Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ không phải là nơi của Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ
Armstrong Williams
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã được các thành viên khác nhau như Chánh án phái bảo tồn truyền thống William Rehnquist và Thẩm phán phái tự do Ruth Bader Ginsburg ca ngợi là “viên ngọc quý” của Hiến Pháp với quyền lực xét xử tư pháp.
Tối cao Pháp viện nên được tôn kính không phải vì sự ngẫu nhiên về nhân cách hay sự thuyết phục về hệ tư tưởng, mà vì vai trò thể chế quan trọng của tòa án này trong hệ thống phân quyền của Hiến Pháp, trong việc ngăn sự lạm quyền của chính phủ và tôn vinh tự do như là một điều vẻ vang của Hoa Kỳ.
Ông James Madison, người khai sinh ra Hiến Pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền, đã giải thích, “Các tòa án tư pháp độc lập sẽ tự coi mình là những người bảo vệ đặc biệt cho các quyền đó; họ sẽ là một thành lũy bất khả xâm phạm trước mọi vị trí quyền lực trong các cơ quan lập pháp hoặc hành pháp; theo lẽ tự nhiên, họ sẽ được dẫn dắt để chống lại mọi hành vi xâm phạm các quyền được quy định rõ ràng trong Hiến Pháp qua tuyên ngôn nhân quyền.”
Không giống như Quốc hội hay Tòa Bạch Ốc, các thẩm phán được bổ nhiệm chứ không phải được bầu chọn dựa trên những lời hứa hẹn mang tính cơ hội trong chiến dịch vận động được thúc đẩy bởi những khoản đóng góp hào phóng cho chiến dịch tranh cử. Các thẩm phán sẽ phục vụ suốt đời. Họ bước vào Tối cao Pháp viện mà không có bất kỳ lời cam kết tranh cử nào.
Giới truyền thông gây hại cho công chúng và Tối cao Pháp viện bằng cách tạo ra ấn tượng rằng những xung đột ý thức hệ đưa đến các kết quả quyết định cho các vụ án: Đảng Cộng Hòa đối đầu với Đảng Dân Chủ, và thỉnh thoảng sẽ có một thẩm phán trung lập. Nói cách khác, Tối cao Pháp viện vẫn là nền chính trị phân cực cũ dưới một tên gọi khác.
Nhưng hình ảnh đó là sai sự thật.
Tất cả các thẩm phán đều đưa ra những biểu quyết một cách chân thành ngay cả khi họ không đồng ý. Đó là bởi vì vốn dĩ luật hiến pháp [như một bức tranh] thiên về phối hợp màu sáng tối nhiều hơn là các màu cơ bản. Hiến Pháp không được viết chi tiết như Bộ luật Thuế vụ. Như một câu nổi tiếng của Thẩm phán Oliver Wendell Holmes trong cuốn “Thông Luật”: “Đời sống của luật pháp không hề logic: đó là kinh nghiệm. Những điều cần thiết có thể được cảm nhận của thời đại, các lý thuyết chính trị và đạo đức phổ biến, hiểu biết theo trực giác về chính sách công cộng, dù được thừa nhận hay nằm trong vô thức, thậm chí cả những định kiến mà các thẩm phán có chung với đồng sự của mình, đã đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều so với tam đoạn luận trong việc xác định các quy tắc mà theo đó con người nên được quản trị.”
Hơn nữa, các quy tắc được chấp nhận trong việc giải thích Hiến Pháp hoặc luật định thường xung đột với nhau. Ví dụ, một số tiền lệ của Tối cao Pháp viện chủ yêu ưu tiên văn bản [luật định]. Ngược lại, những tiền lệ khác thì xem chính sách hoặc mục đích của luật là điều mang tính quyết định. Do đó, Pháp viện đã viết trong vụ Nhà thờ Chúa Ba ngôi kiện Hoa Kỳ (năm 1892) (trích trong vụ Steelworkers kiện Weber (năm 1979)) rằng, “[Một] điều có thể nằm trong nội dung văn bản của đạo luật nhưng lại không nằm trong đạo luật đó, bởi vì điều này không nằm trong tinh thần của đạo luật, cũng không nằm trong ý định của những người tạo ra đạo luật.”
Tối cao Pháp viện cũng không bằng lòng lật lại một tiền lệ có nguyên tắc không nhất quán với các phán quyết sau này. Nguyên tắc stare decisis (tiền lệ phải được tôn trọng) và khả năng dự đoán của luật ủng hộ cho việc để cho sự không nhất quán này tồn tại.
Hãy đọc kỹ các vụ án mà [các thẩm phán trong] Tối cao Pháp viện có mâu thuẫn gay gắt. (Chúng chiếm thiểu số trong danh mục các vụ án của Pháp viện). Quý vị sẽ ngạc nhiên trước sức thuyết phục của các ý kiến đa số, sự đồng thuận, và sự bất đồng quan điểm. Họ đều viện dẫn các quy tắc giải thích và tiền lệ có từ lâu đời để ủng hộ cho quan điểm của mình. Không có ý kiến nào nằm ngoài chuẩn mực chung của Hiến Pháp.
Hãy xem xét vụ án gần đây liên quan đến Tu chính án thứ Hai trong vụ Hoa Kỳ kiện Rahimi. Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết với tỷ lệ 8 thuận – 1 chống rằng Tu chính án này không bảo vệ một cá nhân vốn đã được xác đinh sau một phiên tòa là gây ra mối đe dọa rõ ràng đối với sự an toàn của người khác. Ý kiến bất đồng trong vụ án này đã đưa ra kết luận ngược lại, cũng dựa trên các tiêu chuẩn giải thích Hiến Pháp như vậy, trong đó có nguyên văn Hiến Pháp và lịch sử.
Mặc dù có những khác biệt về nền tảng và các lý thuyết giải thích Hiến Pháp lâu đời, nhưng giữa các thẩm phán vẫn có mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp không ngờ. Không ai đặt nghi vấn về sự chân thành trong tư tưởng của người khác. Họ không tụ tập thành các khu riêng biệt. Những thẩm phán đối lập về tư tưởng như Antonin Scalia và Ruth Bader Ginsburg nổi tiếng vẫn là bạn thân với nhau mặc dù họ có nhiều ý kiến trái ngược. Rất may là chúng ta đã vượt qua những ngày mà Thẩm phán James McReynolds từ chối nói chuyện với Thẩm phán Louis D. Brandeis vì ông Brandeis là người Do Thái.
Tối cao Pháp viện là nhánh ít nguy hiểm nhất vì họ không nắm trong tay quyền kiểm soát tài chính hay quân sự. Chừng nào Tối cao Pháp viện vẫn chân thành trong các phán quyết của mình thì họ vẫn sẽ nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của công chúng. Những mối bất đồng giữa các thẩm phán không xuất phát từ động cơ chính trị thầm kín mà vì việc giải thích Hiến Pháp là một nghệ thuật chứ không phải một môn khoa học.
Do đó, Thẩm phán Learned Hand đã nhận định rằng:
“Tôi mạo muội tin rằng, điều quan trọng đối với một thẩm phán được yêu cầu giải quyết một vấn đề về luật Hiến pháp là chí ít phải quen thuộc phần nào với Acton và Maitland, với Thucydides, Gibbon và Carlyle, với Homer, Dante, Shakespeare và Milton, với Machiavelli, Montaigne và Rabelais, với Plato, Bacon, Hume và Kant, cũng như những cuốn sách được viết riêng về chủ đề này.”
Sự khác biệt về quan điểm giữa các thẩm phán không phải là sự khác biệt về các nguyên tắc Hiến Pháp. Bản thân Pháp viện nên được tôn vinh như một trong những thành tựu vĩ đại nhất trong nghệ thuật trị vì quốc gia.
Ông Armstrong Williams là một nhà bình luận chính trị, tác giả, doanh nhân và là nhà sáng lập Howard Stirk Holdings.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.