Thủy thủ Trung Quốc kẹt trên biển vì các quy định về đại dịch
Nhiều thủy thủ đoàn người Trung Quốc bị kẹt trên biển do cách quản lý đại dịch của Bắc Kinh. Một số thủy thủ đã tiết lộ hoàn cảnh của họ với ấn bản Epoch Times Hoa ngữ.
Thuyền phó của một tàu Trung Quốc đi các tuyến quốc tế, họ Sử (Shi), nói với ấn phẩm hôm 01/09 rằng có nhiều tàu đang xếp hàng bên ngoài các cảng lớn của Trung Quốc. Ông cho biết các thủy thủ đoàn trở về cần phải xét nghiệm COVID-19 trước khi họ được phép cập cảng và lên bờ. Ông nói thêm rằng nhiều tàu thậm chí không thể cập cảng.
Ông Sử nói: “Do đại dịch, nên các cảng này không cho phép thay đổi thủy thủ trên tàu. Nhiều người đã làm việc 12 đến 13 tháng, thậm chí 16 đến 18 tháng trên cùng một con tàu, và họ không thể ra khỏi tàu.”
Theo quy định, thủy thủ không được làm việc liên tục quá 12 tháng. Tuy nhiên, theo ông Sử và những người khác thì nhiều thủy thủ Trung Quốc bị kẹt trên tàu ở ngoài biển ngay cả khi hợp đồng của họ đã hết hạn. Lý do họ giải thích bao gồm việc các công ty vận tải biển không thể tìm được thủy thủ thay thế họ; các cảng cấm các tàu thuyền cập cảng vì mục đích thay đổi thủy thủ; hoặc các thành viên thủy thủ đoàn trên các tàu thuyền này bị nhiễm virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới.
Ông Sử cho hay, “Hiện nay, chính quyền [Trung Cộng] không có cách nào để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh trên các tàu chở container và các thủy thủ.” Ông nói thêm rằng nhiều cảng ngăn không cho tàu thuyền vào vì sợ giới chức Trung Cộng quy trách nhiệm cho họ.
“Không có thủ tục rõ ràng.”
Hồi tháng Bảy, một đợt bùng phát dịch bệnh trên con tàu chở than “Hoành Tiến” (Hongjin) của Panama khi tàu này đi qua gần thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang. Mười sáu trong tổng số 20 thủy thủ Trung Quốc trên tàu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Trung Cộng.
Thủy thủ đoàn đã kêu cứu chính quyền ở Chiết Giang và Giang Tô, nhưng bị từ chối, buộc con tàu phải lênh đênh trên vùng biển quốc tế trong một tuần mà không có sự trợ giúp. Chỉ sau khi tình hình thê thảm của thủy thủ đoàn thu hút được sự chú ý của công chúng trên mạng xã hội thì chính quyền Chu Sơn mới đồng ý cho tàu này cập cảng và lên bờ.
Một thủy thủ đến từ tỉnh Sơn Đông họ Hồng (Hong) đi tàu trên các tuyến đường Âu Châu và Mỹ Châu. Anh nói với ấn bản Epoch Times Hoa ngữ rằng anh lên tàu ở Peru ngày 27/11/2019, và xuống tàu ngày 28/10/2020.
Tàu của anh Hồng cập cảng Brazil khi Tổng thống Jair Bolsonaro bị nhiễm virus Trung Cộng vào tháng 07/2020. Khi họ trở về Trung Quốc, anh cho hay các thủy thủ không được phép lên bờ. “Cuối cùng thì tôi được lên bờ, nhưng trước đó chúng tôi đã phải ở trên tàu vài tháng.”
Anh giải thích rằng nếu chỉ cần một con tàu từng đi qua hay cập cảng ở một nơi bùng phát dịch COVID-19, thì giới chức Trung Cộng sẽ không cho phép các thủy thủ đoàn đó thay đổi.
Anh Hồng cho biết nhiều thủy thủ bị cấm lên bờ tại các cảng của Trung Quốc. “Chúng tôi thậm chí không được phép báo cáo về những điều này, ngay cả trên các kênh truyền thông xã hội,” anh nói.
“Nếu anh báo cáo chuyện này, thì tin đó sẽ bị xóa.”
Theo ông Sử, nhiều thủy thủ bị mắc kẹt hiện đang quẫn trí. Họ đang liều mạng để được lên bờ, và một số đã tổ chức đình công và tuyệt thực trên tàu. Ông nói: “Nhiều người đang gây rối trên tàu, đe dọa thuyền trưởng, hoặc đang bị suy sụp tinh thần.”
“Họ sẽ phát điên mất.”
Ông Sử nói rằng một số thủy thủ bị nhiễm virus Trung Cộng đã phải tìm cách điều trị ở bên ngoài Trung Quốc.