Tổng thống Putin rút Nga ra khỏi hiệp ước cấm thử hạt nhân lâu năm
Jack Phillips
Hôm 02/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một dự luật cho phép Moscow rút khỏi hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân đã có từ lâu trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Ukraine và Trung Đông.
Truyền thông nhà nước đưa tin rằng lãnh đạo Nga đã ký thành luật sau khi nó được Nghị viện Nga – hay còn gọi là Duma Quốc gia Nga – thông qua hồi tháng 09/2023. Hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT) được khởi xướng vào năm 1996 và cuối cùng Nga đã ký kết, mặc dù các quốc gia có vũ khí hạt nhân như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, và Trung Quốc cùng nhiều nước khác không thông qua hiệp ước này.
CTBT cấm tất cả các vụ nổ hạt nhân ở bất cứ đâu trên thế giới, nhưng hiệp ước này chưa bao giờ được thực thi đầy đủ. Ông Putin đã lưu ý hồi tháng Mười rằng việc ký kết biện pháp này sẽ “phản ánh mối bang giao” của Moscow với Hoa Kỳ.
Gần đây, Điện Kremlin cũng phủ nhận ý định tiến hành thử nghiệm hạt nhân sau khi kết thúc thỏa thuận. Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov nói với các phóng viên vào tháng Mười: “Tổng thống chủ yếu đề cập đến sự cần thiết của việc đưa tình hình thực tế về một mẫu số chung [với Hoa Kỳ].”
Tuy nhiên, đã có những lo ngại rằng Moscow sẽ bắt đầu nối lại việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân để cố gắng ngăn chặn Mỹ và các nước phương Tây khác tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga nổ ra vào tháng 02/2022. Nhiều quan chức Nga đã lên tiếng báo hiệu rằng việc thử nghiệm sẽ tiếp tục trở lại, nhưng ông Putin và các quan chức khác của Điện Kremlin vẫn chưa công khai tuyên bố liệu điều đó có cần thiết hay không.
Trong khi đó, ông Putin lưu ý rằng một số chuyên gia tranh luận về sự cần thiết của việc tiến hành các vụ thử hạt nhân, nhưng ông cho biết ông vẫn chưa có quan điểm chắc chắn về vấn đề này. Trong khi đó, Mỹ chưa chính thức thực hiện vụ thử vũ khí hạt nhân nào kể từ đầu những năm 1990.
Tháng trước, thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moscow sẽ tiếp tục tôn trọng lệnh cấm và sẽ chỉ nối lại các vụ thử hạt nhân nếu Hoa Thịnh Đốn thực hiện trước.
“Đừng bao giờ cho rằng việc đó sẽ không bao giờ xảy ra. Các thử nghiệm có thể tiếp tục trong một số trường hợp nhất định. Tôi tin rằng một diễn biến như vậy sẽ là tiêu cực đối với thế giới hiện đại, nhằm duy trì sự ổn định,” ông Mikhail Ulyanov, đặc phái viên Nga tại Liên Hiệp Quốc, cũng nói với truyền thông nhà nước Nga vào tháng trước. “Chúng ta đã có đủ sóng gió trong quan hệ quốc tế và không muốn thêm một yếu tố mạnh mẽ nào nữa.”
Sau thông báo của Nga hôm 02/11, Ngoại trưởng Antony Blinken lại chỉ trích Moscow. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng Nga đang gửi đi thông điệp sai và đã tiến thêm một bước nữa về phía sai lạc.
Ông Blinken cho biết: “Chúng tôi lo ngại sâu sắc trước hành động đã được trù tính trước của Nga nhằm rút lại việc phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện.” Ông nói thêm: “Thật không may, việc này là một bước đi sai lạc đáng kể, đưa chúng ta đi xa hơn chứ không phải gần hơn đến việc có hiệu lực.”
Ông nói thêm rằng các quan chức Mỹ đã nhắc lại “cam kết của chúng tôi đối với lệnh cấm thử nghiệm chất nổ hạt nhân không có phản ứng dây chuyền của chúng ta, vốn đã được áp dụng trong 30 năm,” theo tuyên bố. “Điều quan trọng là chúng ta phải duy trì các tiêu chuẩn toàn cầu về chống thử nghiệm chất nổ hạt nhân.”
Hoạt động hạt nhân?
Ông Putin cho biết vào tháng Mười, Nga đã hoàn thành cuộc thử nghiệm được mô tả là hỏa tiễn thử nghiệm tầm xa chạy bằng năng lượng hạt nhân. Được biết đến với tên gọi hỏa tiễn hành trình Burevestnik, có tầm bắn lên tới 14,000 dặm (khoảng 22,530 km), ông nói tại một sự kiện.
Ông Putin nói thêm rằng các lực lượng chiến lược của Nga sẽ “sớm” tiến tới sản xuất hàng loạt loại phi đạn có năng lực hạt nhân khác gọi là Sarmat, được xếp vào nhóm “nhiệm vụ chiến đấu”. Ông nói rằng “các chuyên gia cho biết đây là một loại vũ khí mới và cần phải bảo đảm rằng đầu đạn đặc biệt này sẽ hoạt động suôn sẻ, và các cuộc thử nghiệm phải được tiến hành.”
Kể từ khi chiến tranh Ukraine bắt đầu, một số quan chức Nga đã phát đi tín hiệu rằng cuộc xung đột có thể trở thành hạt nhân nếu các cường quốc phương Tây can dự nhiều hơn. Vài ngày sau cuộc xâm lược của Nga, Điện Kremlin đã đặt lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động leo thang.
Cũng trong tháng trước, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ xác nhận bộ đã tiến hành một “vụ nổ hóa học dưới lòng đất” tại bãi thử hạt nhân Nevada trong những ngày gần đây, điều mà các quan chức cho biết là một cố gắng nhằm kiểm tra việc phát hiện các vụ nổ hạt nhân ở mức độ thấp.
“Thí nghiệm sẽ giúp xác nhận các mô hình dự đoán vụ nổ mới và các thuật toán phát hiện,” một thông cáo báo chí cho biết. “Các phép đo được thu thập bằng cách sử dụng gia tốc kế, máy đo địa chấn, cảm biến sóng âm, cảm biến điện từ, máy lấy mẫu hóa học và chất phóng xạ cũng như cảm biến khí tượng.”
Hôm 27/10, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết bộ sẽ theo đuổi việc phát triển một loại bom hạt nhân nhưng trước tiên cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội.
“Thông báo hôm nay phản ánh môi trường an ninh đang thay đổi và các mối đe dọa ngày càng tăng từ các đối thủ tiềm tàng,” Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chính sách Vũ trụ John Plumb cho biết trong một thông cáo. “Hoa Kỳ có trách nhiệm tiếp tục đánh giá và khai triển các năng lực mà chúng ta cần để răn đe một cách đáng tin cậy và, nếu cần, đáp trả các cuộc tấn công chiến lược, cũng như trấn an các đồng minh của chúng ta.”
Tuy nhiên, Ngũ Giác Đài cho biết trong thông cáo rằng đề xướng phát triển bom trọng lực hạt nhân B61-13 không liên quan gì đến các sự kiện thế giới gần đây, bao gồm xung đột Israel-Hamas hay chiến tranh Ukraine–Nga.
“Việc khai triển B61-13 không nhằm đáp lại bất kỳ sự kiện cụ thể nào hiện tại,” thông cáo nêu rõ. “Điều này phản ánh một đánh giá liên tục về môi trường an ninh đang thay đổi.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press