Tối cao Pháp viện bãi bỏ việc tuyển sinh dựa trên chủng tộc tại các trường đại học
MATHEW VADUM
Tối cao Pháp viện đã bác bỏ việc sử dụng các chính sách tuyển sinh mang tính phân biệt chủng tộc tại các trường đại học Hoa Kỳ.
Quyết định 6 thuận–3 chống chấm dứt việc sử dụng cái gọi là hành động khẳng định (affirmative action) trong giáo dục đại học – đây là một mục tiêu lâu năm của những người theo truyền thống.
Phán quyết này sẽ có hiệu lực ngay lập tức khi hàng triệu học sinh trung học bắt đầu nộp đơn xin nhập học vào mùa thu tại các trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc. Theo báo cáo, học sinh có thể không cần nêu rõ chủng tộc hoặc dân tộc của mình trong Common App – ứng dụng mà nhiều người sử dụng để nộp đơn vào nhiều trường cùng một lúc.
Chánh án John Roberts đã viết rằng trong một thời gian dài, các trường đại học đã “kết luận một cách sai lầm rằng tiêu chuẩn đánh giá danh tính của một cá nhân không phải là những thử thách họ đã vượt qua, năng lực chuyên môn đã đạt được, hay những bài học kinh nghiệm mà là màu da của họ. Lịch sử Hiến Pháp của chúng ta không chấp nhận sự lựa chọn đó.”
Nhưng trong phần chú thích cuối trang, ông Roberts đã đưa ra một ngoại lệ cho các học viện quân sự. Bởi vì các học viện quân sự không tham gia vào vụ kiện này và “không có tòa án cấp dưới nào giải quyết sự hợp lý của hệ thống tuyển sinh dựa trên chủng tộc trong bối cảnh đó,” phán quyết mới chỉ áp dụng cho các tổ chức giáo dục đại học dân sự, ông viết. Ngoại lệ này dường như gợi ý rằng trong tương lai Pháp viện có thể xem xét việc sử dụng hành động khẳng định trong việc tuyển sinh vào các học viện quân sự.
Thẩm phán Sonia Sotomayor đã viết một bản ý kiến bất đồng.
Bà nói rằng phán quyết mới này “đẩy lùi hàng thập niên tiến bộ đáng kể trước đó.”
“Có thể khẳng định rằng chủng tộc không còn được sử dụng một cách giới hạn trong tuyển sinh đại học để đạt được những lợi ích quan trọng như vậy,” bà viết.
Trong vụ kiện này, hai kháng cáo riêng biệt đã được xét xử chung vào ngày 31/10/2022: Tổ chức Tuyển sinh Công bằng cho Sinh viên (SFFA) kiện Chủ tịch và các thành viên của Đại học Harvard, hồ sơ tòa án 20-1199, và SFFA kiện Đại học North Carolina. (UNC), hồ sơ tòa án 21-707.
Ông Roberts đã viết bản ý kiến đa số trong vụ kiện UNC, với sự đồng thuận của các Thẩm phán Clarence Thomas, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, Samuel Alito, và Amy Coney Barrett. Ba thẩm phán thiên tả của tòa án – bà Sonia Sotomayor, bà Elena Kagan, và bà Ketanji Brown Jackson – đã không đồng thuận với bản ý kiến này. Kết quả cuộc bỏ phiếu là 6 phiếu thuận–3 phiếu chống.
Các ý kiến của các thẩm phán trong vụ Harvard đều giống nhau, ngoại trừ việc bà Jackson không tham gia vào phán quyết sau khi tự rút lui vì bà có quan hệ thân thiết với Harvard. Bà Kagan đã không tự rút lui [cáo tỵ] mặc dù bà từng là hiệu trưởng của Trường Luật Harvard từ năm 2003 đến 2009. Kết quả bỏ phiếu trong vụ kiện này là 6 phiếu thuận–2 phiếu chống.
Được xem là nhóm theo phái bảo tồn truyền thống, SFFA tự gọi mình là “nhóm thành viên bất vụ lợi gồm hơn 20,000 sinh viên, các bậc cha mẹ, và những người khác, những người tin rằng phân loại theo chủng tộc và ưu tiên trong tuyển sinh đại học là không công bằng, không cần thiết, và vi hiến.”
Harvard và UNC lần lượt là trường đại học tư thục lâu đời nhất và trường đại học công lập lâu đời nhất ở Hoa Kỳ.
Trong vụ kiện của Harvard, Thẩm phán Địa hạt Liên bang Allison Dale Burroughs trước đó đã kết luận sau một phiên tòa kéo dài 15 ngày không có bồi thẩm đoàn, rằng chính sách tuyển sinh của trường bị cho là phân biệt đối xử với các ứng viên người Mỹ gốc Á châu không được thúc đẩy bởi “hận thù chủng tộc… hoặc phân biệt đối xử có chủ ý” và được “thiết lập một cách tỉ mỉ để đạt được sự đa dạng và những lợi ích học thuật bắt nguồn từ sự đa dạng.” Tòa phúc thẩm Khu vực 2 của Hoa Kỳ giữ nguyên quyết định của tòa án cấp dưới, phán quyết SFFA thua kiện.
Trong vụ kiện UNC, Thẩm phán Địa hạt Liên bang Loretta Copeland Biggs, cũng là người được ông Obama chỉ định, trước đó đã tổ chức phiên tòa kéo dài 8 ngày không có bồi thẩm đoàn để xác định xem UNC có tuân thủ tiền lệ hiện hay không.
Tòa án này đã chấp thuận chính sách tuyển sinh của trường vì chính sách này sử dụng chủng tộc “một cách linh hoạt như một yếu tố ‘cộng thêm’” và chỉ là “một trong nhiều yếu tố”. Tòa án nhận thấy UNC không có giải pháp thay thế trung lập khả thi nào về chủng tộc để giúp UNC “đạt được lợi ích giáo dục về sự đa dạng cũng như các chính sách và thông lệ có ý thức về chủng tộc hiện tại của mình.”
Tòa án trên tuyên bố rằng việc ưu tiên tuyển sinh dựa trên tình trạng kinh tế xã hội thay vì chủng tộc sẽ không hiệu quả vì “phần lớn sinh viên có thu nhập thấp là người da trắng,” vì vậy các trường sẽ chỉ “chọn nhiều sinh viên da trắng hơn.” Chủng tộc nên được UNC sử dụng vô thời hạn vì điều đó “đan xen trong mọi khía cạnh của cuộc sống.” Đến một ngày nào đó khi Hoa Kỳ giải quyết được “vấn đề bất bình đẳng chủng tộc”, thì các sinh viên thiểu số vẫn sẽ tiếp tục “ít được nhận vào học với số lượng đáng kể nếu áp dụng tiêu chuẩn [tuyển sinh không xét về chủng tộc].”
SFFA đã nhanh chóng kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Khu vực số 4 của Hoa Kỳ, nhưng trước khi tòa án đó có thể ra phán quyết về vụ kiện, họ cũng đã yêu cầu Tối cao Pháp viện xem xét lại và điều này đã được chấp thuận.
Trong bản ý kiến của đa số, ông Roberts đã viết rằng các chương trình tuyển sinh của Harvard và UNC “không thể dung hòa với những bảo đảm của Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng.”
“Cả hai chương trình này đều thiếu các mục tiêu đủ tập trung và có thể đo lường được để biện minh cho việc sử dụng chủng tộc, không tránh được việc sử dụng chủng tộc theo cách tiêu cực, liên quan đến định kiến chủng tộc, và thiếu các kết quả có ý nghĩa. Chúng tôi chưa bao giờ cho phép các chương trình tuyển sinh hoạt động theo cách đó, và chúng tôi sẽ không cho phép làm như vậy ngày nay.”
Bản ý kiến của Pháp viện cho biết, mặc dù chủng tộc không thể được sử dụng như một yếu tố trong các quyết định tuyển sinh, nhưng điều này không có nghĩa là các ứng viên đại học phải kiềm chế trong quá trình thảo luận về chủng tộc.
Ông Roberts viết rằng, “Theo bản ý kiến này, không có điều gì nên được hiểu là cấm các trường đại học xem xét cuộc thảo luận của một ứng viên về việc chủng tộc ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào, có thể là do phân biệt đối xử, cảm nghĩ, hay cách khác.”
“Ví dụ, quyền lợi cho một sinh viên đã vượt qua sự phân biệt chủng tộc phải gắn liền với lòng can đảm và quyết tâm của sinh viên đó. Hoặc quyền lợi cho một sinh viên mà di sản hoặc văn hóa đã thúc đẩy họ đảm nhận vai trò lãnh đạo hoặc đạt được một mục tiêu cụ thể phải gắn liền với khả năng đóng góp đặc biệt của sinh viên đó cho trường đại học,” ông viết.
“Nói cách khác, sinh viên nên được đối xử dựa trên kinh nghiệm của họ với tư cách là một cá nhân, chứ không phải dựa trên chủng tộc của họ.”
Thẩm phán Jackson đã viết một bản ý kiến bất đồng riêng biệt dài 29 trang trong vụ UNC rằng ý kiến của khối đa số “thực sự là một bi kịch đối với tất cả chúng ta.”
“Không để tâm đến việc họ-sẽ-chiếm-hết-ghế-sinh-viên, hôm nay, khối đa số trong tòa án đã đột ngột thay đổi và tuyên bố ‘tất cả đều bình đẳng không phân biệt chủng tộc’ trên mặt pháp lý. Nhưng việc xem mọi chủng tộc như nhau trên pháp lý không khiến thực tế đời sống cũng như vậy,” bà Jackson viết. Bà Sotomayor và bà Kagan cũng đồng ý với bản ý kiến bất đồng quan điểm này của bà Jackson.