Thuyết chủng tộc trọng yếu và Chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ
Trong vài tuần qua, các cơ quan lập pháp, ban phụ trách các trường học, cùng các bậc cha mẹ đã lên tiếng phản đối Thuyết Chủng tộc Trọng Yếu (Critical Race Theory–CRT) như một hệ tư tưởng gây chia rẽ đang dạy con chúng ta thành những kẻ phân biệt chủng tộc. Sự phản đối của họ đã đưa lý thuyết hàn lâm từng một thời mơ hồ này lên trang nhất của các tờ báo khắp cả nước.
Họ cũng đã đưa ra một số câu hỏi nhức nhối: CRT là gì? Điều gì khiến nó bị phản đối đến thế? Làm sao mà giáo dục “chống phân biệt chủng tộc” (anti-racism) lại có thể là phân biệt chủng tộc được?
Cũng như nhiều đáp án khác ngày nay, đáp án bắt đầu với xu hướng cấp tiến nhằm định nghĩa lại – hay đúng hơn là phá bỏ – từ ngữ. Giáo dục “chống phân biệt chủng tộc” là phân biệt chủng tộc bởi vì phe cấp tiến đã định nghĩa lại từ “phân biệt chủng tộc”.
Các học giả CRT đều rõ ràng và nhất quán về vấn đề này. Chữ “anti-racism” mà họ đang rao giảng không phải là “chống phân biệt chủng tộc” của Martin Luther King Jr.; cũng không phải là chống lại sự phân biệt đối xử vốn bị hầu hết người Mỹ phản đối khi nhắc đến chống phân biệt chủng tộc. CRT cho rằng các “hệ thống” đang tạo nên cuộc sống của người Mỹ hiện đại là phân biệt chủng tộc đến mức không thể cứu vãn. Thuyết này kêu gọi sự nổi dậy mang tính cách mạng, lật đổ mọi thể chế chính phủ, luật pháp, kinh tế, văn hóa, xã hội, cộng đồng và gia đình hiện có.
“Chống phân biệt chủng tộc” của CRT yêu cầu dứt khoát là phải phân biệt đối xử “người da trắng” để bù lại thay vì đối xử bình đẳng với tất cả. Để thúc đẩy mục tiêu này, các chương trình CRT hệ 12 năm (K–12) nhấn mạnh và đưa đặc tính chủng tộc lên, chia học sinh theo nhóm chủng tộc, đối xử khác biệt tùy theo từng nhóm, và dạy rằng căng thẳng chủng tộc là không thể tránh khỏi.
CRT cũng thể hiện sự bác bỏ tuyệt đối và toàn diện đối với chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ. Một hệ quả của sự bác bỏ đó là CRT đã trở thành một cái tên viết tắt cho toàn bộ các thuyết tân Marxist chống Hoa Kỳ vốn đang chi phối chính trị thiên tả ngày nay. Trong khi Marx xem lịch sử là cuộc đấu tranh giữa các giai cấp kinh tế, thì những người theo chủ nghĩa Marx đương đại tin rằng cuộc đấu tranh giữa các chủng tộc và giới tính chí ít cũng quan trọng như vậy. CRT xem toàn bộ thử nghiệm của Hoa Kỳ về sự tuyên dương tự do cá nhân như ‘chủ nghĩa da trắng thượng đẳng’ được nhìn qua lăng kính quan hệ công chúng tốt.
Mặc dù việc CRT bỏ qua các xung đột văn hóa có thể đem lại cho những người ủng hộ một lý lẽ, nhưng việc đó lại không hẳn là một trong các hậu quả. Cũng giống như Marx đã bỏ sót khả năng thích ứng đáng kinh ngạc của chủ nghĩa tư bản và những lợi ích mà chủ nghĩa tư bản đem lại cho những người lao động nghèo, sự chán ghét của CRT đối với Hoa Kỳ đã làm nó không thấy được vai trò thích nghi và tiến hóa của chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ trong việc chống phân biệt đối xử.
Không có gì đặc biệt về những con tàu nô lệ Phi Châu đầu tiên đến Tân Thế Giới vào đầu thế kỷ 17. Chế độ nô lệ đã tồn tại trong sử sách. Mọi nền văn hóa mà chúng ta biết, ở mọi nơi trên thế giới, đều chấp nhận sự bất bình đẳng (inequality). Những tù binh từ các thành phố bị chinh phục, các bộ lạc trong chiến tranh, hoặc các tôn giáo bị ruồng bỏ đã bị bán làm nô lệ từ rất lâu rồi. Mọi người được sinh ra với một vị thế trong cuộc sống và cần cư xử phù hợp với vị thế đó. Thậm chí rất ít người thắc mắc về “sự bất bình đẳng trong cấu trúc” đó. Chưa từng có xã hội nhân loại nào đã chấp nhận ý tưởng cấp tiến rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng,” chứ đừng nói đến việc áp dụng nó vào thực tế.
