Thức uống có đường liên quan đến bệnh gan mạn tính và ung thư gan
Flora Zhao
Nghiên cứu mới đây cho thấy những người thường xuyên tiêu thụ thức uống có đường có nguy cơ ung thư gan cao hơn 85% và nguy cơ tử vong do bệnh gan mạn tính cao hơn 68% so với những người uống ít.
Nghiên cứu được công bố trên Journal of the American Medical Association JAMA (Tập san của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ) đã tiết lộ thêm những ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe liên quan đến thức uống có đường, đặc biệt là liên quan đến bệnh gan.
Nguy cơ gia tăng ung thư gan và bệnh gan
Nghiên cứu này được dẫn dắt bởi các nhà khoa học từ Trường Y khoa Harvard và Bệnh viện Brigham and Women. Dữ liệu được thu thập từ hơn 160,000 phụ nữ sau mãn kinh từ 50 đến 79 tuổi. Việc thu thập thông tin kết thúc vào năm 2020 với thời gian theo dõi khoảng 21 năm.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, “Các nghiên cứu dịch tễ học về các bữa ăn uống, ung thư gan, và tỷ lệ tử vong do bệnh gan mạn tính còn hạn chế. Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là nghiên cứu đầu tiên báo cáo mối tương quan giữa lượng thức uống có đường và tỷ lệ tử vong do bệnh gan mạn tính.”
Những người tham gia đã hoàn thành bảng câu hỏi khảo sát chi tiết về việc tiêu thụ thức uống có đường và chất làm ngọt nhân tạo, ngoại trừ nước ép trái cây. Những cá nhân này được chia thành ba nhóm:
- Phụ nữ tiêu thụ ba phần ăn hoặc ít hơn mỗi tháng.
- Phụ nữ uống từ một đến sáu phần mỗi tuần.
- Những phụ nữ uống một hoặc nhiều khẩu phần mỗi ngày (một khẩu phần tương đương 355 ml hay 12 oz, gần bằng kích thước của một lon thức uống thông thường).
Các phát hiện cho thấy những phụ nữ tiêu thụ một hoặc nhiều khẩu phần thức uống có đường mỗi ngày có nguy cơ ung thư gan cao hơn 85% so với những người uống ba phần hoặc ít hơn mỗi tháng. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong do bệnh gan mạn tính ở nhóm này cao hơn 68%.
Trong nghiên cứu, “bệnh gan mạn tính” đề cập đến các tình trạng như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, xơ gan, xơ gan, bệnh gan do rượu, và viêm gan mạn tính.
Các yếu tố nguy cơ được biết đến của bệnh ung thư gan bao gồm viêm gan virus B (HBV) và viêm gan virus C (HCV), rối loạn chuyển hóa, uống quá nhiều rượu, và thực phẩm bị nhiễm aflatoxin, chẳng hạn như đậu phộng và bắp. “Tuy nhiên, khoảng 40% bệnh nhân ung thư gan không có những yếu tố nguy cơ này. … Vì vậy, điều quan trọng là phải xác định các yếu tố nguy cơ trong bữa ăn đối với bệnh ung thư gan và tỷ lệ tử vong do bệnh gan mạn tính,” các nhà nghiên cứu nêu trong báo cáo.
Tác động của thức uống có đường lên gan
Các nghiên cứu khác cũng chứng thực tác hại của thức uống có đường đối với gan.
Một nghiên cứu tại châu Âu cũng đã tiết lộ rằng những người tiêu thụ hơn sáu phần nước ngọt mỗi tuần phải đối mặt với nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan (dạng ung thư gan phổ biến nhất) cao hơn đáng kể, tới 83% so với những người tiêu thụ ít hơn một phần. Nguy cơ tăng thêm 6% cho mỗi khẩu phần thêm vào mỗi tuần.
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Hoa Kỳ chỉ ra rằng uống soda có đường có liên quan đến việc tăng 18% nguy cơ ung thư gan.
Nghiên cứu cũng đã chứng minh mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thức uống có đường và sự khởi phát bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Một phân tích gộp được công bố trên Tập san European Journal of Nutrition (Dinh Dưỡng Âu Châu) cho thấy những người tiêu thụ nhiều thức uống có đường nhất có nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu tăng 40% so với những người tiêu thụ ít nhất.
