Tòa Bạch Ốc dự đoán thâm hụt tài chính và nợ trên GDP sẽ giảm vào đầu năm tới khi kinh tế hồi phục
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, một quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết, vào đầu năm tới, tỷ lệ thâm hụt tài chính và nợ trên GDP đều sẽ giảm; các con số mà theo một cơ quan liên bang gần đây dự báo sẽ tăng vượt quá tỷ lệ 100% trong năm tới.
Cho đến hiện tại, khoảng 3.3 nghìn tỷ USD tiền hỗ trợ khẩn cấp, để đưa nền kinh tế vượt qua đại dịch virus Trung Cộng, đã được ban hành thành luật. Nếu toàn bộ số tiền trên được sử dụng, tỷ lệ thâm hụt tài chính sẽ là 16% của GDP, cao nhất kể từ Thế chiến thứ hai, và gấp hơn 3 lần tỷ lệ của năm 2019.
Việc chi tiêu dựa trên vay nợ để chống lại các tác động của đại dịch đã khiến tổng nợ liên bang tăng. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) – nơi chuẩn bị các phân tích kinh tế và ngân sách để hỗ trợ việc đưa ra các chính sách ngân sách của Quốc hội – cho biết trong báo cáo tuần trước rằng nợ liên bang dự kiến sẽ tăng mạnh lên 98% của GDP trong năm 2020, so với 79% của năm 2019 và 35% của năm 2007, trước khi cuộc khủng hoảng lần trước diễn ra.
Văn phòng CBO cũng cho biết, “tỷ lệ này sẽ vượt 100% vào năm 2021, và tăng lên mức 107% vào năm 2023, cao nhất trong lịch sử.”
Ông Joe Lavorgna, kinh tế trưởng của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, trao đổi với tờ Just The News vào tuần trước là tỷ lệ nợ liên bang trên GDP sẽ giảm khi nền kinh tế hồi phục.
“Tỷ lệ nợ trên GDP nói chung tăng do thâm hụt tài chính tăng. Phần lớn việc thâm hụt này là do đại dịch gây ra; việc chúng ta khắc phục, quay trở lại tình trạng bình thường và kinh tế có thể hồi phục bắt đầu từ năm tới, sẽ khiến tất cả các thâm hụt liên quan đến đại dịch giảm đi nhiều so với hiện tại; khi đó tỷ lệ nợ trên GDP cũng sẽ giảm,” ông Lavorgna nói.
Dự báo của văn phòng CBO không bao gồm đợt hỗ trợ đại dịch mới mà Quốc hội có thể ban hành, hiện vẫn đang trong giai đoạn tranh luận giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.
Cả hai đảng đều ủng hộ tăng thêm các biện pháp kích thích kinh tế, nhưng Đảng Cộng Hòa và Tòa Bạch Ốc muốn hỗ trợ có trọng điểm, hướng tới các doanh nghiệp và gia đình bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, trong khi Đảng Dân Chủ muốn hỗ trợ rộng hơn.
Các cuộc đàm phán về gói hỗ trợ đã bế tắc đầu tháng trước, xoay quanh những điểm mấu chốt là có nên phân bổ gần 1 nghìn tỷ USD tiền hỗ trợ liên bang cho các tiểu bang và chính quyền địa phương, cũng như con số cụ thể sẽ được dùng để hỗ trợ thất nghiệp.
Các lãnh đạo Quốc hội và quan chức Tòa Bạch Ốc dự định sẽ đàm phán thêm vào cuối tháng này khi các nghị sĩ quay trở lại Hoa Thịnh Đốn sau kỳ nghỉ.
Ông Lavorgna cho biết chính sách lãi suất thấp sẽ giúp chi phí vay vốn thấp, tạo điều kiện cho thâm hụt chi tiêu tạm thời để giúp đưa Hoa Kỳ thoát khỏi cuộc khủng hoảng virus Trung Cộng này. Ông cũng nói thêm, TT Donald Trump cũng nhận thức được gánh nặng nợ ngày càng tăng, và kế hoạch của ông là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để làm tăng nguồn thu của chính phủ và giảm nợ.
“Vì vậy mục tiêu là làm cho nền kinh tế hoạt động trở lại, khôi phục việc làm, và tăng thu nhập người lao động. Đó là những việc mà Tổng thống đang tập trung. Nếu quý vị chỉ nghĩ đến thâm hụt, thì việc đó là một thước đo rất sai trong thời điểm hiện tại,” ông cho biết thêm.
Ông LaVorgna cũng nói thời điểm để giải quyết các vấn đề về thâm hụt và nợ là sau khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống đến mức “rất thấp”, điều mà ông tin là sẽ xảy ra “sớm hơn nhiều so với mọi người nghĩ”.
Các số liệu gần đây của Bộ Lao động Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 giảm 1.8 điểm phần trăm, còn 8.4%, tương đương nền kinh tế tạo thêm 1.4 triệu việc làm. Trước đó, số lượng việc làm trong các ngành phi nông nghiệp tăng 1.8 triệu trong tháng 7, tăng 4.8 triệu trong tháng 6, và tăng 2.5 triệu trong tháng 5, đưa tổng số việc làm được tạo trong vòng 4 tháng gần đây lên con số kỷ lục 10.5 triệu.
Tác giả: Tom Ozimek