Cho đến ngày 04/07/1776, một chủ đồn điền có nô lệ, ngài Thomas Jefferson, tuyên bố đây là tín điều nền tảng của một quốc gia mới. Nền tảng đó thực sự đặc biệt. Nó đã đưa Hoa Kỳ non trẻ vào một chặng đường va chạm với tất cả lịch sử trong quá khứ. Lần lượt, các thể chế bất bình đẳng lâu đời đã sụp đổ trước đặc tính cách mạng này của Hoa Kỳ.
Tám mươi bảy năm sau, ngài Abraham Lincoln đã nhắc lại đề nghị của ngài Jefferson trong một phần của cuộc chiến chấm dứt chế độ nô lệ. Một thế kỷ sau đó, King đã cổ động đất nước chấm dứt bộ luật Jim Crow. Trong vài thập kỷ tiếp theo, Hoa Kỳ không chỉ dỡ bỏ tất cả các rào cản pháp lý và xã hội đối với sự thăng tiến của người Mỹ gốc Phi châu, mà còn áp dụng nhiều ưu đãi để thúc đẩy sự hòa nhập hoàn toàn của công dân gốc Phi châu vào giấc mơ Hoa Kỳ. Năm 2009, Hoa Kỳ bầu ra tổng thống gốc Phi châu đầu tiên của mình.
Những bước đi đó đều rất đặc biệt và là những nguồn tự hào chính đáng của người Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhìn qua lăng kính của CRT, những bước đi này chỉ che đậy những hình thức tinh vi hơn của phân biệt chủng tộc chống người Mỹ gốc Phi châu và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
Khả năng đi đến kết luận như vậy của CRT cho thấy nó thuộc loại “lý thuyết” nào. CRT dựa trên các lập luận vốn được xem như là dấu hiệu của tư duy thuyết âm mưu: Các bằng chứng như chế độ nô lệ có vẻ như ủng hộ lập luận ‘Hoa Kỳ thì phân biệt chủng tộc’; trong khi các bằng chứng như việc nâng ông King lên làm người hùng của đất nước này lại có xu hướng phủ nhận điều đó. Đối với các lý thuyết gia về chủng tộc trọng yếu, CRT là hiển nhiên đúng. Tất cả các bằng chứng liên quan, bất kể là nó nói lên xu hướng nào, đều được xem là bằng chứng xác nhận thuyết này.
CRT là một thuyết âm mưu độc hại, phân biệt chủng tộc và chống lại Hoa Kỳ. Trọng tâm của nó là sự phủ nhận chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ vốn đã giúp chống lại sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử nhiều hơn bất kỳ một hệ tư tưởng nào khác. CRT không có chỗ đứng trong trường học của chúng ta. Trẻ em Hoa Kỳ nên biết rằng chính quốc gia của họ đã đưa ra những quan niệm mới về bình đẳng cho thế giới và cống hiến lịch sử của mình để mở rộng khả năng áp dụng những quan niệm này. Các em nên học cách đón nhận lý tưởng nền tảng của Hoa Kỳ và tự hào về cách nó đã phát triển trong suốt lịch sử của chúng ta.
Những người ủng hộ chân chính đối với sự đa dạng và hòa nhập nên yêu Hoa Kỳ hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên Trái Đất. Đất nước đặc biệt của chúng ta đã dạy cho thế giới biết rằng sự bình đẳng rộng rãi theo luật pháp đem lại một con đường đến ổn định và thịnh vượng tốt hơn nhiều so với cuộc đấu tranh không ngừng giữa các nhóm bị chia rẽ. Đó là lý do tại sao những người thật sự phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng phản đối CRT – trong trường học của chúng ta và những nơi khác.
Tác giả Bruce Abramson, Ph.D., J.D., là giám đốc của JBB&A Strategies và B2 Strategic, chuyên viên cao cấp và là giám đốc của American Center for Education and Knowledge (ACEK), đồng thời là tác giả của cuốn sách “American Restoration: Winning America’s Second Civil War.” Cuốn sách sắp xuất bản của ông là “The New Civil War: Exposing Elites, Fighting Utopian Leftism, and Restoring America” (Nhà xuất bản RealClear, 2021).
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.