Thống đốc Newsom ký sắc lệnh để giảm nhẹ tình trạng tắc nghẽn cảng
Trước tình trạng tắc nghẽn các cảng vận chuyển của California vẫn tiếp tục diễn ra, Thống đốc Gavin Newsom đã ban hành một sắc lệnh hôm 20/10 để xoa dịu cuộc khủng hoảng này.
Sắc lệnh này nhằm tìm kiếm địa điểm thuộc sở hữu chính phủ cũng như các khu vực khác để tạm thời lưu trữ hàng hóa ngay sau khi được đưa ra khỏi cảng. Sắc lệnh này cũng loại bỏ giới hạn trọng lượng trên các tuyến vận tải đường bộ để có thể vận chuyển được nhiều hàng hóa hơn.
“Hệ thống cảng của California là trọng yếu đối với nền kinh tế của địa phương, tiểu bang cũng như của quốc gia chúng ta, vì thế tiểu bang đang bắt tay vào hành động để hỗ trợ lưu thông hàng hóa trước sự gián đoạn toàn cầu này,” ông Newsom cho biết trong một tuyên bố hôm 20/10.
Vì sắc lệnh này lập tức có hiệu lực, nên một giáo sư trợ giảng của Học viện Hàng hải Thương gia Hoa Kỳ đã chất vấn tính hiệu quả trong kế hoạch của vị thống đốc này cũng như các tác động lâu dài của sắc lệnh nói trên.
“Chúng ta đã bỏ qua rất sự cải thiện mang tính dài hạn, và đó là lý do tại sao chúng rơi vào tình huống này bây giờ,” Tiến sĩ Sal Mercogliano nói với The Epoch Times. “Họ đang liều lĩnh trong việc giảm bớt tình trạng khủng hoảng này nhưng tôi không biết liệu có giảm bớt được hay không.”
Trong khi tiểu bang này tìm cách miễn giới hạn trọng lượng cho xe tải để chở được nhiều hàng hóa hơn với tốc độ nhanh hơn, thì ông Mercogliano dự báo về những con đường sẽ bị hư hại do chở các container nặng.
Khi sắc lệnh này đang cố gắng giải quyết tình trạng tắc nghẽn bằng cách nới lỏng các hạn chế, thì ông Mercogliano kêu gọi rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn nữa.
Ông cho biết, “California cần giảm bớt những hạn chế của họ. Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại các cảng đang làm giảm số lượng hàng hóa nhập vào. Hiện tại, các vị đang có sẵn các bến đậu ở Los Angeles, nhưng không thể đưa bất kỳ con tàu nào vào được vì không còn chỗ để đặt container trên mặt đất nữa.”
Cảng Los Angeles và cảng Long Beach là điểm đến của 40% tổng số container vào Hoa Kỳ.