Tổng thống Đông Timor chỉ trích lãnh đạo Quần đảo Solomon về thỏa thuận với Bắc Kinh
HENRY JOM
Tổng thống Đông Timor Jose Ramos-Horta đã chỉ trích Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon về thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh của ông, đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo “nghiêm túc” ở Thái Bình Dương phải “nghĩ đến cảm nhận” của các quốc gia lân bang.
Ông Ramos-Horta, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình và là tổng thống của Đông Timor, cho biết tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia hôm 07/09: “Đừng rước vào những thế lực bên ngoài lãnh thổ, khu vực, lợi ích mà có thể không được các nước lân bang của chúng ta hoan nghênh.”
Ông nói: “Bất kỳ nhà lãnh đạo Đông Timor lý trí nào cũng sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì mà không tính đến cảm nhân nhạy bén của những người hàng xóm [của họ]. Vì vậy, đó sẽ là thông điệp hướng tới các anh chị em của tôi ở các đảo trong vùng Thái Bình Dương.”
Bình luận của ông Ramos-Horta được đưa ra một ngày sau khi ông Sogavare chê trách Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong vì đã đề nghị tài trợ cho cuộc bầu cử của đất nước ông; ông Sogavare gọi lời đề nghị này là “sự can thiệp của ngoại quốc” và là một “cuộc công kích” vào nền dân chủ của quần đảo Solomon.
Ông nói: “Thời điểm chính phủ Úc công bố trên phương tiện truyền thông đại chúng thực chất là một chiến lược gây ảnh hưởng đến cách các thành viên Quốc hội bỏ phiếu về Dự luật này.”
Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong đã bảo vệ hành động của chính phủ của bà khi bị thúc ép tại Thượng viện, nói rằng lời đề nghị hỗ trợ đó là mang tính tôn trọng chủ quyền của quốc đảo này.
Bà nói: “Việc ủng hộ cho một cuộc bầu cử, được tổ chức khi chính phủ và quốc hội Quần đảo Solomon xác định thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đó, là một lời đề nghị tôn trọng chủ quyền của Quần đảo Solomon.”
“Đó là thông lệ lâu đời của các chính phủ về cả việc thuyết phục chính trị để cung cấp hỗ trợ cho các quy trình dân chủ ở Quần đảo Solomon.”
Tuy nhiên, ông Sogavare cho biết ông sẽ chấp nhận lời đề nghị của Úc, mặc dù những lời chỉ trích của ông về Úc được xem là để đánh lạc hướng các vấn đề nội bộ của đất nước này, The Examiner đưa tin.
Trong khi đó, quyết định can dự của các lực lượng Úc, New Zealand, và Fiji được một số chuyên gia xem là nhằm giảm bớt áp lực lên ông Sogavare và tạo cho ông một khoảng thời gian để xoa dịu Nội các của mình và làm sâu sắc hơn mối liên hệ với Bắc Kinh.
Ông Sogavare dự kiến sẽ có một chuyến thăm chính thức đến Úc vào tháng Mười.
Nỗi sợ hãi mới về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh
Những lời chỉ trích của ông Ramos-Horta đối với ông Sogavare có liên quan đến thỏa thuận an ninh đã được ký kết hồi tháng Tư giữa Quần đảo Solomon và Bắc Kinh.
Thỏa thuận này sẽ cho phép quân đội, vũ khí, và tàu hải quân của Trung Cộng đóng tại Solomon – nằm gần Úc, New Zealand, và lãnh thổ Guam của Hoa Kỳ.
Hơn nữa, việc từ chối cho phép tuần tra hạm Anh HMS Spey và tuần duyên hạm Hoa Kỳ Oliver Henry cập cảng gần đây đã làm dấy lên mối nghi ngờ hơn nữa về sự xâm lấn của Bắc Kinh. Hành động này đã được chuyên gia Nam Thái Bình Dương Cleo Paskal mô tả là chiêu trò quyền lực mới nhất của ông Sogavare.
Mặc dù vậy, ông Ramos-Horta trước đây đã nói rằng đất nước của ông sẽ “xem xét quan hệ đối tác với các nhà đầu tư Trung Quốc” nếu chính phủ Úc từ chối xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Biển Timor trong mỏ khí đốt Greater Sunrise tới bờ biển phía nam của đất nước này.
Ông Ramos-Horta kể từ đó đã tìm cách rút lại tuyên bố này, nói rằng trước tiên ông có thể sẽ tìm kiếm nguồn tài trợ từ Indonesia và hướng tới Nam Hàn và Nhật Bản.
Hôm 03/06, Đông Timor đã ký một loạt thỏa thuận với Bắc Kinh trong các lĩnh vực kinh tế, nâng cao năng lực, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, y tế, và truyền thông. Tuy nhiên, ông Ramos-Horta đã gạt bỏ một hiệp ước an ninh với chế độ cộng sản cầm quyền của Trung Quốc.
Ông Ramos-Horta hiện đang ở Úc trong một chuyến thăm chính thức kéo dài năm ngày khi ông thảo luận với các nhà lãnh đạo về sự phát triển kinh tế của đất nước ông cũng như sự ổn định của khu vực.