Trong một cuộc họp qua video trực tuyến gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã yêu cầu các nhà lãnh đạo địa phương nói lên sự thật về tình hình kinh tế trong khu vực của họ, theo thông tin từ Quốc vụ viện Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo địa phương ‘nói lên sự thật’
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự phiên bế mạc Hội nghị Lập pháp Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 27/5/2020. (Ảnh Andrea Verdelli/Getty Images)

Hôm 20/11, Thủ tướng Lý đã tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến về tình hình kinh tế hiện nay của Trung Quốc với sự tham dự của các lãnh đạo địa phương đến từ các tỉnh Hắc Long Giang, Sơn Đông, Hồ Nam, Quảng Đông và Vân Nam.

Thủ tướng Lý mở đầu bài phát biểu của mình với ba câu hỏi: “Tình hình kinh tế địa phương của các vị ra sao kể từ đầu năm nay? Kế hoạch công tác tiếp theo của các vị là gì? Các vị có đề xuất nào đối với chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc không?”

Ông Lý cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Trung Quốc, hiện đang đối mặt với sự bất ổn kinh tế lớn, theo tin tức từ giới truyền thông Trung Quốc.

Ông Lý Khắc Cường khuyến khích các thành viên hội thảo hãy tự do phát biểu ý kiến của mình. Ông nhấn mạnh rằng, “Chỉ khi các vị nói ra sự thật, chúng tôi mới có thể đưa ra các chính sách bền vững.”

Đáng chú ý là lời kêu gọi của ông Lý Khắc Cường về một cuộc thảo luận cởi mở và trung thực đã không được đưa tin trên trang web tiếng Anh của Quốc vụ viện mà chỉ xuất hiện trong phiên bản tiếng Trung.

Nói ra sự thật sẽ ‘nguy hiểm như buôn lậu ma túy’

Lịch sử cầm quyền của Trung Cộng đã chứng minh rằng những người dám nói ra sự thật có thể phải đối mặt với sự trừng phạt tàn bạo và thậm chí là mất đi sinh mạng.

Tháng 7/1957, Mao Trạch Đông, khi đó là Tổng Bí thư Trung Cộng, đã phát động một chiến dịch chính trị nhằm thanh trừng những người bất đồng chính kiến ​​hoặc những người chỉ trích chống lại Trung Cộng. Nhằm tìm ra những người bất đồng chính kiến này, các trí thức Trung Quốc đã được khuyến khích “chỉ trích Đảng” và “giúp Đảng nhìn ra những điểm yếu của mình để sửa chữa”. Tuy nhiên, những nhà phê bình thẳng thắn nhanh chóng nhận ra mình bị dán nhãn là “cánh hữu” hoặc “phản cách mạng”. Họ bị bức hại đến mất đi sinh mạng, bị bỏ tù, bị tống vào các trại lao động, và bị sỉ nhục trước công chúng. Nhiều người đã rơi vào cảnh túng quẫn sau khi chính quyền cướp đi sinh kế của họ. Theo một hồ sơ chính thức, có ít nhất 550,000 người đã thiệt mạng trong Chiến dịch phản cánh hữu kéo dài đến năm 1959. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ước tính số nạn nhân thực tế có thể lên đến hơn hai triệu người.

Trung Cộng cũng đã thanh trừng cả những đảng viên không phục tùng đường lối của Đảng hoặc nghi ngờ quyền lực tối cao của nó. Một ví dụ là Bành Đức Hoài, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Mao, đã chỉ trích các chính sách nông nghiệp trong thời kỳ Đại Nhảy Vọt vào cuối những năm 1950. Chiến dịch này đã khiến hơn 30 triệu người chết đói. Tướng Bành đã bị bức hại đến chết vì phơi bày sự thật về sản lượng gạo bị thổi phồng trên diện rộng vào thời điểm đó.

Trung Cộng đã che đậy sự lây lan của virus Trung Cộng khi đại dịch bùng phát lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm ngoái, và nhanh chóng lan ra khắp Trung Quốc và hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến ngày 23/11, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của gần 1.4 triệu người [trên thế giới].

Những người tố giác, trong đó có bác sỹ Lý Văn Lượng, đã bị dán nhãn là “những kẻ tung tin đồn”. Và họ đã bị cảnh sát địa phương bịt miệng khi cố gắng cảnh báo cho công chúng về sự bùng nổ dịch bệnh ở Vũ Hán.

Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo địa phương ‘nói lên sự thật’
Người dân tham dự buổi lễ tưởng niệm bác sỹ Lý Văn Lượng tại Hồng Kông hôm 7/2/2020. (Ảnh Anthony Kwan / Getty Images)

Thị trưởng thành phố Vũ Hán Chu Tiên Vượng thừa nhận rằng chính quyền thành phố đã không tiết lộ tin tức về sự bùng phát của dịch bệnh một cách kịp thời và ngụ ý rằng lãnh đạo cấp trên của ông đã không quản lý tốt cuộc khủng hoảng [dịch bệnh], theo cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước CCTV hôm 27/01. 

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times hôm 13/9/2017, ông Tan Song, một cựu phó giáo sư chuyên ngành báo chí tại Đại học Sư Phạm Trùng Khánh, đã cho biết rằng, “Nói ra sự thật là một điều rất nguy hiểm ở đất nước chúng tôi. Đôi khi nó nguy hiểm ngang với buôn lậu ma túy.”

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Tan đã phỏng vấn hơn 500 người từ mọi tầng lớp xã hội. Ông đã bị sa thải khỏi trường đại học vì viết sách chỉ trích lịch sử hiện đại của nước Trung Quốc cộng sản.

Frank Yue
Nguyệt Minh biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn