Thử viết Việt nam văn học sử (số 22)
Có thể kết luận: Nguyễn Trí-Bảo là một người có tinh-thần hi-sinh, quên mình, (có khi đeo một cái áo đến hàng mười năm), biết phục thiện (khi chia vỡ lẽ tử sinh, tức thì ông chịu hạ mình đi học thêm ngay) và khiêm-nhường. Cái óc thực hành đã giục ông làm được nhiều việc xã-hội có tính-cách từ-thiện. Cái tư-tưởng tri túc của ông có thể dắt loài người vào con đường hòa bình nếu người đời nghe theo.
Ông mất ngày 14, tháng 4, khoảng năm Thiên-tư gia-thụy (1186-1201) đời vua Lý Cao-Tông (1176-1210). Cái tháp Sơn-môn tức là nơi yên-nghỉ ngàn thu của nhà học-giả khổ tu đó.
Tiết hai mươi: Phạm Thường Chiếu (? – 1203)
Dưới trào vua Lý Cao Tông (1176-1210), Ông Thường-Chiếu, họ Phạm, người Phù-ninh (Phú-thọ) làm chức đô-tào. Chán mùi công-danh, ông gửi mình của Phật.
Dưới mái chùa cổ ở Ông-mạc phường, ông vui-vẻ tuyên dương tôn-chỉ nhà thiền, kéo được môn-đồ ngày đến đông lắm.
Trong cách lập-giáo, ông chú-trọng và thuyết “liễu tâm”, nghĩa là giữ lòng cho sạch, không bợn chút gì. Ông thường bảo đệ-tử; “Sạch lòng mà tu đạo thì đỡ tốn sức và dễ thành công; bằng tà đạo mà không sạch lòng thì tốn công và ích”.
Suốt đời đi trên con đường đạo học, ông có đặt cái đích làm nơi cứu-cánh: không thấy cái bản ngã và cái chúng-sinh, tức là không có con mắt phân-biệt mình và người, đến được bậc “vô nhân tướng, vô ngã tướng, vô chúng sinh tướng…”
Ông là người có trí phán đoán: học, nhưng không nhắm mắt theo sách ! Khi ông sắp tịch, Thần-Nghi, đệ-tử ông, có hỏi ông về chuyện Đạt-Ma (1) tránh được cái chết, vì người ta mở quan-tài, chỉ thấy chiếc giày sót lại, còn chân-thân Đạt-Ma thì sang Tây-phương. Nhưng ông cho thế là chuyện một chó cắn bóng, đàn chó xủa theo.
Ông có làm được một sách nhan là “Nam Tông Tự-Pháp Đồ”, (2)
Ngày 24, tháng 9, năm Thiên-gia Bảo-hựu thủ 2 (cuối Octobre 1203), khi sắp mất, ông có làm bài này để từ-giã môn-đồ:
Đạo bản vô nhan sắc,
Tân tiên nhật nhật khoa,
Đại thiên sa giới (3) ngoại,
Hà cứ bất vỉ gia ?
(Dịch)
Đạo vốn không nhan-sắc,
Ngày phô mới, đẹp ra.
Ngoài biết bao thế-giới,
Đâu đâu chẳng phải nhà ?
(Tham khảo: Thiền Uyển Tập Anh, thiền biểu thứ 2, đời thứ 12 ; Lịch Triều Hiến Chương quyền 45 ; BEFEO trang 139, số 141, 142 ; v. v.).
Tiết hai mươi mốt: Chu Hải Ngung (?-1207)
Người làng Giang-mão, Hải-Ngung lọt lòng đã thấy cảnh hàn-vi: hoàn-toàn là một trẻ nghèo khó. Những thì-giờ lúc bé để cả vào việc học nho. Tính-Kết thuần-cần, tin thực, hồi 26 tuổi, ông bắt đầu bước vào cửa Thiền. Mền Lãng-sơn là cảnh hẻo-lánh, tịch mịch, ông vào đó học sư Bảo-Giác trong 7 năm trường. Trong thời-kỳ đó, ông đã trở nên một người thông cả nho. thích.
Sau khi được thừa-hưởng pháp-cụ của Bảo-Giác, ông có đi đây đó đề giáo-hóa mọi người. Rồi trụ-trì ở chùa Quốc-thanh núi Bi-linh thuộc Nghệ-an, pháp-hiệu là Tĩnh Giới. Phạm-Tu, châu-mục đó, tỏ lòng kính-trọng ông lắm.
Dưới những giọt mực đạo-pháp của ông, nhiều người môn-đồ được thấm nhuần mát-mẻ.
Ngày 7 tháng 7, năm Trị-bình long-ứng thứ 3 (1207), khi sắp bước sang thế-giới khác, ông có làm một bài thơ bốn câu bảy chữ bằng hán văn, đại ý nói: Lúc này luận-thuyết về đạo thì ít tri-âm lắm ! Chỉ vì như thế, nên đạo mới mất trong lòng người ta ? Mấy ai được như Chung-Kỳ là người thẩm âm, thoạt nghe tiếng đàn của Bá-Nha đã biết ngay là chi người gảy đàn ở khoảng non cao hay ở nơi nước chảy.
Chắc ông là một người có tài mẫn-tiệp như Tào Tử-Kiến (tên tự của Tào Thực), nhưng không muốn vướng chân vào vòng bó-buộc, nên giả làm mặt si-độn, ẩn ở cửa Thiền để giữ lấy cái thiện-chân cho tinh-thần được thỏa-thuế thư-sướng.
Đây, bài này của ông làm chứng cho lời tôi nói đó:
Thu lai, lương khi sảng hung-khâm,
Bắt đầu tài (4) cao đối nguyệt ngâm.
Kham tiếu thiền gia si-độn khách:
Vị tương hà ngữ dĩ truyền tâm ?
Dịch
Thu đến, hơi thanh quạt mát lòng,
Người tài ngâm vắng dưới trăng trong !
Nụ cười : cửa Phật, mình si ngốc,
Lời nói truyền tâm biết có không ?
Tiết hai mươi hai: Lê Lịch
Lúc trẻ, Ông lăn-lóc trường ốc, đỗ lên một cái, được làm chức cung-hậu ở Lý triều. Năm 27 tuổi, sau một cơn giác-ngộ bởi nghe sư Giới-Không giảng kinh Kim-cương, ông xoay theo Phật-giáo.
Trụ ở núi Từ-sơn, ngày đọc kinh, đêm nhập định, ông khổ hạnh tinh tu trong sáu năm.
Nhờ tay ông, số người được dắt đến đường thiện không biết bao nhiêu mà kể.
Đứng vững trên địa-vị thanh cao, ông không chịu đáp theo tiếng gọi của bại trào Anh-tông và Cao-tông nhà Lý.
Thái úy Tô Hiến-Thành và Thái-bảo Ngô Hòa-Nghĩa, đối với ông, đều giữ lễ đệ-tử, nhưng 10 năm vẫn chưa được gặp mặt ! Một hôm, gặp nhau, ông vui mừng quá, có làm bài này đưa bảo Ông Tô và ông Ngô:
Ký hoài xuất tố dưỡng hung trung,
Văn thuyết vi ngôn, ý doãn tòng.
Tham dục truất trừ thiên lý ngoại,
Hi di (5) chi lý nhật bao dung.
Dịch
Muốn theo chay tịnh để nuôi lòng,
Mầu nhiệm nghe lời, hãy doãn tòng
Nghìn dặm quang xa tham với muốn,
Huyền vi lẽ ấy ngày bao dung.
Liền đó ông lại làm một bài thơ tứ ngôn cổ thể đọc cho Tô, Ngô nghe, đại ý ông nói mình cốt giữ lấy vẻ đạm-bạc, chăm lo tu đức, phá bỏ cái mờ tối, không kỳ-thị mình và người, không mắc vào sắc tưởng. Thế rồi ông đi… đi sang thế-giới khác:
Tiết hai mươi ba: Nguyễn Y Sơn (? -1213)
Phong tư đẹp, biện-thuyết giỏi, ông người làng Cẩm-hương thuộc Nghệ an. Lúc trẻ, ông đã lõm-bõm học qua cả thư, sử. Trong chỗ giao-du, ông biết chọn bạn và chơi tuyền với những người có ích. Đối với kinh điển nhà Phật, ông lại để ý hơn.
Hồi 30 tuổi, ông xuất gia, rồi lên kinh-đô, tham đạo nơi Viên-Thông thiền-sư. Trong khi nói chuyện, ông lĩnh-hội được yếu-chỉ của Phật-giáo. Sau ông đi mọi chỗ, tùy cách mà mở mang khuyên-bảo người ta. Chỉ cốt theo đuổi cái mục-đích; duy-tha.
(còn nữa)
HOA BẰNG
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)
1) Đạt-Ma là người Thiên-trúc. Lương-Vũ-Đế đón đến Kim-lăng để bàn-luận về Phật-lý. Sau đó Đạt-Ma sang Ngụy, trụ ở chùa Thiếu-âm trên núi Tang-sơn. Ông là đệ nhất tổ trong Thiền tông.
2) Trong Lịch Triều Hiến-Chương quyển 45 chép sách đó có tựa, của Trạng-nguyên Lương-Thế-Vinh (đỗ năm Quang-thuận thứ tư, 1463. Coi Đăng-Khoa-Lục quyển 1 tờ 10b). Lại nói Thường Chiến có làm được quyển Thích Đạo Giáo Khoa; song Thiền Uyển Tập Anh không hề nói tới.
3) Theo Phật học, thế-giới mà ta ngày nay là ba nghìn thế giới: hợp một nghĩa lại thì là nghìn thế giới nhỏ, hợp một nghìn tiểu thiên thế giới thì là trung thiên thế-giới, lại hợp một nghìn trung thiên thế giới thì là đại thiên thế-giới. Ý nói thế-giới là nơi vô lượng vô biên, không thể lường nghĩ được. Đây nói đại thiên thế giới, nhiều như hạt cát.
4) Bát đẩu tài là một thành-ngữ chỉ về tài làm thơ. Nguyên Tạ Linh Vận có nói rằng: “Tài trong thiên-hạ có một hộc, Tào Tử-Kiến riêng chiếm 8 đấu, tôi được 1 đấu, còn đấu thiên hạ cùng chia nhau”.