Thuyết định mệnh (Kỳ 2): Phá giải những hiểu lầm về thuyết định mệnh
Hiểu lầm thứ nhất về thuật toán mệnh: Tại sao người sinh cùng ngày, tháng, năm mà vận mệnh lại khác nhau?
Trong văn hóa cổ đại có rất nhiều phương pháp có thể suy tính được vận mệnh như Bát tự Hữu Tử Bình, Chu dịch bát quái, Đại lục nhâm, Mai hoa dịch số, Thiết bản Thần số, Tử vi đẩu số, tướng mặt, tướng tay, xem sao, xem bói, nắn xương, đoán chữ, túc mệnh thông… Các phương pháp đều có sở trường và sở đoản riêng.
Ưu thế của thuật toán mệnh theo giờ sinh Bát tự là tính ra một đời người phú quý, bần tiện, yểu thọ là có độ chính xác khá cao. Ví như đem mệnh con người chia làm 3 loại thượng, trung, hạ… Bát tự có thể tính ra ở loại đẳng cấp nào; tính ra được đời người khi nào vận tốt, khi nào vận xấu; còn tính được hôn nhân tốt xấu; có lực trợ giúp không, cũng có chứng nghiệm. Nhưng nếu muốn hỏi về sự việc chi tiết cụ thể như vợ họ tên gì, bao nhiêu tuổi… thì những điều này không phải là sở trường của toán mệnh giờ sinh Bát tự.
Sách Thanh Bại Loại Sao có ghi chép: Thời triều Thanh, Thượng thư Bộ Lễ Uông Đình Trân và Thành Thư người Thịnh Kinh (Thẩm Dương) sinh cùng giờ, ngày, tháng, năm. Uông Đình Trân đỗ tiến sỹ, Thành Thư đỗ cử nhân. Uông Đình Trân làm quan lục phẩm, Thành Thư ngũ phẩm. Khi Uông Đình Trân ngũ phẩm thì Thành Thư tứ phẩm. Khi Thành Thư làm Thị lang, thì Uông Đình Trân làm quan tam phẩm. Sau này Uông Đình Trân làm Thượng thư mà Thành Thư vẫn chỉ là Thị lang. Tước vị hai người luôn luôn chênh lệch không nhiều, quả là kỳ lạ. Tướng mạo hai người vô cùng giống nhau, năm mất của cha mẹ cũng khá tương đồng. Tác giả cho rằng địa điểm sinh khác nhau của hai người đã tạo ra sự sai biệt đó, nhưng những gì trải qua trong cả cuộc đời, công danh sự nghiệp đều khá tương tự.
Hai người này nếu nói theo quan điểm của những người phản đối toán mệnh thì: một người làm quan đến Thượng thư, một người là Thị lang, đây rõ ràng là khác nhau; do đó toán mệnh không chuẩn, vận mệnh không tồn tại.
Tuy nhiên, tước vị và chức quan cụ thể đúng là khác nhau, nhưng đường cong sinh mệnh của hai người lại tương đồng. Toán mệnh giờ sinh Bát tự chính là dùng quan hệ biện chứng ngũ hành tương sinh tương khắc để tính ra đường cong sinh mệnh này, nhưng đường cong sinh mệnh này mở rộng đến đâu thì còn chịu tác động của thiên thời, địa lợi, nhân hòa hậu thiên; vậy nên sẽ có những khác biệt. Đây chính là một trong những nguyên nhân người sinh cùng giờ, ngày, tháng, năm… mà vận mệnh cụ thể sau này có sự sai khác.
Có thể thấy, người có cùng giờ, ngày, tháng, năm sinh… có sự việc và trải nghiệm cụ thể tuy không tuyệt đối giống nhau nhưng lại có nhiều điểm tương tự. Điều đó cũng đủ để chứng minh căn cứ lý luận toán mệnh tứ trụ dùng giờ, ngày, tháng, năm sinh là có cơ sở. Nếu cứ nhất định rằng chức quan, quan phẩm phải hoàn toàn như nhau mới tin, thì đó là yêu cầu quá khắt khe đối với toán mệnh Bát tự.
Hiểu lầm thứ 2 về thuật toán mệnh: Giờ sinh Bát tự của hoàng đế, trong dân gian cũng có người như thế, tại sao họ làm không thể làm hoàng đế?
Mệnh của hoàng đế không chỉ đơn thuần do giờ sinh Bát tự quyết định, mà Bát tự chỉ là một loại biểu hiện của thân thể vật chất khi họ chuyển sinh đến nhân gian. Vì vậy hoàng đế cũng giống người thường, cũng có sinh lão bệnh tử, có phiền não. Nhưng từ thuyết định mệnh mà nói, nguyên thần (linh hồn) của hoàng đế là do trời cao an bài hạ thế, có mang theo sứ mệnh.
Sách Ngũ Tạp Trở do Tạ Triệu Chiết triều Minh biên soạn có viết: Tương truyền Minh Thái Tổ Cao Hoàng Đế (Chu Nguyên Chương) sau khi định thiên hạ đã tìm người có giờ sinh Bát tự giống với mình. Ở Giang Âm tìm thấy một người, được đưa đến hoàng cung. Chu Nguyên Chương muốn giết ông ta, nhưng khi gặp thì ra là một ông già nhà quê. Vua bèn hỏi: “Sống bằng nghề gì?”.
Người đó nói: “Chỉ nuôi 13 tổ ong, cũng đủ tự nuôi mình.”
Chu Nguyên Chương cười và nói: “Ta cai quản 13 tỉnh và ông nuôi 13 tổ ong, chẳng phải giống nhau sao?”
Thế rồi vua trọng thưởng cho ông ta và cho trở về quê. Quả thực khí độ của đế vương khó mà luận đàm tương đồng với thường dân được.
Hiểu lầm thứ 3 về thuật toán mệnh: Một trận động đất chết mấy chục nghìn người, lẽ nào đều là do mệnh chết?
Chu Dịch viết: “Trời hiển thị Thiên tượng để thấy hung cát”. Động đất là một loại cảnh cáo mà Trời giáng xuống nhân gian, nhắc nhở người thống trị đã có những sự việc trái ý Trời, làm những việc tổn hại lẽ Trời, để nhắc nhở họ sửa chữa quy chính, hoặc sẽ có thay triều đổi đại, hoặc quân vương sẽ lìa trần. Cũng có nghĩa là khi vận nước xuất hiện vấn đề, thì chính là Trời cao đang cảnh cáo và trừng phạt; người khu vực đó ở trong phạm vi trừng phạt của ông Trời. Vận nước lớn hơn vận người, vận mệnh quốc gia không tốt thì dù vận mệnh cá nhân có tốt cũng không đủ sức vãn hồi.
Hiểu lầm thứ 4 về thuật toán mệnh: Nếu ai ai cũng tin họa phúc định trước thì mọi người sẽ không cần nỗ lực nữa?
Người hiểu thuật toán mệnh Bát tự đều biết, trong Bát tự có “Lục thần”, tức là 6 loại quan hệ sinh khắc, chế hóa của nhật can, tức là “Tài, Quan, Sát, Ấn, Thực, Thương”. Lục thần này giống như 6 loại gien trong mệnh con người (thực tế con người có khoảng 19,00 đến 22,000 gien). 6 loại gien này sẽ quyết định tư tưởng và hành động của con người, mỗi gien đều đại biểu cho chức năng trong phạm vi của mình. Ví dụ như Tài tinh sẽ kiểm soát phương diện tiền tài trong mệnh con người; Quan tinh kiểm soát vấn đề trên phương diện thanh danh, quan trường; Thương quan, Thực thần tinh là sao phát huy, phát động. Cho nên con người nỗ lực hay không, khi nào nỗ lực thì cần phải xem hai sao này.
Đương nhiên tất cả những sao này đều có nhân tố chính diện và phản diện. Tài tinh có thể chỉ việc kiếm được tiền, cũng có thể chỉ việc phá tài hao tài. Quan tinh có thể đại biểu cho cơ hội thăng chức, cũng có thể dự liệu việc mất chức. Sao thương quan, thực thần, người ta gọi đó là sao hành động bởi vì chúng là ngũ hành do nhật chủ sinh ra; mỗi người đều phải tự mình làm việc, phát huy tài năng. Có người phát huy thành công, khởi nghiệp kiếm tiền; có người thì làm ơn mắc oán, hảo tâm không được hảo báo, càng làm càng vất vả, còn mất đi phúc khí của mình. Việc này cần phân tích sự phối hợp toàn diện của Bát tự, xem chúng là Hỷ dụng thần hay là Kỵ thần. Là Hỷ dụng thần thì có được kết quả tốt đẹp. Là Kỵ thần thì sẽ phá tài, mất quan, làm tốn công vô ích, ‘lợn lành chữa lợn què’… Đối với những việc này, thầy toán mệnh chân chính có thể nhìn ra được.
Có bậc phụ huynh có lẽ đã trải nghiệm qua việc con mình lúc học Tiểu học thì thành tích không tốt, cho dù là thầy cô giáo đốc thúc thế nào, cha mẹ nỗ lực ra sao, học thêm, phụ đạo thế nào; tất cả đều không có tác dụng. Nhưng đến Trung học, thành tích học tập đột nhiên nhảy vọt lên, mà cũng không có ai đốc thúc, rất tự giác nỗ lực, bỗng nhiên đứng đầu lớp. Đây chính là thuở thiếu niên chưa gặp vận tốt, cho dù nỗ lực thế nào, đốc thúc ra sao thì cũng lực bất tòng tâm. Lên đến Trung học, đến lượt các sao Thực thần và Thương quan chuyển đến vận tốt, lại là Hỷ dụng; đó là sao hành động trong mệnh được đánh thức, cái gien cần cù nỗ lực mà vận mệnh chú định được kích hoạt, đã phát huy mặt tốt đẹp của nó.
Sao Thực thần, Thương quan cũng được gọi là sao thông minh, trí tuệ. Muốn thành tích học tập tốt đẹp, đứng đầu thì hai sao này là thích hợp nhất. Không chỉ sao Thực thần, Thương quan là có tình huống này, các sao khác như Tài, Quan, Ấn cũng lại giống như thế. Khi bạn đến vận sao Quan mà lại là Hỷ dụng thì tự khắc có một động lực trong tâm thúc đẩy bạn hành động, để thử thách, để ứng nghiệm với quan vận này, giống như hạt giống đến mùa xuân, trong hạt giống tự đã có một xung lực, đội đất mọc lên, đâm chồi. Cũng có lúc thông qua giấc mộng để thúc đẩy bạn hành động. Tự bản thân không muốn cầu chức quan, nhưng ông Trời lại đốc thúc bạn làm; đó là sự tình ứng nghiệm ở phương diện tốt. Cũng như thế, việc xấu đến, bạn tránh cũng không được.
Nếu nói về việc ngồi hưởng vận mệnh chờ nó tự thành tựu, đó chỉ là người có sao Ấn tinh là Hỷ dụng, nhất là Ấn tinh ở nguyệt lệnh. Vận tốt của người này giống như ôm cây đợi thỏ, chẳng cần bỏ nhiều công sức, chỉ đợi cơ hội tìm đến. Đó là vì sao Ấn tinh trợ ngũ hành nhật chủ của bạn; tức là trong mệnh có quý nhân trợ giúp. Có thể thấy, mỗi mệnh, mỗi vận đều có thể phân tích ra được từ giờ sinh Bát tự; không giống như có người nói, tin vào vận mệnh thì ngồi đó chẳng làm gì, ngồi yên chờ phú quý đến. Thực ra con người làm gì thì có thể hoàn toàn tự quyết được chăng, hay chỉ là thừa hành những mệnh lệnh được định sẵn trong lúc con người không biết, không cảm thấy? Thành công và thất bại, thông minh và dại khờ, tất cả đã được định trước rồi; thông qua phân tích giờ sinh Bát tự thì có thể dự đoán được những nhân tố đằng sau đó.