JEFF MINICK

Trong lời kết của cuốn tiểu thuyết năm 1926 “The Sun Also Rises” (Mặt trời vẫn mọc), tác giả Ernest Hemingway đã trích dẫn lời của nữ văn sĩ Gertrude Stein: “Tất cả các bạn đều thuộc một thế hệ lạc lối.”

Nhà văn Stein đã đề cập đến những người sinh ra từ những năm 1880 đến 1900, cụ thể là những người đàn ông phục vụ trong Đệ nhất Thế chiến và cả nam lẫn nữ giới thuộc thời “Roaring Twenties” (giai đoạn 1920–1930). 

Theo một cách nào đó, cho dù chúng ta là thế hệ bùng nổ (boomers), Gen X, thế hệ millennials, hoặc Gen Z, thì chúng ta đều thuộc những thế hệ lạc lối. Trong suốt thế kỷ 20, cội nguồn nơi sinh ra, gia đình, đức tin, và lịch sử vốn giúp hình thành nên nhân cách phần lớn đã biến mất ở phương Tây; những thế hệ này có nạn nhân chiến tranh, biến động chính trị, và sự biến đổi văn hóa sâu rộng. Trên thực tế, khái niệm về cội nguồn đã trở nên không còn hợp thời, mà thay vào đó là sự chia rẽ cá nhân và nhiều khi là sự ám ảnh về tư lợi.

Và mặc dù chúng ta sống trong kỷ nguyên của truyền thông xã hội, rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng người Mỹ đang ngày càng trở nên đơn độc và lạc lõng hơn bao giờ hết.

Nhưng giả sử chúng ta muốn có một sự đổi thay thì sao? Giả sử chúng ta muốn có những mối giao hảo tốt hơn với đồng nghiệp hoặc muốn các con của chúng ta kết nối sâu sắc hơn với những truyền thống gia đình? Chúng ta có thể làm gì đây? 

Chà, có một điều chúng ta có thể làm: Đó chính là kể cho con cháu nghe những câu chuyện.

Những câu chuyện về cha mẹ, ông bà và những người họ hàng, thậm chí dù họ đã qua đời, sẽ sống mãi khi chúng ta kể lại cho con cháu chúng ta. (Ảnh: Biba Kayewich)
Những câu chuyện về cha mẹ, ông bà và những người họ hàng, thậm chí dù họ đã qua đời, sẽ sống mãi khi chúng ta kể lại cho con cháu chúng ta. (Ảnh: Biba Kayewich)

Hầu hết chúng ta đều là những người kể chuyện bẩm sinh, và những câu chuyện được chia sẻ với người khác là những viên gạch quan trọng để xây dựng các mối quan hệ. Giả sử một đồng nghiệp mới nhận việc đặt nhầm chỗ một số hồ sơ và gặp rắc rối với một giao dịch quan trọng. Cấp trên của cô có thể chỉ cần vỗ nhẹ vai để trấn an cô ấy và tiếp tục công việc. Hoặc thay vì vậy, anh ấy có thể kể cho cô nghe về khoảng thời gian anh ấy mới bắt đầu công việc; anh đã quên liên lạc lại với một khách hàng và gần như khiến công ty phải chịu thiệt hại một khoản tiền lớn. Giờ đây, người nhân viên mới không chỉ được an ủi vì đã gây ra lỗi, mà cuộc hội thoại đó còn tạo nên sự gắn kết giữa họ. Những mối quan hệ tốt đẹp trong công việc phát sinh từ những khởi đầu nho nhỏ như vậy.

Việc chia sẻ những câu chuyện cũng có thể kết nối chúng ta với lịch sử của gia đình, cụ thể là điều đó đem đến cho con cháu chúng ta một cảm giác sâu sắc hơn, rằng cội rễ của các con bắt nguồn từ quá khứ vô cùng xa xôi, rất xa thời điểm các con chào đời. Nếu một đứa trẻ hỏi bà của mình rằng bà có thích đến trường khi bà học lớp ba hay không, và người bà nhân hậu đó kể lại những câu chuyện về tình bạn, những rắc rối với thời khóa biểu, và những trò nghịch ngợm ở trường, thì sau đó, mối quan hệ của họ càng gắn bó hơn. 

Đây là một ví dụ thực tế. Khi tôi kể cho cháu tôi về những câu chuyện tôi được nghe từ ông cụ tổ Clark của các cháu. Ông là một người Ireland nhập cư từ Scotland và là một người đàn ông phong trần; tôi đã tạo cầu nối giúp các cháu gặp gỡ một người đã mất cách đây hơn cả thế kỷ. Khi tôi kể các cháu nghe những câu chuyện chiến tranh mà tôi được nghe cha kể từ thuở còn là một cậu bé – cha tôi từng là  lính bộ binh chiến đấu với quân Đức ở Ý – một lần nữa tôi lại giúp các cháu tôi có mối liên hệ gần gũi, gắn kết với dòng dõi. 

Và đối với chúng ta, nếu như chúng ta không hỏi cha mẹ hoặc những người thân lớn tuổi khác trong gia đình về những sự kiện xảy ra trong quá khứ của họ, thì những câu chuyện đó sẽ vĩnh viễn chìm vào quên lãng khi những người kể chuyện này giờ đây đã yên nghỉ. Những cơ hội đã mất đó có thể lưu lại cho chúng ta sự hối tiếc khôn nguôi. Chẳng hạn, có bao nhiêu người trong chúng ta đã từng hỏi cha mẹ về lần hẹn hò đầu tiên của họ? Bao nhiêu người trong chúng ta biết nơi cha mẹ đi hưởng tuần trăng mật, hoặc thậm chí họ có đi hưởng tuần trăng mật không? Họ đã nghĩ gì và cảm thấy thế nào khi lần đầu tiên chúng ta bước vào cuộc đời của họ.

“Hãy kể chuyện cho con nghe đi” là một trong những lời đề nghị ưa thích của trẻ con. Người lớn sẽ không bảo người khác hãy kể chuyện, nhưng chắc rằng sâu thẳm đâu đó trong mỗi người chúng ta là tình cảm sâu đậm của bản thân gắn bó với một câu chuyện hay ho nào đó. Nếu chúng ta muốn cải thiện những mối giao tiếp trong công việc, thì hãy phá vỡ tình trạng cô đơn tràn lan trong xã hội chúng ta, và nuôi dưỡng cội nguồn của quá khứ; chúng ta cần có những câu chuyện.

Ngoại trừ những trở ngại do tuổi tác và bệnh tật, thì mỗi chúng ta đều là một kho tàng chứa đầy những câu chuyện. Tất cả những gì chúng ta cần làm là mở cánh cửa và chia sẻ câu chuyện đó với người khác.

Ông Jeff Minick sống và sáng tác ở Front Royal, Virginia. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust on their Wings”, và hai tác phẩm hiện thực mang tên “Learning as I Go” và “Movies Make the Man”.

Minh Chi biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn