Tiều phu Paul Bunyan khổng lồ hay Thần biển cả Poseidon? Sự thiếu vắng của thần thoại Mỹ
Walker Larson
Liệu có sự tương đồng nào giữa tiều phu Paul Bunyan khổng lồ và Thần biển cả Poseidon hay không?
Đầu tiên, và quan trọng nhất, là cả hai đều có bộ râu dài gây ấn tượng. Họ thường được mô tả là có vóc dáng cường tráng. Cả hai đều có loài thú màu xanh biểu tượng (lần lượt là, bò và cá heo). Cả hai đều mang theo công cụ sắc bén (chiếc rìu và đinh ba). Và tất nhiên, họ đều bước đến chúng ta từ những câu chuyện thần thoại đầy huyền bí.
Tuy nhiên, tôi nghĩ các câu chuyện thần thoại kể về hai nhân vật này có bản chất rất khác nhau.
Ý nghĩa của thần thoại
“Thần thoại” là một từ khó định nghĩa. Từ này có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, và các định nghĩa đa dạng này lại chồng chéo nhau ở một mức độ nào đó, khiến cho mọi thứ càng trở nên mơ hồ hơn. “Thần thoại” có thể đề cập đến các truyện dân gian và truyện cổ tích, hay chỉ là các câu chuyện kỳ quặc phát sinh trong một thời gian và địa điểm nhất định.
Đôi khi, từ này được dùng để mô tả những câu chuyện về nguồn gốc hoặc sự hình thành của một nền văn hóa. Nó cũng có thể đề cập đến câu chuyện bao quát dẫn dắt một xã hội, chẳng hạn như thần thoại về quá trình phát triển. Thời nay, “thần thoại” chỉ thường dùng để miêu tả một sự việc không có thật.
Suy cho cùng, thì thần thoại có thể mang nghĩa là sử dụng lối kể chuyện và thi ca để khám phá và thăm dò những bí ẩn cốt lõi của cuộc sống, cũng như có được cái nhìn thoáng qua về những chân lý không thể diễn đạt chính xác bằng các phương tiện khác – vốn duy lý hơn.
Thời kỳ Khai sáng và câu chuyện lập quốc của Hoa Kỳ
Định nghĩa cuối cùng về thần thoại – một câu chuyện cung cấp chân lý – chính là thần thoại theo đúng ý nghĩa lâu đời nhất, sâu sắc nhất của nó. Và đây chính là điều mà Mỹ quốc cũng như nhiều quốc gia non trẻ khác, phần lớn còn khuyết thiếu.
Đúng là nước Mỹ có những câu chuyện thần thoại nhất định xung quanh quá trình lập quốc, hoặc về thời kỳ của người dân sống ở vùng biên giới, hoặc miền Tây hoang dã. Chúng ta có thể lập luận rằng các thần thoại dưới dạng Đại Tự sự (grand narrative) này vẫn tiếp tục là kim chỉ nam giúp định hình nền văn hóa của chúng ta. Nhưng tất cả những điều này đều rơi vào cái mà chúng ta có thể gọi là phạm trù thần thoại thứ cấp. Mỹ quốc không có hệ thống thần thoại theo đúng nghĩa – kiểu thần thoại mà Hy Lạp, La Mã hay Scandinavia sở hữu.
Tại sao lại như vậy? Ít nhất thì một phần là vì chúng ta là một quốc gia hiện đại. Hoa Kỳ ra đời sau cuộc Cách mạng Khoa học và Thời kỳ Khai sáng, và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cả hai thời kỳ này. Tư tưởng khai sáng thường xem nhẹ các phương tiện thi ca, thần thoại, hoặc tôn giáo trong việc tìm kiếm chân lý. Theo Stanford Encyclopedia of Philosophy (Bách khoa toàn thư Triết học Stanford), “Các triết gia Khai sáng… có xu hướng tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh trí tuệ của nhân loại, vừa để đạt được kiến thức một cách hệ thống về tự nhiên, vừa để đóng vai trò là người hướng dẫn có thẩm quyền trong đời sống thực tế. Sự tự tin này thường đi kèm với sự ngờ vực hoặc thù địch đối với các hình thức hoặc các phương thức lý giải sự vật khác (chẳng hạn như truyền thống, mê tín, định kiến, thần thoại và phép lạ).”
Thời kỳ Khai sáng nhấn mạnh vào kiến thức duy lý và khoa học, đã để lại rất ít khoảng trống cho những phương thức hiểu biết thần bí hơn, gồm cả thơ ca và thần thoại. Là những người kế thừa lối suy nghĩ mới này, người Mỹ chúng ta đã không được tiếp cận với tinh thần huyền bí mà các nền văn hóa thuở ban sơ – như Hy Lạp và La Mã – có được lợi ích từ đó. Đơn giản là thần thoại không thể phát triển trong một xã hội tràn đầy tư duy của Thời kỳ Khai sáng.
