Thủ tướng Trung Quốc thăm Âu Châu đúng lúc EU đưa ra chiến lược an ninh kinh tế
Jessica Mao và Lynn Xu
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có chuyến công du ngoại quốc đầu tiên tại Âu Châu tuần trước (20–25/06); nơi ông tìm cách hạ nhiệt cuộc đối đầu thương mại giữa Trung Cộng với các nền dân chủ tự do.
Tuy nhiên, chuyến thăm sáu ngày của Thủ tướng Lý tới các nền kinh tế hàng đầu EU là Đức và Pháp lại trùng hợp với thời điểm Liên minh Âu Châu công bố chiến lược an ninh kinh tế mới được đề nghị để giải quyết các hiểm họa an ninh kinh tế và, như một phần của chiến lược đó, để bảo đảm rằng các công nghệ quan trọng không rơi vào tay địch thủ.
Tài liệu về Chiến lược An ninh Kinh tế, được công bố hôm 20/06, nhằm để thuyết phục 27 quốc gia thành viên EU đồng ý thắt chặt kiểm soát các hoạt động xuất cảng và dòng chảy công nghệ – có thể bị các địch thủ như Trung Cộng sử dụng cho mục đích quân sự.
Các nhà ngoại giao EU cho biết có thể mất nhiều tháng tranh luận trước khi chiến lược này trở thành một chính sách cụ thể. Tuy nhiên, đây vẫn là bước khởi đầu quan trọng để ngăn chặn các mục tiêu kinh tế làm suy yếu an ninh của EU.
Mặc dù tài liệu này không nêu tên bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng các nhà ngoại giao Âu Châu nói với New York Times rằng chiến lược này “rõ ràng” là đang ám chỉ tới Trung Quốc.
Ông Lý đã trở thành thủ tướng của Quốc Vụ viện Trung Cộng sau khi ông nhậm chức hồi tháng Ba năm nay. Ông đã ở Đức để tham dự các buổi hội đàm hôm 20/06 cho vòng thương nghị chính phủ Trung Quốc–Đức lần thứ bảy, trước khi đến Pháp cho chuyến thăm chính thức đầu tiên này và tham dự Hiệp định Tài chính Toàn cầu Mới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ 22 đến 23/06.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết việc ông Lý chọn Âu Châu cho chuyến công du ngoại quốc đầu tiên cho thấy Trung Quốc rất xem trọng việc phát triển mối bang giao với Âu Châu đồng thời nhìn nhận việc thúc đẩy bang giao Trung Quốc–Âu Châu “là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Cộng”.
Nhưng EU không cho thấy dấu hiệu của sự nhiệt tình tương tự.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, nói với The Epoch Times hôm 21/06 rằng tài liệu chiến lược an ninh kinh tế của EU là một phản ứng đối với chính sách zero-COVID hà khắc trong ba năm của Trung Cộng – đe dọa đến an ninh của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu.
“EU đã nhận ra điểm yếu của một chuỗi cung ứng [phụ thuộc vào Trung Quốc] đối với Âu Châu,” ông Lý Nguyên Hoa cho hay.
Theo ông Lý Nguyên Hoa, ngoài các vấn đề về chuỗi cung ứng, các chính sách mới của EU cũng nhắm tới việc ngăn chặn các quốc gia độc tài đánh cắp các công nghệ nhạy cảm, gồm AI và các loại vi mạch, sau đó áp dụng các công nghệ này trong lĩnh vực quân sự, từ đó gây ra mối đe dọa cho toàn nhân loại.
Quan điểm của EU về an ninh kinh tế
Ông Trần Vỹ Kiện (Chen Weijian) – tổng biên tập của tờ Mùa xuân Bắc Kinh, một nguyệt san đưa tin về phong trào dân chủ ở Trung Quốc – nói với The Epoch Times rằng EU đã cảnh giác về sự phụ thuộc thương mại vào Trung Cộng trong một thời gian trước khi đưa ra đề nghị Chiến lược An ninh Kinh tế Âu Châu hôm 21/06.
Trong bản chiến lược dài 14 trang này, Ủy ban Âu Châu đã bày tỏ lo ngại về sự phối hợp thiếu nhiệt tình giữa các quốc gia thành viên và các quy tắc thương mại yếu kém – điều có thể cấp cho các địch thủ khả năng kiềm hãm nền kinh tế hoặc các hãng sản xuất của EU. Ủy ban cho biết vấn đề này cần phải được giải quyết khẩn cấp.
Ủy ban Âu Châu xem việc xuất cảng và chia sẻ các công nghệ mới nổi – chẳng hạn như AI và máy điện toán lượng tử – có khả năng trở thành một hiểm hoạ bảo mật, vì điều đó có thể cho phép một số quốc gia thù địch sử dụng các công nghệ này vào mục đích quân sự của họ.
