Tòa Bạch Ốc gửi thư tới Đài Loan, tìm kiếm hỗ trợ về vi mạch xe hơi
Hôm 17/02, Tòa Bạch Ốc đã gửi một bức thư cho chính phủ Đài Loan để tìm kiếm sự hỗ trợ cung cấp vi mạch máy điện toán; việc thiếu hụt linh kiện này trên phạm vi toàn cầu khiến ngành công nghiệp xe hơi đang bị tàn phá. Bức thư nói rằng mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan có một “tương lai tươi sáng” trong bối cảnh có các mối đe dọa từ Trung Cộng.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống (TT) Joe Biden, ông Brian Deese, đã gửi thư cho Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa (Wang Mei Hua) và cảm ơn bà đã làm việc với các nhà sản xuất vi mạch Đài Loan để giảm bớt tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu.
“Các công ty xe hơi Hoa Kỳ vẫn khá lo ngại về tác động của việc thiếu vi mạch xe hơi trên các dây chuyền sản xuất trong năm nay,” theo bức thư mà The Epoch Times có được.
Đại dịch đã khiến nhu cầu tiêu dùng điện tử tăng đột biến, dẫn đến tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn. Các nhà sản xuất xe hơi đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề từ sự xáo trộn nguồn cung này; vì thế General Motors và Ford đã tạm thời đóng cửa một số nhà máy. Tình trạng thiếu hụt này cũng đã ảnh hưởng đến nhiều thương hiệu xe hơi toàn cầu, kể cả Volkswagen, Toyota và Nissan.
Cuộc khủng hoảng chất bán dẫn đã nâng tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan đối với các chính phủ phương Tây. Các nhà sản xuất xe hơi Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản đã vận động chính phủ của họ can thiệp và làm việc với các quan chức Đài Loan để giải quyết tình trạng thiếu hụt này.
Đài Loan là một trung tâm quan trọng của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Lĩnh vực bán dẫn của quốc gia này đứng thứ hai thế giới về doanh thu, chỉ sau Hoa Kỳ.
Công ty Sản xuất Chế tạo Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất vi mạch theo hợp đồng lớn nhất thế giới và các công ty Đài Loan khác đã thúc đẩy sản xuất các loại vi mạch quan trọng để giải quyết vấn đề này.
Ông Deese nêu trong bức thư rằng, “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của quý vị trong việc bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho các công ty Hoa Kỳ đang tìm kiếm nguồn cung sẵn có.”
Bà Vương nói với các ký giả rằng bà đã nhận được bức thư của Tòa Bạch Ốc hôm 19/02.
Bà nói, “Từ bây giờ, các nhà sản xuất sẽ làm những gì họ nên làm” để giải quyết vấn đề thiếu hụt này. “Chúng tôi đang giúp đỡ nhiều nhất có thể.”
Theo Reuters, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cũng đã viết một bức thư cho bà Vương để yêu cầu hỗ trợ.
Bức thư cho biết Hoa Kỳ coi Đài Loan là một đối tác chiến lược ở Á Châu, và chính phủ TT Biden đang tìm cách thúc đẩy hợp tác lâu dài với hòn đảo tự trị này.
Hồi tháng 05/2020, TSMC thông báo rằng họ sẽ xây dựng cơ sở chế tạo vi mạch 5nm tân tiến nhất thế giới tại Arizona. Theo các chuyên gia, thỏa thuận này có khả năng định hướng lại về cơ bản chuỗi cung ứng công nghệ cao của Đài Loan xa khỏi Trung Quốc và hướng tới Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ không có liên hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng vẫn duy trì liên hệ không chính thức với hòn đảo tự trị theo Đạo luật Bang giao Đài Loan năm 1979. Trong những năm gần đây, lưỡng đảng đã thúc đẩy việc thiết lập một hiệp định thương mại tự do song phương với Đài Loan.
Hoa Thịnh Đốn từ lâu đã thận trọng trong việc ứng phó với Đài Bắc vì lo ngại sẽ kích động nhà cầm quyền tại Bắc Kinh, vốn coi hòn đảo dân chủ này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan đã thay đổi đáng kể trong năm qua. Dưới thời cựu TT Trump, Hoa Thịnh Đốn đã mở rộng đáng kể viện trợ quân sự cho Đài Loan.
Đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ đã tham dự lễ nhậm chức của ông Biden hồi tháng trước (01/2021). Đây là lần đầu tiên Đài Loan chính thức được mời tham dự một lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống kể từ năm 1979. Điều này cũng báo hiệu việc tiếp tục thúc đẩy ủng hộ Đài Bắc thời hậu Trump, bất chấp những lời đe dọa xâm lược liên tục của Bắc Kinh.
Trong nhiều tháng qua, Bắc Kinh đã liên tục tiến hành các hoạt động quân sự gần Đài Loan để bày tỏ sự thất vọng về việc thay đổi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Đài Loan.
Trong khi chính phủ ông Biden đưa ra một giọng điệu tích cực trong bức thư, vẫn chưa rõ liệu sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan có còn mạnh mẽ trong những tháng tới hay không. Theo các chuyên gia, chính phủ mới có thể đảo ngược một số chính sách của cựu TT Trump đối với Đài Loan nếu ông Biden và các quan chức của ông tìm cách giảm căng thẳng với Trung Cộng.
Ông Rupert Hammond-Chambers, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Đài Loan, nói với tờ The Epoch Times rằng, “Tôi nghĩ còn quá sớm để thực sự nắm bắt được toàn bộ chính sách về Trung Quốc của chính phủ ông Biden vào lúc này.”