Tổng thống mới của Argentina muốn bãi bỏ ngân hàng trung ương – liệu có thể?
Andrew Moran
Tổng thống đắc cử của Argentina Javier Milei đã đề ra một nghị trình đầy tham vọng giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới đây, bao gồm cam kết bãi bỏ ngân hàng trung ương và chuyển sang sử dụng đồng dollar Mỹ.
Bất chấp những suy đoán về khả năng thay đổi theo hướng hoạch định chính sách ôn hòa hơn vào trước lễ nhậm chức, ông Milei vẫn nhắc lại quyết tâm đóng cửa ngân hàng trung ương, gọi đó là việc “không thể thương lượng”.
Với việc Argentina hiện đang chuẩn bị cho khả năng trở thành một quốc gia không có ngân hàng trung ương và chuyển từ đồng peso sang đồng USD, nhiều nhà kinh tế đang thảo luận về việc liệu đây có phải là những biện pháp thành công để vực dậy nền kinh tế này hay không.
Ông Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại Tressis, một công ty đầu tư có trụ sở tại Madrid, cho biết: “Mục tiêu vực dậy kinh tế là hoàn toàn khả thi.”
Thoạt nhìn, việc giải tán ngân hàng trung ương và từ bỏ một loại tiền tệ có vẻ là một hành động theo đuổi chính sách công không chính thống. Tuy nhiên, ông Lacalle nói với The Epoch Times rằng công chúng vốn dĩ đã đang chuẩn bị cho sự thay đổi này rồi vì các gia đình đã khước từ đồng peso.
“Trước tiên, chúng ta cần hiểu rằng đồng peso của Argentina là một thất bại. Đó là loại tiền tệ mà người dân Argentina không chấp nhận,” ông nói và cho biết thêm rằng người dân tiết kiệm, sản xuất, và thực hiện các giao dịch quan trọng bằng đồng USD.
Mặc dù vị tổng thống đắc cử này không nhận được đủ sự ủng hộ từ các thành viên Quốc hội hoặc các thống đốc tỉnh, nhưng nhà kinh tế học Peter St. Onge đến từ Quỹ Di Sản (Heritage Foundation) nói rằng dollar hóa đã trở thành một “khái niệm tương đối phổ biến”.
“Nếu họ cũng có thể chuyển sang đồng USD, thì tôi nghĩ mọi chuyện sẽ không tệ đến thế,” ông nói với The Epoch Times. “Quý vị có thể sẽ thấy một kết quả ít nhiều giống như Ecuador đã đạt được, hoặc có thể là El Salvador, nơi cũng có một tổng thống thích hợp theo chủ nghĩa dân túy vào thời điểm này. Vì vậy, đây chắc chắn có thể là một sự cải thiện to lớn đối với người dân Argentina.”
Dollar hóa từng xảy ra trước đây
Năm 1999, trước khi sử dụng đồng euro, Montenegro đã tham gia vào quá trình dollar hóa. Hồi tháng 01/2000, Ecuador trở thành một nền kinh tế sử dụng đồng USD. Năm 2001, đồng USD trở thành đồng tiền hợp pháp ở El Salvador. Hai mươi năm sau, quốc gia này cũng chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán hợp pháp. Sau khi đối mặt với siêu lạm phát, Zimbabwe đã biến đồng bạc xanh thành tiền tệ chính của quốc gia Châu Phi này – mặc dù chính phủ gần đây đã thông báo rằng họ có kế hoạch ngừng áp dụng đồng USD vào năm 2025.
Nhưng còn các ngân hàng trung ương thì sao? Việc bãi bỏ các ngân hàng trung ương không phải là điều phổ biến trong trật tự thế giới hậu [hiệp ước] Bretton Woods. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển, ngoại trừ các quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh, đã không có ngân hàng trung ương cho đến những năm 1950 và 1960.
Những nước nào không có ngân hàng trung ương thì có một môi trường dịch vụ ngân hàng tự do. Các ngân hàng thương mại được chính phủ cấp đặc quyền độc quyền trong việc phát hành trái phiếu. Ở các quốc gia khác, đã có những tổ chức tiền tệ do chính phủ giám sát. Các nhà kinh tế cho rằng những loại hệ thống tiền tệ ở những nơi quyền lực của chính phủ bị hạn chế như vậy đã tạo ra kết quả tốt, chủ yếu dưới dạng lạm phát thấp. Hơn nữa, khả năng tiếp cận hoạt động in tiền của các chính trị gia bị hạn chế do khu vực tư nhân kiểm soát tiền trong việc lưu thông hoặc có các quy định nghiêm ngặt xung quanh việc quản lý chính sách tiền tệ.
Một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi về việc Argentina sẽ tham gia vào cộng đồng quốc tế như thế nào vì các ngân hàng trung ương khác sẽ không còn đối tác để đối thoại trong tương lai.
Ông Lacalle lưu ý, đây không phải là vấn đề vì các quốc gia trên toàn thế giới đã tạo ra và duy trì một “hành lang dollar hóa”, do đó, việc tạo ra thanh khoản từ các nguồn bên trong và bên ngoài sẽ là một nỗ lực đơn giản. Ông nói thêm, những nỗ lực về chính sách tiền tệ của ông Milei xoay quanh việc ổn định và hạn chế “sự hoang phí trong chi tiêu của chính phủ”.
Ông St. Onge cũng có đồng quan điểm. Ông giải thích rằng một khi các quốc gia dùng đồng USD, thì họ không cần phần cơ sở hạ tầng [tiền tệ] còn lại.
“Đối với nhiều mối liên hệ hiện tại giữa các ngân hàng trung ương, họ ít nhiều đang cố gắng chống lưng cho nhau,” ông nói. “Có một hệ thống gần như là một liên minh độc quyền [cartel: tình trạng các tổ chức/doanh nghiệp liên kết với nhau để kiểm soát thị trường, cùng nhau ấn định giá và sản lượng đưa ra thị trường] giữa các ngân hàng trung ương trên thế giới.”
Dollar hóa vào năm 2024
Đã có một số lo ngại về tốc độ thực hiện các cải tổ của chính phủ ông Milei.
Ông Nicolás Cachanosky – đồng tác giả của bài báo “Dollarization: A Solution for Argentina” (Dollar Hóa: Giải Pháp Cho Argentina) – cho biết, bất chấp kỳ vọng về một quá trình được tăng tốc, đây có thể là chiến dịch kéo dài vì chính phủ sẽ cần dollar hóa tiền gửi ngân hàng, tiền tệ đang lưu hành, và các khoản nợ của ngân hàng trung ương. Nhưng sáng kiến này bắt đầu càng sớm thì càng tốt cho nền kinh tế và triển vọng tăng trưởng. Ông cho rằng dollar hóa có thể đạt được vào năm 2024 mà không làm hạn chế tăng trưởng.
Ông Cachanosky tin rằng dollar hóa đóng vai trò như một phương pháp khắc phục nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng do lạm phát, đồng thời nói thêm rằng Argentina có thể phải đối mặt với chi phí cao nếu để xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ. Ông đã cảnh báo rằng không bảo đảm là việc dollar hóa sẽ ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ, dẫn đến những cải tổ tài khóa toàn diện, hoặc dẫn đến việc điều hành hiệu quả. Nhưng dollar hóa có thể giải quyết được vấn đề lạm phát.
Ông nói với Bloomberg Línea: “Dollar hóa có tác dụng tốt như nhau đối với cả các chính phủ có năng lực và các chính phủ kém hiệu quả, đó chính xác là những gì Argentina cần ngày nay.”
Trong khi đó, mới đây khi viết cho Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIE), ông Cachanosky nói rằng việc dollar hóa đối với Argentina là “chưa bao giờ đáng giá” như hiện nay. Ông Cachanosky viết: “Việc dollar hóa một cách chính thức sẽ hợp thức hóa quá trình dollar hóa không chính thức vốn dĩ đang diễn ra.”
Đối với những người chỉ trích dollar hóa, họ nên lo lắng hơn về các đề nghị khác nhằm vực dậy đồng peso – những nỗ lực “có thể đòi hỏi sẽ phải tốn kém hơn nhiều so với dollar hóa.”
Ông Cachanosky nói thêm: “Nếu Argentina thiếu nguồn lực để dollar hóa, thì chắc chắn quốc gia này không có đủ phương tiện để giải cứu đồng peso.”
Chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Milei có thể chứng tỏ một thời điểm quan trọng trong những ngày đầu lãnh đạo của chính trị gia theo chủ nghĩa tự do này. Tổng thống đắc cử dự kiến sẽ gặp các quan chức của chính phủ Hoa Kỳ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và Ngân hàng Thế giới trong chuyến đi như vũ bão bắt đầu ngày 26/11. Với hàng chục tỷ USD sắp đáo hạn, ông Milei và nhóm của ông có thể cần phải đàm phán các thỏa thuận mới.
Argentina là quốc gia mắc nợ IMF nhiều nhất, khoảng 46 tỷ USD.
Thử thách thực sự
Ông St. Onge nói với The Epoch Times: “Lý do quan trọng khiến ông ấy đắc cử là lạm phát phi mã.”
Nhưng một trở ngại có thể là thách thức đối với ông Milei để vượt qua là chi tiêu của chính phủ, mặc dù đây là động lực gây ra lạm phát.
Ông lưu ý rằng ở Argentina, 30% dân số làm việc cho chính phủ, và 30% khác là những người nhận phúc lợi, do đó, công chúng có thể khó nhận ra mối liên hệ giữa lạm phát và chi tiêu.
“Không nhóm nào trong số đó muốn cắt giảm chi tiêu của chính phủ, vốn là nguyên nhân gây ra lạm phát ngay từ đầu,” ông St. Onge giải thích. “Điều đáng kinh ngạc là ông ấy đã giành chiến thắng với 60% dân số, những người rõ ràng được khuyến khích để giữ cho hệ thống hoạt động, và ông ấy đã thực sự giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử.”
Ông Milei chuẩn bị nhậm chức tổng thống Argentina hôm 10/12, kế nhiệm ông Alberto Fernandez. Những người chỉ trích ông mô tả kế hoạch của ông là một tầm nhìn kinh tế cực đoan có thể xung đột với thực tế chính trị phức tạp của Argentina.
Theo báo cáo gần đây của Fitch Ratings, ông Milei sẽ nhậm chức trong bối cảnh “khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng”.
Báo cáo cho biết: “Vẫn chưa có các kế hoạch chính sách chi tiết, nhưng do tình hình kinh tế vĩ mô ban đầu vốn đã ở trong tình thế cấp bách và những thách thức về khả năng quản lý, chúng tôi cho rằng một loại sự kiện vỡ nợ nào đó có thể xảy ra trong những năm tới, như được phản ánh trong xếp hạng nợ quốc gia bậc ‘CC’ của chúng tôi.”
Gặp phải rào cản?
Văn phòng của ông Milei xác nhận rằng ông sẽ thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình là đóng cửa ngân hàng trung ương, đồng thời nêu rõ đây là một “vấn đề không thể thương lượng”. Tuyên bố ngày 24/11 được đăng lên X đã đáp lại “những tin đồn thất thiệt” rằng nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do này đang thành lập một Nội các ôn hòa hơn so với dự tính ban đầu.
Hôm 24/11, Bloomberg đã giáng một đòn mạnh vào nỗ lực cải tổ của ông Milei sau khi đưa tin rằng “dường như các đề nghị tranh cử táo bạo nhất của ông… ít nhất hiện đã bị trì hoãn trong bối cảnh thay đổi nhân sự.” Các nhà phân tích cho rằng ông có thể chuyển sang hoạch định chính sách ôn hòa hơn trước lễ nhậm chức. Ông Carlos Rodriguez, cố vấn cứng rắn trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Milei, đã xác nhận trên mạng xã hội rằng ông đang thoái lui. Ông Emilio Ocampo, người ủng hộ đồng USD, không còn được kỳ vọng là sẽ trở thành người đứng đầu ngân hàng trung ương sau khi ông Milei được xác nhận nhậm chức.
Ông Milei – người đã tuyên bố rằng ông không có ý định tham gia vào “chủ nghĩa dần dần” – đã cố gắng xoa dịu những thông tin này. Ngoài tuyên bố rằng việc loại bỏ ngân hàng trung ương là không thể thương lượng ra, ông Milei cho biết ông dự định ra mắt một gói cải tổ to lớn để ổn định nền kinh tế hôm 11/12, một ngày sau khi ông nhậm chức. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình với LN+TV, ông Milei tuyên bố rằng việc giải quyết “các vấn đề của ngân hàng trung ương càng sớm càng tốt” bằng cách “ngăn chặn phát thải tiền tệ” gây ra tình trạng lạm phát hiện đang tàn phá Argentina là hành động “cấp bách”.
Ông nói: “Hiện nay, ưu tiên của tôi là tránh siêu lạm phát.”
Với tỷ lệ lạm phát chính thức hàng năm là khoảng 140%, quốc gia Nam Mỹ này đã phải đối mặt với nhiều đợt siêu lạm phát trong 30 năm qua. Đồng peso gần đây đã chạm mức thấp kỷ lục khi phải hơn 1,000 peso mới đổi được một USD. Khoảng cách giữa đồng tiền quốc gia và giá trị tỷ giá hối đoái chính thức do chính phủ kiểm soát là khoảng 200%.
Nhà lãnh đạo mới được bầu cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế khi các kinh tế gia dự báo rằng nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh này sẽ suy giảm gần 3% trong năm tới.