Thủ tướng Úc đối mặt với sức ép phải tiết lộ nội dung đàm phán với lãnh đạo Trung Cộng
Isabella Rayner
Thủ tướng Anthony Albanese đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng trong việc tiết lộ liệu ông có thảo luận với lãnh đạo Bắc Kinh về vụ va chạm với chiến hạm Trung Quốc khiến hai người nhái hải quân Úc bị thương hay không.
Chính phủ Úc cho biết khu trục hạm HMAS Toowoomba của Hải quân Úc đang tiến hành hoạt động lặng trong Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản hôm 14/11 thì một chiến hạm Trung Quốc gần đó đã kích hoạt thiết bị định vị thủy âm (sonar).
Bất chấp những cảnh báo tránh xa từ phía Úc về hoạt động lặn, nhưng tàu Trung Quốc vẫn tiến hành hoạt động nguy hiểm dẫn đến hậu quả là những người nhái đang lặn này bị tổn thương nhẹ ở tai.
Ông Albanese cho biết ông đã nêu lên vụ “nguy hiểm” này với lãnh đạo Trung Cộng tại San Francisco hôm 18/11 thông qua “tất cả các tuyến liên lạc thông thường”.
Ông nói thêm: “Không có cuộc họp song phương nào với Chủ tịch Tập, nơi quý vị có thể đưa ra thông tin chi tiết về những sự kiện đã diễn ra. Tôi không nói về các cuộc gặp riêng ngoài lề hay các cuộc thảo luận mà tôi có với bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào.”
Phe đối lập: Chỉ trích thủ tướng vì sự thiếu minh bạch
Lãnh đạo phe đối lập tại Thượng viện – ông Simon Birmingham – lập luận rằng việc thủ tướng tiết lộ các chủ đề mà ông đã thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới là “một thông lệ bình thường”.
Ông nói với Sky News: “Và nếu có những vấn đề nhạy cảm trong bang giao giữa hai nước, thì rõ ràng là, những vấn đề đó đã và đang được nêu ra một cách minh bạch.”
Ông cho biết người Úc không muốn ông Albanese thiếu minh bạch như vậy.
“Ông ấy đã hành xử luống cuống trước vấn đề này vì dường như ông ấy không thực sự chủ động nêu ra vấn đề đó,” ông nói. “Và khá rõ ràng, lý do ông ấy không nói điều đó là vì ông ấy đã không đưa ra [thảo luận].”
Bộ trưởng Quốc phòng đối lập, ông Andrew Hastie, đã đưa ra một tuyên bố, chỉ trích ông Albanese đã “cố tình” che giấu thông tin về sự việc này cho đến khi ông lên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á–Thái Bình Dương (APEC).
Hơn nữa, ông nói rằng cách giải quyết vụ va chạm của chính phủ trái ngược với tuyên bố của họ về việc hàn gắn mối bang giao với Bắc Kinh.
Ông cho biết: “Chúng ta luôn nói rằng chúng ta sẽ đánh giá Đảng Cộng Sản Trung Quốc dựa trên hành động hơn là lời nói của họ, và hành vi khiêu khích này mâu thuẫn với niềm tin của chính phủ rằng họ đang chứng kiến sự ổn định trong mối bang giao với Trung Quốc. Vụ việc này là bằng chứng cho điều ngược lại.”
Úc bày tỏ lo ngại về sự can sự trong khu vực và việc tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ của Trung Quốc
Đầu tháng này, ông Albanese đã gặp ông Tập để ổn định mối bang giao sau nhiều năm căng thẳng.
Ông Albanese nói: “Chuyến thăm này là một bước quan trọng trong việc ổn định bang giao với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta. Mặc dù có những khác biệt giữa chúng tôi, nhưng cả Úc lẫn Trung Quốc đều được hưởng lợi từ sự hợp tác và đối thoại.”
Tuy nhiên, chính phủ Úc cho biết Bắc Kinh vẫn tiếp tục là mối lo ngại vì phần lớn hoạt động thương mại của Úc đều đi qua Biển Đông.
Phó Thủ tướng Richard Marles cho biết: “Điều này đáng lo ngại vì mọi người đều biết rằng chúng ta vẫn đang hoạt động trong khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.”
“Chúng ta đang chứng kiến những nỗ lực hình thành trật tự dựa trên luật lệ. Và điều này cho chúng ta biết rằng, bây giờ chính là thời điểm xây dựng năng lực của riêng mình, điều mà chúng ta đang thực hiện, nhưng bây giờ cũng chính là lúc chúng ta phải hợp tác thật chặt chẽ với các quốc gia bạn.”