Trong đại dịch toàn cầu do virus Trung Cộng gây ra, người dân toàn thế giới đã nhận ra bản chất của chính quyền Bắc Kinh, từ đó đã tạo ra một làn sóng bài xích, giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh. Hàng loạt doanh nghiệp của Hoa Kỳ, Nhật Bản, … đang lần lượt rời khỏi Trung Quốc. Liệu Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi có chung đường biên giới, gồm cả đường bộ và đường biển? Thực tế cho thấy Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với những bất lợi trong giao thương với Trung Cộng.

Việt Nam nhập siêu chủ yếu từ Trung Quốc

Trong tuần vừa qua, truyền thông Việt Nam rầm rộ tuyên truyền về kết quả xuất siêu của 9 tháng đầu năm 2020 đạt mức kỷ lục là 17 tỷ USD và xem đây như là một thắng lợi của nền kinh tế trong bối cảnh toàn bộ kinh tế thế giới giảm sút. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ lưỡng hơn thì bức tranh không hẳn là “thắng lợi” như tuyên truyền, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10 tỷ USD, chỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới là xuất siêu 27 tỷ USD. Hơn nữa, điều đáng lưu ý là nhập siêu từ Trung Quốc là 25 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay.

Giá trị nhập cảng từ Trung Quốc so với tổng giá trị nhập cảng của cả nước chiếm 30%, trong khi tỷ lệ này của gần 200 quốc gia còn lại là 70%. Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục phụ thuộc vào Bắc Kinh. Khi biên giới hai nước đóng cửa do dịch bệnh hồi đầu năm đã khiến hàng loạt nhà máy Việt Nam phải dừng hoạt động vì không có nguyên liệu. Do đó, giá thành và chất lượng hàng dệt may của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào giá, chất lượng nguyên liệu từ Trung Quốc.

Việt Nam đang xuất cảng hàng hóa gì sang Trung Quốc?

Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc 4 nhóm hàng chính, trong đó bao gồm: Nhóm 1 là nguyên nhiên liệu (dầu thô, than, quặng kim loại, các loại hạt có dầu, dược liệu); Nhóm 2 là nông sản (lương thực, rau củ quả); Nhóm 3 là thủy sản (thủy sản tươi sống, thủy sản đông lạnh) và Nhóm 4 là hàng tiêu dùng (hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, đồ gỗ cao cấp, bánh kẹo, …).

Khi xuất cảng sang Trung Quốc, phía Việt Nam thường phải đối mặt với việc bị chèn ép giá, hay vơ vét làm cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường, có thể đơn cử một số trường hợp cụ thể cho sự việc này.

Bán tài nguyên khoáng sản thô

Những sản phẩm chỉ bán một lần, không tái tạo lại được như khoáng sản, dầu thô, quặng nhôm, quặng sắt, tinh quặng sắt, than cám, tinh quặng chì, … đến nay về cơ bản là Việt Nam đã khai thác gần hết các mỏ tài nguyên.

Theo ông Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, đã từng bày tỏ trên báo chí rằng, “Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam lại bán rẻ quặng và khoáng sản cho Trung Quốc? Đánh đổi như thế để được điều gì? Nếu một số loại quặng quý hiếm như đất hiếm và các loại quặng khác có giá trị cao mà bán như thế thì rất nguy hiểm. Việc này cơ quan quản lý nhà nước và cả tập đoàn than khoáng sản phải giải thích cho rõ. Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được, được bao nhiêu cứ bán hết thì còn gì cho con cháu đời sau?”

Ông Bá cho thấy thực trạng bán đến cạn kiệt quặng và khoáng sản của Việt Nam cho Trung Quốc không hề mới mà đã diễn ra nhiều năm nay. Nhiều nhà kinh tế, nhà khoa học cũng đã lên tiếng nhiều lần nhưng vẫn không có gì thay đổi.

Bauxite Tây Nguyên luôn là câu chuyện nhạy cảm

Thế giới đều biết rằng khai thác Bauxite là một sự đánh đổi giữa kinh tế và môi trường, nhưng Tập đoàn than khoáng sản vẫn bằng mọi giá khai thác bằng máy móc, công nghệ Trung Quốc để rồi bán sản phẩm cho Trung Quốc.

Thông thường, việc mua công nghệ Trung Quốc đều khiến vốn đầu tư bị đẩy tăng lên rất nhiều lần so với kế hoạch; như tại Tổ hợp Bauxite Nhôm Lâm Đồng, vốn đầu tư sau 3 lần điều chỉnh đã tăng từ khoảng 328 triệu USD lên trên 655 triệu USD. Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư ban đầu 140 triệu USD, sau đó tăng lên 714 USD. Việc tăng vốn đầu tư khiến giá thành sản phẩm tăng và kết quả dự án lỗ, phải xin miễn giảm thuế. Rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét hiệu quả kinh tế và môi trường, cùng với an ninh trật tự, nếu khai thác mà không hiệu quả thì nên dừng lại để tài nguyên cho thế hệ sau.

Năm 2010 đã có bản kiến nghị yêu cầu chính quyền tạm ngưng kế hoạch khai thác bauxite trên vùng Tây Nguyên, bản kiến nghị đã thu được 1,712 chữ ký.

Cứ nhìn những đoàn tàu, đoàn xe và những chuyến tàu biển chở than, quặng sắt, quặng nhôm bán sang Trung Quốc với cái giá rẻ mạt chưa đến 50 USD/tấn quặng thì người dân ai cũng xót xa. Với tốc độ khai thác vượt kế hoạch của Tập đoàn than và khoáng sản như hiện nay, thì có thể chỉ vài năm nữa là tài nguyên cạn kiệt.

Xuất nhập cảng nông sản qua cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái cũng luôn bị chèn ép; nhiều lần đã phải kêu gọi người dân “giải cứu” dưa hấu, thanh long, khoai lang tím, … do bị Trung Quốc không nhận hàng, hoặc họ chỉ cần đóng cửa biên giới, hạn chế số lượng xe được đi sang biên giới thì hàng hóa nông sản sẽ bị hư hỏng.

Đó là chưa kể rất nhiều chiêu trò của các thương lái Trung Quốc vào sâu trong đất liền Việt Nam để thu mua móng trâu, rễ cau, lá na, và rất nhiều những mặt hàng khó hiểu… khiến người nông dân bỏ làm nông nghiệp đi thu gom các mặt hàng đó.

Hoạt động xuất cảng của Việt Nam sang Trung Quốc thường là thua thiệt, bị ép giá, hoặc bị thao túng thị trường khiến cho doanh nghiệp Việt Nam rơi vào thế bị động; còn xuất cảng tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản thì để lại thảm họa môi trường mà người dân Việt phải gánh chịu lâu dài.

Tham khảo: xuất nhập cảng Việt Nam – Trung Quốc giai đoạn 2010 – 9 tháng 2020
Đơn vị: tỷ USD

Thương mại với Trung Quốc, mối nguy hại khôn lường
(Nguồn Tổng hợp từ số liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố )

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Hy Vọng

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn