TikTok bị phạt 10.9 triệu USD ở Ý vì không bảo vệ trẻ vị thành niên
Dorothy Li
Cơ quan giám sát chống độc quyền của Ý đã phạt TikTok khoảng 10.94 triệu USD vì không bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương trước nội dung có hại trên ứng dụng chia sẻ video phổ biến này.
Trong tuyên bố được công bố hôm 14/03, Italian Competition Authority (Cơ quan Giám sát Cạnh tranh Ý) cho biết TikTok đã không khai triển “các quy chế thích hợp để kiểm soát nội dung được đăng tải trên nền tảng, đặc biệt là những nội dung có thể đe dọa đến sự an toàn của trẻ vị thành niên và những cá nhân dễ bị tổn thương.”
Cơ quan giám sát Ý này đã mở cuộc điều tra về TikTok hồi tháng Ba năm ngoái, nói rằng nhiều video trên nền tảng của mạng xã hội này quay cảnh những người trẻ tuổi thực hiện hành vi tự làm hại bản thân, đặc biệt là nội dung liên quan đến xu hướng mang tên “vết sẹo kiểu Pháp”. Được lan truyền phổ biến ở Ý vào năm ngoái, thử thách TikTok này liên quan đến hành động bóp da má một cách liên tục và dữ dội cho đến khi gây ra những vết bầm tím kéo dài trên xương gò má.
Cơ quan này cho biết hôm 14/03 rằng cuộc điều tra của họ đã xác minh trách nhiệm của TikTok trong việc truyền bá nội dung “có khả năng đe dọa đến sự an toàn về tâm lý và thể chất” của người dùng – bao gồm các video liên quan đến thử thách “Vết sẹo kiểu Pháp”.
TikTok cho biết họ không đồng tình với quyết định của cơ quan Ý. Một phát ngôn viên của công ty cho biết: “Trung bình chỉ có 100 lượt tìm kiếm hàng ngày ở Ý về nội dung được gọi là ‘Vết sẹo kiểu Pháp’ này trước khi AGCM công bố cuộc điều tra vào năm ngoái.”
Hồi tháng Hai, TikTok đã nhận được lệnh yêu cầu xóa các nội dung liên quan đến thử thách thịnh hành này khỏi ứng dụng của họ, theo phán quyết của cơ quan giám sát hàng đầu khác ở Ý, Communications Guarantee Authority (Cơ quan Bảo đảm Truyền thông).
Cơ quan Giám sát Cạnh tranh cho biết hôm 14/03 rằng “nội dung nguy hiểm tiềm tàng” đã được lưu hành thông qua thuật toán lập hồ sơ của TikTok – vốn có khả năng tự động chọn video phù hợp với sở thích của người dùng. Cơ quan này cho biết thêm, mục đích của thuật toán đó là tăng thời gian mọi người trên ứng dụng và thúc đẩy sự tham gia của người dùng để tăng doanh thu quảng cáo.
“TikTok đã không thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn sự lan truyền của những nội dung như vậy và chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc mà công ty đã áp dụng để khiến khách hàng yên tâm rằng nền tảng này là không gian ‘an toàn’.”
Các hình phạt được áp dụng đối với ba bộ phận của ByteDance, công ty mẹ của TikTok tên TikTok Technology Limited Ireland, TikTok Information Technologies UK Limited Anh Quốc, và TikTok Italy Srl của Ý.
Sự giám sát ngày càng tăng ở phương Tây
Khoản phạt tốn kém này làm tăng thêm những tai ương của TikTok ở châu Âu. Hồi tháng Hai năm ngoái, European Commission (Ủy ban Âu Châu) đã mở nhiều cuộc điều tra chính thức về việc liệu công ty truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Trung Quốc này có vi phạm luật mới của khối hay không, cụ thể là Digital Services Act (Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số) – vốn yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội, đặc biệt là các nền tảng rất lớn, phải chống lại nội dung có hại hoặc thông tin sai lệch. Việc không tuân thủ có thể dẫn đến mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu của các công ty. Cuộc điều tra sẽ xem xét các vấn đề bao gồm “thiết kế gây nghiện” của TikTok và nguy cơ không bảo vệ được trẻ em.
Tháng 09/2023, cơ quan giám sát dữ liệu Ireland đã phạt ứng dụng chia sẻ video này khoảng 368 triệu USD vì không bảo vệ quyền riêng tư của người dùng chưa đủ tuổi vị thành niên. Hồi tháng 01/2023, công ty cũng đã phải chịu khoản phạt khoảng 5.4 triệu USD từ cơ quan quản lý dữ liệu của Pháp vì vi phạm quyền riêng tư.
Tại Hoa Kỳ, các nhà hoạch định chính sách, quan chức chấp pháp, và bác sĩ nhi khoa cũng nêu lên những lo ngại về tác động của TikTok đối với thiếu nhi và thiếu niên.
Mối quan hệ của công ty này với Trung Quốc cộng sản đã làm tăng thêm mối lo ngại. Một số nhà phân tích bảo mật nói rằng TikTok có thể được vũ khí hóa để chống lại công dân Hoa Kỳ thông qua các hoạt động giám sát mang tính săn mồi, kiểm duyệt, và quảng bá những tuyên truyền được nhà nước hậu thuẫn. Hơn một nửa số tiểu bang của Hoa Kỳ đã cấm sử dụng TikTok trong các thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ.
Hồi đầu tuần (13/03), Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật yêu cầu TikTok thoái vốn khỏi công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc, ByteDance, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm sử dụng các cửa hàng ứng dụng và dịch vụ lưu trữ của Hoa Kỳ. Dự luật hiện sẽ được chuyển đến Thượng viện và Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ ký thành luật nếu dự luật này được Thượng viện thông qua.
Ứng dụng chia sẻ video này rất phổ biến đối với người Mỹ, với khoảng 170 triệu người dùng trên toàn quốc. Để so sánh, TikTok có trung bình 125 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở châu Âu.
Ở phía bên kia đại dương, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm trên toàn quốc vào năm 2020. New Delhi đã cấm sử dụng TikTok và hàng chục ứng dụng của Trung Quốc – chẳng hạn như ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat – sau cuộc đụng độ biên giới gây thương vong trong khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya giữa hai nước láng giềng này. Chính phủ Nepal năm ngoái cho biết họ cũng đã hành động để cấm TikTok.
Trong khi đó, Canada đã lặng lẽ mở cuộc đánh giá an ninh quốc gia đối với TikTok hồi tháng Chín năm ngoái dù mãi đến đầu tháng này mới công khai.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke