Tín đồ Cơ Đốc Giáo chỉ trích phần biểu diễn giả trang nữ nhại lại ‘Bữa ăn tối Cuối cùng’
Darlene McCormick Sanchez
Tín đồ Công Giáo và Cơ Đốc Giáo đã chỉ trích mạnh mẽ màn biểu diễn mô phỏng Bữa ăn tối Cuối cùng (The Last Supper) của Chúa Jesus trong lễ khai mạc Thế vận hội Paris, với sự tham gia của những diễn viên giả trang nữ (drag queen) ăn mặc khêu gợi.
Sự phẫn nộ này đã lan rộng sau màn trình diễn hôm 26/07 vừa qua.
“Liệu họ có bao giờ dám chế giễu Hồi Giáo theo cách tương tự không?” Giám mục Công Giáo Robert Barron của Giáo phận Winona-Rochester ở Minnesota đã nói trên nền tảng mạng xã hội X.
“Xã hội hậu hiện đại, nặng tâm trần tục này biết kẻ thù của mình là ai – họ đang gọi đích danh ra – và chúng ta nên tin họ.”
Hoạt cảnh gây tranh cãi này có sự tham gia của những diễn viên giả trang đại diện cho các nền văn hóa khác nhau ngồi tại một bàn ăn dài trong khi một người phụ nữ đội một vòng hào quang màu bạc trang trí công phu đứng ở giữa.
Phía trước cảnh này, một người đàn ông da xanh gần như khỏa thân được cho là đang đóng vai vị thần sinh sản và rượu vang của Hy Lạp, Dionysus, xuất hiện trên một chiếc đĩa bạc đựng đầy hoa và nho.
Ban tổ chức đã xin lỗi sau lễ khai mạc.
“Tôi không muốn phá hoại, cũng không muốn nhạo báng hay gây kích động,” Giám đốc sáng tạo Thomas Jolly cho biết.
“Hơn hết, tôi muốn gửi đi thông điệp về tình yêu thương, thông điệp hòa nhập chứ không có chút chia rẽ nào.”
Ông Jolly cố gắng tách bạch màn trình diễn theo chủ đề LGBT khỏi những điểm tương đồng với bức tranh “Bữa ăn tối Cuối cùng” của Leonardo da Vinci, nói rằng màn trình diễn này là nhằm mục đích tái hiện các vị thần Hy Lạp trong một bữa tiệc.
Bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Da Vinci mô tả khoảnh khắc được nhắc trong Kinh thánh khi Chúa Jesus loan báo rằng một trong những tông đồ của ngài sẽ phản bội ngài.
Một trong những tổ chức Công Giáo đầu tiên lên tiếng là hội đồng giám mục của Giáo hội Công Giáo Pháp.
Trong một tuyên bố, họ nói rằng “những cảnh nhạo báng” này đã chế giễu Cơ Đốc Giáo – quan điểm này được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đồng tình.
“Chúng tôi nghĩ đến tất cả những tín đồ Cơ Đốc Giáo trên toàn thế giới đã bị tổn thương bởi một số cảnh thái quá và khêu gợi,” các giám mục Pháp tuyên bố trên trang tin tức của Vatican.
Hội đồng các Giáo hội Trung Đông – trong đó có Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Jerusalem – ban hành một tuyên bố nói rằng màn trình diễn này mang tính chia rẽ.
“Tự do, đa dạng, và sáng tạo không tương đồng với việc xúc phạm đức tin của người khác, cũng không tương đồng với việc chế giễu họ, theo những cách không kể gì đến nhân phẩm,” tuyên bố đó viết.
Ông John Yep – Tổng giám đốc của tổ chức Catholics for Catholics, một nhóm Công Giáo theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống – nói với The Epoch Times rằng ông không tin vào ý nghĩ cho rằng màn trình diễn này không phải là sự nhạo báng Cơ Đốc Giáo, tôn giáo lớn nhất thế giới với ước tính 2.4 tỷ tín đồ.
Ông cho biết ông tin rằng sự việc này là một phép thử để những tín đồ Cơ Đốc trên toàn thế giới lên tiếng và tuyên xưng đức tin của họ vào Chúa Jesus.
“Chúng ta gặp phải tình huống tương tự từng xảy ra ở Sân vận động Dodger cách đây hơn một năm,” ông Yep cho hay.
Tháng Sáu năm ngoái, hàng ngàn người biểu tình đã tụ tập tại các cổng của Sân vận động Dodger ở Los Angeles sau khi đội bóng chày Major League Baseball tuyên bố sẽ vinh danh một nhóm drag queen bài xích Công Giáo trong “Đêm tự hào” LGBT thường niên của họ.
Nhóm ‘Các Nữ tu của Sự xá tội Vĩnh cửu’ (Sisters of Perpetual Indulgence) – tự nhận là “nữ tu đồng tính và chuyển giới” – biểu diễn các chương trình giả trang nữ. Có một màn trình diễn mô tả cảnh Đức Kitô bị đóng đinh, trong đó các diễn viên giả trang nữ mặc trang phục hở hang biểu diễn múa cột trên thập tự giá.
Theo trang web của mình, nhóm này bắt đầu xuất hiện trước công chúng tại San Francisco vào năm 1979.
“Khi con em chúng ta tiếp xúc với điều này, và [nếu] chúng ta giả vờ là không sao cả, thì đó là hồi chuông báo tử cho nền dân chủ,” ông Yep nói, đề cập đến một đứa trẻ đã tham gia buổi biểu diễn giả trang nữ ở Paris được hàng triệu người xem.
“Thế nên trừ phi chúng ta phản ứng, trừ phi chúng ta hành động, nếu không thì sẽ không còn gì tốt đẹp cho tương lai của nước Pháp và các nền dân chủ khác trên thế giới.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và phóng viên Carol Cassis của The Epoch Times