Mặc dù thần thoại có thể không đúng sự thật theo nghĩa đen, nhưng nó vẫn cho thấy những chân lý phổ quát và trường tồn một cách đầy thuyết phục – có lẽ còn tốt hơn nhiều so với bản thân khoa học hoặc lý trí. Như giáo sư văn học John Senior từng viết, “Đối với hầu hết các vấn đề quan trọng của cuộc sống, thì khoa học, phép biện chứng, và thuật hùng biện đều rất mù quáng; những lý luận của họ không thể nhìn thấu những bí ẩn như tình yêu thương và chiến tranh, hoặc tại sao một tội nhân lại hy vọng được cứu chuộc.” Bất chấp các công dụng và sức mạnh của mình, khoa học vẫn gặp khó khăn trong việc khám phá những câu hỏi mang tính toàn cảnh về sự tồn tại của loài người.
Như tác giả James Sale gần đây đã viết cho The Epoch Times, rằng khoa học và thần thoại (hoặc triết học và thần thoại) nên bổ trợ cho nhau, giống như hai trụ cột nâng đỡ nền văn minh. Ông nói: “Có điều gì đó rõ ràng là chưa hoàn thiện về kiến thức, cũng như cuộc sống của chúng ta, khi chúng ta phớt lờ một phương thức căn bản về sự tồn tại của mình và nhấn mạnh quá mức vào phương thức còn lại.”
Tuy nhiên, Mỹ quốc đã mắc phải tình trạng thị lực độc nhãn này từ lâu. Trong một bài viết cho tờ “The American Mind”, triết gia Edward Feser lập luận rằng khoa học đã trở thành cách nhìn được chấp nhận ở mọi khía cạnh trong cuộc sống của người Mỹ – từ kinh tế, đạo đức, cho đến các biện pháp y tế công cộng – như thể bản thân khoa học là một tôn giáo bao trùm toàn bộ vậy. “Thời kỳ Khai sáng chỉ đơn giản thay thế chủ nghĩa giáo điều của tôn giáo thành chủ nghĩa giáo điều của khoa học mà thôi,” ông khẳng định. Và ông Feser, cũng giống như ông Sale, hiểu rằng quan niệm thực tế của chúng ta sẽ trở nên lệch lạc như thế nào khi chúng ta chỉ sử dụng một phương tiện để tìm ra chân lý. Chúng ta đang rơi vào cái nhìn phiến diện. (Bao nhiêu lần chúng ta nghe thấy câu nói “hãy tin vào khoa học”, như thể khoa học là một chỉ dẫn không bao giờ sai trong mọi khía cạnh của đời sống? Và chúng ta hiếm khi nghe thấy câu “hãy tin vào triết học” hay “hãy tin vào thần thoại” đến mức nào?)
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kể từ thế kỷ 16 đã làm cái nhìn phiến diện này trầm trọng thêm. Kể từ thời điểm đó, chúng ta đã tự lừa dối và làm mê hoặc bản thân bằng những tiến bộ công nghệ của mình, đến mức mà chúng ta bắt đầu nghĩ rằng mình đang nắm giữ chìa khóa tối thượng của vũ trụ trong tay, thông qua sức mạnh của khoa học ứng dụng. Chúng ta không cần bất cứ điều gì khác.
Tuy nhiên, đôi khi, bất chấp tất cả, nền văn hóa công nghệ hiện đại của chúng ta vẫn khao khát những truyền thuyết và thần thoại. Trong bài hát có tên là “We Need a Myth” (Chúng ta cần thần thoại), ca sĩ dòng nhạc alternative rock dân gian người Mỹ là Will Sheff đã than thở rằng: “We need a myth / We need a path through the mist … Scrape away grey cement / Show me the world as it was again / As it was in a myth … And if all we’re taught is a trick / Why would this feeling persist?” (Tạm dịch: Chúng ta cần thần thoại / Chúng ta cần một con đường băng qua màn sương mờ ảo … Cạo bỏ đi lớp xi măng xám xịt / Hãy cho tôi lại được thấy thế giới như xưa / Như trong câu chuyện thần thoại… Nếu tất cả những gì chúng ta được dạy là một trò lừa / Thì tại sao cảm giác này lại tồn tại?)
Mong muốn tương tự cũng được thể hiện qua lời của nhà lý luận và đạo đức học người Mỹ Russell Kirk, rằng: “Thời đại của chúng ta, đang chết mòn vì chủ nghĩa vị lợi và xu hướng bám sát nghĩa đen, đang khóc gào cho khao khát có được thần thoại và ngụ ngôn. Những thần thoại vĩ đại không nên chỉ được giải thích dưới góc nhìn duy lý: chúng còn là chân lý, chân lý siêu việt.”
Theo một cách bí ẩn, thì việc bỏ qua phương thức hiểu biết thông qua thần thoại có thể khiến chúng ta lãng quên điều then chốt về ý nghĩa của việc làm người.
Và khám phá lại điều đó có thể giúp chúng ta tìm lại chính mình.