Một nghiên cứu khác vào năm 2022 nêu rằng những người thường xuyên tiêu thụ thức uống có đường có nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cao gấp 2.53 lần những người hiếm khi uống thức uống như vậy.
Trong nghiên cứu JAMA đề cập bên trên, các tác giả kết luận rằng các yếu tố chính góp phần gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe gan từ thức uống có đường là:
- Thức uống có đường có thể góp phần gây béo phì và tăng lượng đường trong máu, dẫn đến kháng insulin – tất cả đều là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan và bệnh gan.
- Thức uống có đường chứa một lượng đáng kể fructose, có thể dẫn đến sự tích tụ mỡ trong gan và do đó có khả năng gây ra sự phát triển của ung thư gan.
- Tiêu thụ thức uống có đường có thể dẫn đến nồng độ lipid trong máu bất thường và có tác động xấu đến hệ vi sinh vật đường ruột, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của gan.
- Các chất chuyển hóa được tạo ra sau khi tiêu thụ (như taurine và phenylalanine) có liên quan đến ung thư biểu mô tế bào gan.
- Thức uống có đường chứa nhiều loại hóa chất (chẳng hạn như màu caramel và các chất phụ gia) có thể gây hại cho cơ thể.
Các nhà nghiên cứu kêu gọi thận trọng với chất làm ngọt nhân tạo
Mặc dù mối liên hệ giữa thức uống có đường và bệnh gan là rõ ràng, kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng việc tiêu thụ thức uống có chất làm ngọt nhân tạo không liên quan đáng kể đến ung thư gan hoặc tử vong do bệnh gan mạn tính.
Tác giả của nghiên cứu cho biết, “Phát hiện này không có gì đáng ngạc nhiên.” Họ giải thích điều này là do “nhóm dân số trong nghiên cứu này tiêu thụ ít thức uống chứa chất làm ngọt nhân tạo và cỡ mẫu bệnh nhân ung thư gan và tử vong do bệnh gan mạn tính là tương đối nhỏ.”
Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng “những kết quả này cần được giải thích một cách thận trọng” – nói cách khác, kết quả này không có nghĩa là thức uống chứa chất làm ngọt nhân tạo an toàn hơn thức uống có đường. Các tác giả cho biết, “Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng thức uống có vị ngọt nhân tạo có liên quan đến nguy cơ béo phì, tiểu đường loại 2, tử vong do mọi nguyên nhân, tăng huyết áp, và tỷ lệ bị bệnh tim mạch cao hơn”.
Ngoài ra, nghiên cứu còn lưu ý rằng việc thay thế một khẩu phần thức uống có đường bằng một khẩu phần cà phê hoặc trà hàng ngày, mặc dù thiếu ý nghĩa thống kê, nhưng có liên quan đến việc giảm tỷ lệ bị bệnh ung thư gan và tử vong do bệnh gan mạn tính.
‘Cách ăn ít đường’ nên là chiến lược y tế cộng đồng
Tiến sĩ Jason Fung, tác giả hai cuốn sách “Mật Mã Béo Phì” và “Mật Mã Ung Thư” đồng thời là bác sĩ chuyên khoa thận chuyên điều trị bệnh tiểu đường loại 2 cho biết, đây là một nghiên cứu phẩm chất cao đã “chỉ ra mối liên hệ giữa đường, bệnh gan và ung thư gan.” Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, “Đây là một nghiên cứu quan sát, kém thuyết phục hơn một thử nghiệm lâm sàng đối chứng.”
Các tác giả nghiên cứu thừa nhận rằng không nên vội vàng kết luận mối quan hệ nguyên nhân – hậu quả. Tác giả cho biết, “Nếu kết quả nghiên cứu này được xác nhận, việc giảm tiêu thụ thức uống có đường có thể trở thành một chiến lược y tế cộng đồng nhằm giảm bớt số ca bệnh gan.”
Tiến sĩ Fung cho biết, “Chúng ta nên khuyến khích cách ăn uống ít đường thay vì thông điệp dinh dưỡng nhầm lẫn trước đây là chỉ giảm lượng calorie và giảm chất béo.”