Thử viết Việt nam văn học sử (số 24)
Tiết hai mươi nhăm: Kết luận văn học Ngô, Đinh, Lê, Lý (968-1224)
Như trước đã nói, Ngô, Đinh trị vì không được bao lâu, nên đối với văn học chưa có gì cống-hiến cho xã hội, hoặc có ít ỏi nhưng mất đi rồi thì cũng kể như không có.
Đến Lê, tuy có một vài nét mực sót lại, song hãy còn thơ-thớt sơ sài, chưa gây được lực lượng lớn trên đàn văn-học.
Lý đã bước vào thời kỳ khả-quan. Các văn thì đã dần dần thành lập. Những bài minh, ký khắc vào chuông đồng, bia đá đời Lý làm chứng với ta rằng các nhà văn bấy giờ đã có ngòi bút mạnh-mẽ, cứng-cáp. Trong sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê-Quý-Đôn, tác-giả có giới thiệu cho ta biết những bài này còn lại;
1) Bài minh khắc vào chuông chùa Thiên-phúc núi Phật-tích do sư Huệ-Hưng soạn (109).
2) Bài bia chùa Sùng-nghiêm diên-thánh ở Ái-chân (thuộc Thanh-hóa bây giờ) do sư Pháp-Bảo viết (1118).
3) Bài bia tháp Hội-thánh núi Lăng-già (1092), soạn-giả là pháp-sư Lê Kim.
4) Bài minh khắc vào chuông và bài bia chùa Viên-quang đều do Dĩnh-Đạt làm cả (1122).
5) Bài bia tháp Sùng-thiện diên-linh (1121) ở núi Long-đột (thuộc huyện Duy-tiên) soạn-giả là Mai-công-Bật, Binh-bộ viên ngoại-lang.
6) Bài bia chùa Linh-xứng núi Ngưỡng-sơn làng Ngọ-sá, huyện Vĩnh-phúc (nay là huyện Vĩnh lộc thuộc Thanh-hóa). do sư Pháp-Bảo soạn năm 1126
7) Bài bia chùa Diên-phúc thôn Cổ-việt là của Nguyễn-công Đạm, gia-khách nhà Đỗ Anh võ. Soạn năm 1113.
Những bài văn “đồng, đá” đó, kể theo đời Lê Quý Đôn . (đời Lê Trung-hưng) còn có bấy nhiêu. Hao mòn tới nay, chưa biết những gì còn lại. Vì hiện nay trường Bác-cổ còn đang cho người đi dập lấy những bài bia xưa, chứ chưa thu-thập được đủ. Vậy muốn khảo-cứu cho tường, ta cần phải đi đến từng chỗ và xem tận từng bài mới được.
Về lối văn biền-ngẫu đời Lý, ông Lê Quý Đôn khen nó màu mỡ, đẹp-đẽ, giống văn-thể đời Đường (1). Song tôi cho lời đó chỉ đúng ở hồi cuối Lý chứ không đúng vào hồi Lý sơ. Vì sao ? Hồi đầu Lý, phong-khí còn chất-phác, văn biền-ngẫu chưa thoát cái lối mộc-mạc. Ta cứ đọc ngay bài chiến thiên đô lên Thăng-long của vua Lý Thái Tổ thì đủ biết.
Văn-chương tiến tới theo thời gian. Khoảng đời Lý Cao-Tông (1176-1210), ông Tĩnh-Giới (1120-1193) đã viết được những câu biền-ngẫu đẹp-đẽ và mạnh-mẽ như vầy:
“Hương bôi phù xứ, thập phương tín chủ ba tùy:
Tích trượng chấn thì, tứ bộ học đồ vụ tập.”
Dịch
“Chỗ chén thơm bay, ùa ạt sóng xô mười phương tín chủ;
Khi gậy tích động, trập-trùng mây họp bốn bộ học đồ ! (2)”
Văn học đời Lý có vẻ khởi sắc là nhờ Phật-giáo thịnh hành đời bấy giờ. Vì kinh tạng nhà Phật rất uyên-thâm. Ai muốn khảo-cứu nó tất phải nhờ Hán-học làm con đường duy nhất dẫn vào cửa Thiền. Cho nên những bực cao tăng đại đức bấy giờ tuyền là những tay tinh thông Hán-văn cả. Thơ-văn đời Lý còn sót lại trên văn đàn hầu hết là của những nhà hoặc tiêu-dao ngoài vòng bụi đỏ hoặc ngồi nhận định trong rừng núi tịch-mịch, thâm u. Vậy ta có thể nói văn-học đời Lý là một thời-kỳ Phật-học-hóa.
Trong một đời Lý hàng hơn 200 năm (1010-1224), sách xưa chỉ cho ta thấy có hai nhà nữ văn-học: 1: bà Phủ thánh Cảm linh Nhân hoàng thái-hậu; 2: bà Ngọc-Kiều tức Diện Nhân ni-sư. Mà sở dĩ hai bà còn in được chút di tích trên văn-học sử là vì đã đi sâu vào rừng Thiền, góp sức trong công-cuộc truyền-bá Phật-học ở đời đó. Bằng chẳng hai bà dầu giỏi tới đâu cũng đến mục nát theo cây cỏ, còn ai biết tới tên tuổi bây giờ ? Sâu xa, thấm-thía thay cái tinh-thần tín-ngưỡng của người Nam-Việt !
Từ đời Lý Tổ đến đời Lý Anh (1010-1175), trong vòng ngót 200 năm, võ công hiển-hách, mặt Bắc, mấy phen đánh được Tống, mặt Nam mấy lớp chinh-phục được Chiêm-thành, có thể nói là một thời-đại toàn thịnh.
Nằm trên chọn chiếu thái-bình, ăn kết quả thịnh-trị, người đời đó, lẽ tất nhiên khuynh-hướng theo cái tư-tưởng êm đềm, trầm-tĩnh, điềm đạm và ung-dung. Cái cơ Phật-học phát đạt chính là vì đó. Vả bấy giờ khoa cử chưa thịnh, Nho-giáo chưa thắng thế, nên luồng sông Phật giáo lại càng mạnh-mẽ vô-cùng. Có tướng mạnh, có quân rồng nhờ võ lực mà chiến thắng các địch quốc, tinh thần đời Lý thật có vẻ hăng-hái, quật-cường, cho nên văn-học bấy giờ cũng thuộc cái màu sắc trầm hùng,mạnh-mẽ.
Còn về quốc-văn, trừ những câu ca dao mà người ta cho là ở đời Lý như:
“Đem chuông đi đấm nước người:
Chẳng kêu cũng đánh một hồi, lấy danh,…”
(Khen việc ông Lý Thường Kiệt đi đánh ba châu Khâm, Liêm, Ung nhà Tống)
“Mở mang (loài hươu, hoẵng), mang chạy lên rừng
Ta hay mang chạy, ta đừng mở mang”
(Chị vua Lý Thái Tông không khéo xứ việc Nùng Trí Cao, vì bắt được Trí Cao rồi nhưng lại thả ra, thành thử lại khuấy rối trên màn ngược) v.v….
Ta không tìm thấy một nét nào là di tích quốc-văn đời Lý cả. Vậy có thể nói: Vì đời Lý còn mải nghiên-cứu về kinh, tạng. luật, luân nhà Phật, là những món cao thâm, huyền diệu, nên người ta chưa để ý đến quốc-văn.
(Còn nữa)
HOA BẰNG
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)
1) Coi sách “Kiến-văn tiểu lục” của Lê-Quí Đôn.