Trang phục truyền thống Trung Hoa: Bí mật của chiếc long bào
Trung Hoa có câu ngạn ngữ cổ rằng thời kỳ trị vì của mỗi vị hoàng đế bắt đầu khi ông khoác lên mình chiếc long bào mới. Câu nói này thật đúng với những chiếc long bào cuối triều đại nhà Thanh (1644–1911).
Trang phục được coi là biểu tượng của mỗi triều đại và cũng thể hiện vị thế của một cá nhân trong xã hội. Chẳng hạn, các y phục bằng lông cáo đen phối với màu vàng chỉ dành cho các vị quan lớn và gia đình hoàng gia.
Dân thường không được phép mặc hoặc sở hữu những y phục như vậy, mặc dù họ được phép bán chúng. Bất cứ ai vi phạm quy tắc này đều phải chịu trọng hình, thậm chí là xử trảm.
Kỳ bào: tay áo dài, cổ áo nặng và tách rời
Nhà Thanh ra đời khi người Mãn Châu – những kỵ sĩ đến từ Đông Bắc – lật đổ nhà Minh vào năm 1644. Tuy nhiên, nếu xét về phương diện văn hóa, lễ nghi và phong tục tập quán, thì người Mãn Châu phải học rất nhiều từ nền văn hóa nổi bật của những người Trung Hoa.
Người Mãn Châu không chỉ tiếp nhận thể chế chính trị mà còn tiếp nhận văn hóa, lễ nghi, phong tục tập quán, và thậm chí cả hệ tư tưởng, tôn giáo. Do vậy sau cuộc chinh phục, mặc dù khâm phục văn hóa Trung Hoa nhưng người Mãn Châu vẫn tự hào về cội nguồn của mình.
Trước khi họ định cư, trang phục cho những chuyến lữ hành là vật sở hữu quan trọng nhất của người Mãn Châu. Chúng chủ yếu làm bằng da thú và may theo hình dạng con thú ấy để tối đa hóa việc sử dụng nguyên liệu thô.
Trang phục hoàng tộc có tay áo dài hình móng ngựa, với cổ áo tách rời và nặng theo truyền thống của người Mãn Châu. Vì người Mãn thường sinh sống bằng nghề săn bắn ở vùng Đông Bắc, nên họ cần có trang phục giữ ấm trong thời tiết lạnh buốt của những chuyến đi dài.
Tuy nhiên, ống tay áo dài quá tay lại trở nên bất tiện đối với cuộc sống thường nhật trong cung điện. Các viên quan triều đình hầu như phải xắn tay áo lên, và chỉ thả tay áo xuống khi hành lễ với người lạ.
Thói quen này xuất phát từ hoàng tộc trong triều đình rồi dần dần được phổ biến cho tất cả mọi người… Vì vậy, việc xắn tay áo lên và phủ xuống khi chào người lạ đã trở thành một nghi thức của người Trung Hoa thời nhà Thanh.
Chiếc long bào công phu nhất thế giới
Trước khi chiếc long bào được khoác lên long thể của Hoàng đế Thanh triều, các thợ may phải mất hai năm rưỡi mới hoàn thành. Có một tiệm may đặc biệt trong cung chỉ để may y phục.
Các hoa văn và đường cắt phải được sự chấp thuận của Hoàng đế và các vị đại thần. Sau đó, các mẫu được chuyển đến xưởng dệt. Khi đã có vải, các nghệ nhân sẽ thực hiện công đoạn cắt và chuyển qua khâu, và thêu là công đoạn sau cùng.
Những sợi chỉ tốt nhất được dùng để thêu, có những sợi làm bằng vàng thật. Hoàng đế đã thuê 500 nghệ nhân để khâu và 40 nghệ nhân khác để thêu chỉ vàng.
Áo bào cho mỗi dịp lễ
Toàn bộ y phục hoàng tộc trong thời nhà Thanh đều là những chiếc áo choàng và long bào. Có áo bào dành cho các buổi lễ kỷ niệm, có áo bào đặc biệt dùng trong các nghi lễ, có y phục cho các buổi vi hành, y phục mặc khi thời tiết xấu, khi có tuyết và mưa, thậm chí có y phục mặc hàng ngày trong cung và khi ra ngoài trời.
Tùy theo thời tiết mà trang phục sẽ có áo lót bên trong hay không và chất liệu có thể làm từ lụa, da hoặc bông. Màu sắc được lựa chọn kỹ càng tạo nên sự hoàn mỹ cho trang phục của hoàng gia. Những màu dành riêng cho Hoàng đế là vàng tươi, đỏ, xanh da trời, và xanh lam.
Màu vàng là màu trang phục chủ yếu dành cho các buổi lễ. Ba màu còn lại được mặc trong các ngày lễ ở ba ngôi đền chính: Hoàng đế mặc long bào xanh da trời ở Thiên Đàn, màu đỏ ở Nhật Đàn, và màu xanh lam ở Nguyệt Đàn. Đai lưng và mũ sẽ phù hợp với từng loại long bào.
Trang phục phổ biến là long bào được thêu rồng vàng. Hoàng đế chỉ mặc chúng vào những ngày lễ trọng đại.
Màu vàng được mặc trong các dịp lễ hội; ba màu còn lại được mặc trong các ngày cúng tế. Một chiếc áo bào đơn giản được mặc trong tất cả các dịp lễ khác như lễ cưới, ngày tế lễ, và năm mới.
Mười hai mẫu hoa văn của long bào
Long bào của Hoàng đế được thiết kế rất nghệ thuật, ẩn chứa nhiều biểu tượng may mắn và hình ảnh rồng luôn ngự trị trên mỗi bộ trang phục của hoàng gia. Là một yếu tố quan trọng của Nho Giáo, rồng tượng trưng cho quyền lực của Hoàng đế.
Mỗi chiếc long bào được thêu chín con rồng, một con ở mỗi bên vai, một con khác ở lưng, một con trước ngực, và một con phía dưới; bốn con rồng còn lại được thêu phía dưới cùng của chiếc long bào.
Hình ảnh con rồng không chỉ đơn thuần là mẫu trang trí dành cho Hoàng đế mà còn có ý nghĩa đem lại may mắn cho người dân. Ngoài hình tượng rồng, còn có mười một biểu tượng khác đại diện cho sự may mắn: 日 (nhật): Mặt Trời, 月 (nguyệt): Mặt Trăng, và 星辰 (tinh thần): các ngôi sao, là biểu tượng cho ba nguồn sáng rực rỡ; 群山 (quần sơn): núi, tượng trưng cho sự bảo vệ quyền lực của Hoàng đế từ khắp bốn phương; 華虫 (hoa trùng): côn trùng, đại diện cho trí tuệ của Hoàng đế; 宗彝 (tôn di): ly rượu đại diện cho sự trung thực, trung thành và hiếu nghĩa; 藻 (tảo): thủy tảo, đại diện cho sự thanh khiết; 火 (hỏa): lửa, đại diện cho sự trung thực, 粉米 (phấn mễ): gạo, tượng trưng cho sự thịnh vượng; 黼 (phủ): một y phục thêu đặc biệt với màu đen và trắng là biểu tượng cho sự quyết đoán và sự dũng mãnh của Hoàng đế; 黻 (phất): một hoa văn thêu khác có màu đen và xanh lá cây cũng biểu trưng cho sự trung thực.
Một biểu tượng khác trên long bào của Hoàng đế là một con dơi màu đỏ, từ đồng âm có nghĩa là “chân phúc ngập tràn như hồng thủy”.
Áo lót bên trong có cảnh đại dương và núi non, vì theo quan niệm của người Trung Hoa, Hoàng đế là “thiên tử”, bậc chí tôn trị vì toàn thế giới.