Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở – một hiệp ước kiểm soát vũ khí – với Nga, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 22/11.

Tòa Bạch Ốc rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở với Nga
Tổng thống Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh Jim Watson và Emmanuel Dunand/AFP qua Getty Images)

“Vào ngày 22/5/2020, Hoa Kỳ thực hiện quyền của mình theo khoản 2 Điều XV của Hiệp ước về Bầu trời Mở bằng cách thông báo cho các Quốc gia Lưu giữ Hiệp ước và cho tất cả các quốc gia thành viên về quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước này, có hiệu lực sau sáu tháng kể từ ngày thông báo,” Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cale Brown cho biết trong một tuyên bố.

“Sáu tháng đã trôi qua, sự rút lui của Hoa Kỳ đã có hiệu lực vào ngày 22/11/2020 và Hoa Kỳ không còn là Quốc gia thành viên của Hiệp ước Bầu trời Mở.”

Hiệp ước Bầu trời Mở là một thỏa thuận cho phép các quốc gia thực hiện các chuyến bay do thám để lấy dữ liệu quân sự và thông tin tình báo. Trong nhiều năm, Hoa Kỳ đã cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của thỏa thuận, không cho phép các chuyến bay qua lãnh thổ Nga.

Hồi đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump cho biết ông muốn rút khỏi thỏa thuận được ký kết sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Quyết định được đưa ra khi Tổng thống Trump và các quan chức chính quyền tuyên bố rằng họ cứng rắn hơn với Điện Kremlin so với các chính quyền trước đây.

“Trong khi Hoa Kỳ, cùng với các Đồng minh và đối tác của chúng tôi là các Quốc gia thành viên của hiệp ước, đã tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ của chúng tôi theo hiệp ước, thì Nga đã vi phạm hiệp ước một cách rõ ràng và liên tục theo nhiều cách khác nhau trong nhiều năm,” Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết hồi tháng Năm.

“Đây không phải là một câu chuyện chỉ dành riêng cho hiệp ước Bầu trời Mở, thật đáng tiếc, vì Nga đã vi phạm hàng loạt nhiều nghĩa vụ và cam kết kiểm soát vũ khí của mình.”

Đầu mùa hè này, Bộ Quốc phòng (DOD) cho biết việc tham gia hiệp định này không phải là lợi ích tốt nhất của Hoa Kỳ nữa.

DOD cho biết trong một tuyên bố: “Đã trở nên quá rõ ràng rằng việc tiếp tục là một thành viên của hiệp ước này không còn là lợi ích tốt nhất của Hoa Kỳ khi Nga không tuân thủ các cam kết của mình.”

Hiệp ước về Bầu trời Mở lần đầu tiên được Tổng thống Dwight Eisenhower đề xuất vào năm 1955, nhưng Liên Xô đã từ chối tham gia. Tổng thống George H.W. Bush một lần nữa đề nghị hiệp ước và vào năm 1992, sau khi Liên Xô sụp đổ. Khoảng 30 quốc gia đã tham gia sau khi Hiệp ước có hiệu lực vào năm 2002.

Trong khi đó, một hiệp ước khác với Nga được biết đến với tên gọi New START dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 02/2021. Hiệp ước này giới hạn Hoa Kỳ và Nga không được triển khai quá 1,550 vũ khí hạt nhân tại một thời điểm nhất định.

Jack Phillips
Lê Trường biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn