Tôi đồng hành cùng Israel và phản đối thuyết chủng tộc trọng yếu
Năm 1867, nhà văn người Mỹ Mark Twain đã đến thăm vùng Đất Thánh. Ông đã ghi chép lại những ấn tượng của ông trong một cuốn sách có tựa đề “The Innocents Abroad.” (Tạm dịch: “Những Anh Chàng Ngây Thơ Ra Ngoại Quốc”).
Ông Mark Twain kinh hoàng khi thấy vùng đất hoang vắng và tiêu điều này lại chính là quê hương của Kinh Thánh.
Ông viết: “Chúng tôi càng đi, mặt trời càng gay gắt, và cảnh vật càng trở nên trơ trọi, và buồn tẻ. Gần như chẳng xuất hiện một nhánh cây hay bụi rậm nào cả. Kể cả cây ô liu hay xương rồng, những người bạn vốn sinh sôi nhanh chóng trên một mảnh đất khô cằn, cũng đã bỏ sa mạc này mà đi.”
Khoảng 15 năm sau, người Do Thái bắt đầu phong trào hồi hương và khôi phục quê hương cổ xưa của họ.
Họ bắt đầu xây dựng lại trong những điều kiện khủng khiếp và đầy thử thách.
Đến tháng 11/1947, khi người Do Thái tiếp tục quá trình xây dựng và người Ả Rập tiếp tục hành trình căm ghét của họ, thì Liên Hiệp Quốc đã bật đèn xanh cho việc thành lập một nhà nước Do Thái và một quốc gia Ả Rập ngay bên cạnh.
Người Do Thái chấp nhận sự phân chia khu vực của Liên Hiệp Quốc, tuyên bố nhà nước Israel mới vào tháng 05/1948, nhưng người Ả Rập đã bác bỏ kế hoạch trên và tấn công nhà nước Do Thái mới được tuyên bố này. Người Israel đã chiến đấu và chiến thắng một cách thần kỳ trong Chiến tranh giành độc lập, và công trình xây dựng lại quê hương cổ xưa tiếp tục được tiến hành. Bây giờ nước này là một thành viên chính thức được công nhận của cộng đồng các quốc gia.
So với sự hoang tàn mà ông Mark Twain mô tả, Israel ngày nay là một phép màu hiện đại. Theo Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao hơn Anh Quốc, Pháp, Ý, và Tây Ban Nha. Tính đến năm 2019, Israel có GDP bình quân đầu người là 43,589 USD.
Theo dữ liệu của Statista, Israel có mức đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người cao nhất trên thế giới.
Trong suốt lịch sử ngắn ngủi, từ khi thành lập năm 1948 với dân số 806,000 người cho đến ngày nay, với dân số 9,291,000 người – nhiều hơn một chút so với dân số của Thành phố New York – Israel đã sản sinh ra 12 người đoạt giải Nobel.
Tất cả điều này được tạo ra trong khi [họ phải] chiến đấu với ba cuộc chiến tranh lớn và đối phó với nạn khủng bố vô tận.
Theo tổ chức Freedom House ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Israel là một trong những quốc gia tự do nhất trên thế giới theo cách đo lường về các quyền chính trị và dân sự.
Bình luận từ các phương tiện truyền thông tả và thiên tả của Hoa Kỳ nói rằng người Israel đàn áp người Palestine trong những điều kiện khủng khiếp, và những người Palestine này không có lựa chọn nào khác ngoài việc bùng nổ theo chu kỳ bằng bạo lực như chúng ta đang thấy, với hỏa tiễn được phóng từ Gaza vào các trung tâm dân cư của Israel.
Người Palestine ở Gaza sống trong những điều kiện tồi tệ, nhưng không phải vì người Israel buộc họ phải như vậy. Họ đã chọn như vậy.
Israel đã đơn phương rút khỏi Gaza vào năm 2005 và để nó hoàn toàn thuộc chủ quyền của người Palestine.
Người Palestine đã có thể bắt đầu xây dựng, đặt nền móng cho nền tự do chính trị và kinh tế, cho phép họ có thể tạo ra phép màu như người Israel.
Nhưng thay vào đó, họ giao trách nhiệm cho những kẻ khủng bố Hamas, những kẻ bắt đầu bắn hỏa tiễn vào Israel.
Trong một thế giới khó khăn và không hoàn hảo, việc căm ghét và đổ lỗi lại dễ dàng hơn nhiều so với việc nhận trách nhiệm cá nhân để tạo dựng.
Chúng ta cũng thấy điều tương tự ở Hoa Kỳ.
Chúng ta có Black Lives Matter và một cánh tả chính trị ủng hộ thuyết sắc tộc trọng yếu (Critical Race Theory, CRT), thuyết này đặt nền móng cho sự xuyên tạc và dối trá rằng lịch sử Hoa Kỳ là về một giai cấp da trắng áp bức thống trị, chứ không phải là một cuộc chiến đấu không ngừng để tất cả chúng ta có thể nhận lãnh trách nhiệm cá nhân để vươn lên trong tự do.
Tệ hơn nữa, những người chọn hùa theo lời xảo ngôn trắng trợn rằng cuộc sống của họ là về những gì người khác làm, thay vì những gì bản thân họ chọn, được trả công cho hành xử về chính trị hoặc trong các vụ kiện cáo vì những bi kịch không thể tránh khỏi xuất hiện từ nền văn hóa thiếu trách nhiệm này.
Tương tự như vậy, những kẻ khủng bố Palestine được trả công bởi các quốc gia tài trợ khủng bố như Iran, và bởi viện trợ ngoại quốc khổng lồ của các quốc gia phương Tây lẫn lộn và do phe cánh tả thống trị.
Việc chu cấp cho sự đổ thừa và vô trách nhiệm tạo ra tình trạng nghèo khó.
Một nền văn hóa lao động chăm chỉ, có trách nhiệm cá nhân, cho dù thế giới thường mờ mịt và dường như thường bất công, phi lý, sẽ tạo ra những điều kỳ diệu như nhà nước Israel hiện đại.
Tác giả Star Parker là sáng lập viên và là chủ tịch của Trung tâm Đổi mới Đô thị và Giáo dục (CURE), đồng thời là người dẫn chương trình trò chuyện tin tức mới hàng tuần “Cure America with Star Parker.”
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.