Trái bơ rất bổ dưỡng nhưng một số người nên thận trọng
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan
Bơ là loại trái cây được nhiều người quan tâm đến sức khỏe yêu thích. Bơ chứa hàm lượng dưỡng chất cao, giúp cho mái tóc và làn da khỏe mạnh, đồng thời cũng chứa nhiều chất béo, chất xơ và protein lành mạnh. Tuy nhiên, đối với một số người, bơ có thể gây ra một số tác dụng không tốt.
Giá trị dinh dưỡng của bơ
Bơ có nhiều potassium (kali); magnesium; vitamin A, C, E, K1, và B6; acid pantothenic; cholin; lutein; zeaxanthin; và phytosterol. Chất béo trong trái bơ bao gồm 71% acid béo không bão hòa, 13% acid béo không bão hòa đa, và 16% acid béo bão hòa. Những acid béo này giúp duy trì mức HDL (loại lipid tốt) trong máu và tạo điều kiện cho sự hấp thụ các dưỡng chất tan trong dầu.
Các nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện ra rằng trái bơ có thể đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng, và chống lão hóa.
Đối với hầu hết mọi người, trái bơ nên là một phần quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Nên ăn bao nhiêu trái bơ mỗi ngày?
Vậy một người nên ăn bao nhiêu trái bơ mỗi ngày?
Thông thường, ăn một nửa trái bơ cỡ vừa mỗi ngày là đủ, tương ứng khoảng 68 g, trong đó chứa khoảng 114 calorie, 10.5 g chất béo, và 4.6 g chất xơ. Nếu một người cần ăn khoảng 2,000 calorie mỗi ngày, thì một nửa trái bơ đem lại khoảng 5% lượng calorie cần thiết cho một ngày.
Đối với người có khẩu phần ăn cân bằng và đủ dinh dưỡng và không tập luyện nhiều, thì ăn bơ cách ngày có thể sẽ tốt hơn. Nhưng nếu khẩu phần ít dinh dưỡng, thì acid béo không bão hòa lành mạnh, chất xơ, vitamin, và chất chống oxy hóa trong trái bơ có thể bổ sung thêm. Ngoài ra, các vận động viên có thể cần nhiều dưỡng chất này hơn và có thể ăn nhiều bơ hơn trong chừng mực.
Điều đáng nói là tỷ lệ các chất dinh dưỡng đa lượng của phương pháp ăn ketogenic thường là 70% chất béo, 20% protein, và 10% carbohydrate. Đối với những người ăn uống theo ketogenic, bơ là nguồn chất béo đáng tin cậy. Tuy nhiên, vì thể trạng của mỗi người khác nhau nên cần xác định lượng bơ ăn vào cho phù hợp.
Ai nên tránh ăn bơ
Mặc dù bơ rất nhiều dưỡng chất, nhưng một số nhóm người phải hết sức cẩn thận khi ăn.
Ví dụ, những người bị dị ứng với nhựa cao su nên thận trọng khi ăn bơ. Điều này phổ biến hơn ở những phụ nữ trung niên phải đeo găng tay cao su khi làm việc hàng ngày. Ăn bơ có thể khiến họ dễ dị ứng hơn với nhựa cao su, và gây ra dị ứng với các thực phẩm khác như hạt dẻ và chuối. Biểu hiện dị ứng có thể dưới dạng phát ban, phù mạch, nổi mề đay, hen suyễn, viêm kết mạc, và các triệu chứng dị ứng ở miệng như ngứa và sưng nề lưỡi.
Những người đang ăn kiêng cũng cần lưu ý khi ăn bơ vì hàm lượng calorie cao.
Những người phải duy trì mức cholesterol nhất định cũng nên lưu tâm. Bơ có chứa beta-lanosterol – một hợp chất có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu cholesterol.
Cuối cùng, những người bị bệnh gan cũng nên thận trọng. Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện rằng ăn quá nhiều bơ có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ ở chuột. Nghiên cứu tập trung vào tỷ lệ calorie trong khẩu phần ăn: 40% từ chất béo, 40% từ carbohydrate, và 20% từ protein. Tỷ lệ này gây ra sự tích tụ chất béo ở chuột, và nhóm ăn acid béo không bão hòa đơn nhiều nhất thường dễ bị gan nhiễm mỡ nhất. Một cách ngẫu nhiên, hầu hết dầu trong bơ đều chứa acid béo không bão hòa.
Nhìn chung, khó có thể tin rằng mọi người sẽ ăn một lượng lớn bơ cùng lúc với carbohydrate như vậy. Vì vậy, đối với hầu hết mọi người, ăn bơ khó có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Lợi ích của trái bơ đối với gan
Với những người có chức năng gan bình thường, ăn một lượng bơ thích hợp sẽ hữu ích cho gan.
Đầu tiên, bơ có chứa acid oleic – chất giúp giảm lượng cholesterol “xấu” (LDL) trong cơ thể và thậm chí có thể cải thiện HDL. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến gan, nhưng bơ có thể đem lại lợi ích gián tiếp qua cách này.
Nghiên cứu cho thấy các hợp chất trong bơ có thể giúp cơ thể sản xuất glutathione – chất chống oxy hóa mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc thải độc gan. Một lần nữa đây lại là một lợi ích gián tiếp bảo vệ gan.
Bơ cũng chứa nhiều nguyên tố vi lượng, vitamin, và chất chống oxy hóa. Những chất này làm giảm tình trạng viêm kinh niên trong cơ thể, bao gồm cả viêm gan.
Chất xơ trong bơ tốt cho tiêu hóa, giúp kiểm soát cân nặng, tăng độ nhạy insulin, gián tiếp giúp kiểm soát béo phì, đồng thời cũng hữu ích cho sức khỏe tim mạch và điều hòa huyết áp. Vì vậy, bơ có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và một số bệnh chuyển hóa. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dầu bơ có thể làm giảm bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu – bằng cách cải thiện chức năng của ty thể và giảm gánh nặng oxy hóa cũng như viêm do ăn nhiều chất béo và đường trái cây.
Tóm lại, bơ là một thực phẩm lành mạnh trong hầu hết các trường hợp, nhưng những người bị dị ứng nhựa cao su (latex), bệnh gan, cần duy trì mức cholesterol nhất định và đang ăn kiêng có thể cần phải lưu ý hơn. Điều quan trọng nhất là phải duy trì sự cân bằng và ăn uống điều độ, vì mọi thực phẩm đều có thể gây hại cho sức khỏe khi tiêu thụ quá mức.
Bác sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh kinh niên về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 07/2022.