Chiến lược này bảo đảm rằng chuỗi cung ứng của các sản phẩm nhạy cảm về bảo mật được khóa kín đối với các quốc gia thù địch, được thiết kế để ngăn chặn những rò rỉ về các công nghệ độc quyền của Âu Châu trong trí tuệ nhân tạo, sản xuất vi mạch bán dẫn, và công nghệ sinh học.
Bản chiến lược nêu, EU cũng nên loại các quốc gia đối thủ tiềm năng và các công ty của các quốc gia này ra khỏi cơ sở hạ tầng trọng yếu – chẳng hạn như bến cảng và đường ống dẫn dầu – đồng thời cấm các công ty EU xuất cảng các ứng dụng quân sự công nghệ cao đến các quốc gia có khả năng là địch thủ.
“Trong một số trường hợp, rò rỉ công nghệ có nguy cơ củng cố khả năng quân sự/tình báo của những kẻ có thể sử dụng công nghệ này để phá hoại hòa bình và an ninh, đặc biệt là đối với các công nghệ lưỡng dụng như Lượng tử, Chất bán dẫn Tân tiến hoặc Trí tuệ Nhân tạo,” chiến lược viết.
Ủy ban Âu Châu đã đề nghị một danh sách các công nghệ lưỡng dụng cần đánh giá rủi ro mà Hội đồng Thương mại và Công nghệ của EU có thể thông qua vào tháng Chín năm nay. Danh sách này sẽ xem xét đối với mỗi quốc gia có “nguy cơ hợp nhất dân sự và quân sự, cũng như nguy cơ lạm dụng [công nghệ] của họ để vi phạm nhân quyền.”
Mối bang giao của Trung Cộng ở Âu Châu
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thủ tướng Lý Cường nói trong chuyến thăm nước Đức của mình rằng Trung Cộng sẵn sàng “gửi một tín hiệu tích cực và mạnh mẽ để giữ cho chuỗi cung ứng và công nghiệp quốc tế ổn định, đồng thời duy trì hòa bình và thịnh vượng của thế giới.”
Những lời lẽ như vậy dường như bao hàm ẩn ý nửa đe dọa, nửa nhắc nhở Âu Châu và thế giới rằng Trung Quốc vẫn đóng vai trò sống còn trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Tuy nhiên trên thực tế, hiện thực mà Trung Quốc đang đối diện là ngược lại, ông Lý Nguyên Hoa cho biết, đó là “Nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ và rất cần các khoản rót vốn và các đơn đặt hàng từ ngoại quốc, [quốc gia này đang chịu] áp lực kinh tế rất lớn, cho nên Trung Cộng rất nóng lòng muốn cứu vãn nền kinh tế đang sụp đổ của mình bằng cách tăng hợp tác thương mại với Âu Châu” sau khi mất đi sự ủng hộ của Hoa Kỳ.
Ông Lý Nguyên Hoa nói rằng còn có một sứ mệnh ẩn giấu khác của thủ tướng Trung Quốc – ngoài việc cảnh báo EU một cách khéo léo rằng việc chấm dứt thương mại với Trung Quốc sẽ gây hại cho hòa bình thế giới – đó là “vận động Âu Châu qua phương cách ngoại giao nên xích lại gần Trung Cộng hơn để đối trọng với Hoa Kỳ.”
Trung Cộng đã nhận ra rằng Hoa Kỳ nhất định sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt họ, vì “bất kể đảng nào lên nắm quyền ở Hoa Kỳ, thì dư luận và chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ đều yêu cầu việc hạn chế và giảm bớt sự bành trướng của Trung Cộng – một chế độ bạo ngược đang làm tổn thương người dân của mình.”
Do đó, Trung Cộng chỉ có thể đặt kỳ vọng vào việc liên kết với các cường quốc Âu Châu để chống lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, ông Lý Nguyên Hoa cho hay.
Trong khi đó, ông Trần Vĩ Kiện tin rằng lập trường làm giảm nguy hiểm liên quan đến Trung Cộng đã hình thành một cách vững chắc của EU sẽ không dễ dàng thay đổi – đặc biệt là qua chuyến thăm của “một lãnh đạo cộng sản Trung Quốc hay một vài lời hoa mỹ tầm thường giả tạo.”
Thêm vào đó, các chính sách của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình với Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược bang giao hiếu chiến cứng rắn, tiếp tục thể hiện thái độ thù địch với Hoa Kỳ và các tổ chức phương Tây, và các chiến thuật rút giấy phép, đàn áp các doanh nghiệp ngoại quốc dẫn đến một lượng lớn các doanh nghiệp ngoại quốc rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Ông Trần cho hay, với môi trường chính trị trong nước và ở ngoại quốc như thế này, thì chuyến thăm Âu Châu của ông Lý Cường “sẽ khó đạt được bất kỳ kết quả hữu hình nào.”