụ sở tại Hoa Kỳ (khoảng 48%), tiếp theo là Pháp (8%), Đức (7%) và Nhật Bản (7%).”
Theo nguyên tắc trụ cột thứ hai, Morgan Stanley ước tính rằng 400 công ty trên 23 thị trường phát triển có thể phải chịu mức thuế suất tối thiểu 15%, và các công ty này hiện đang phải trả mức thuế suất tính theo tiền mặt (thuế phải nộp/lợi tức ròng trước thuế) trung bình là gần 8%.
Báo cáo cho biết: “Vì vậy, về lý thuyết, mức tối thiểu 15% sẽ gần gấp đôi tổng gánh nặng thuế của nhóm công ty này.”
Theo báo cáo, nếu mức thuế tối thiểu được áp dụng trên toàn cầu, các công ty được thành lập ở Hoa Kỳ (27%), Quần đảo Cayman (7%), Canada (6%), Bermuda (6%), Đài Loan (4%) và Nhật Bản (4%) sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trong số những đại công ty công nghệ của Hoa Kỳ, Amazon và Facebook có hai mức thuế thấp nhất. Theo S&P Global, vào năm 2020, thuế suất hiệu dụng của Amazon là 11.8% và Facebook là 12.2%.
Ngoài ra còn có các công ty công nghệ khác trả mức thuế thậm chí còn thấp hơn, chẳng hạn như nhà sản xuất vi mạch bán dẫn NVIDIA Corp có mức thuế suất thực tế là 1.7% vào năm 2020 do thu nhập kiếm được tại các lãnh thổ có mức thuế thấp, cũng như các khoản tín thuế từ hoạt động nghiên cứu và phát triển và các loại lợi ích (giảm trừ) thuế khác nhau.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden (Dân Chủ–Oregon) và Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Richard Neal (Dân Chủ–Massachuset) hoan nghênh thỏa thuận G-7 trong một tuyên bố hôm 05/06.
Các nhà lập pháp Đảng Dân Chủ cho biết, “Chúng tôi mong muốn xem xét các chi tiết của thỏa thuận hôm nay và hoan nghênh sự lãnh đạo của Chính phủ TT Biden trong việc thiết lập sự bình đẳng trên trường quốc tế và hỗ trợ người lao động Mỹ.”
Đảng viên Cộng Hòa hàng đầu của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Kevin Brady (Cộng Hòa–Texas) nói với hãng thông tấn AP rằng, tuy nhiên các thành viên Đảng Cộng Hòa cam kết sẽ chống lại mức thuế tối thiểu toàn cầu.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa coi mức thuế tối thiểu là “một sự đầu hàng” cho các các công ty Hoa Kỳ và “cơ hội trời ban đối với các đối thủ cạnh tranh ngoại quốc.”
Một tuyên bố của các Đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện cho biết rằng: “Bất chấp sự phô trương xung quanh thỏa thuận thuế với ngoại quốc của Chính phủ, việc thành lập băng đảng thuế toàn cầu này không phải là lý do để ăn mừng. Điều đó khẳng định TT Biden sẵn sàng từ bỏ việc làm của người Mỹ và cung cấp sự bảo vệ cho các đối thủ cạnh tranh ở ngoại quốc—chứ không phải cho các công ty và người lao động Mỹ.”