JAMES SALE 

Thời nay, dường như chúng ta đang ở trong một thế giới mà sự thật và chân lý không còn quan trọng nữa; điều chúng ta cảm thấy mới là tiêu chuẩn chính cho việc thiết lập điều gì đó là đúng hay không. Vì vậy, chúng ta nghe cụm từ “chân lý của tôi” ở khắp mọi nơi, nghĩa là điều ấy không thể bị bác bỏ vì đó là “chân lý của tôi”, cho dù những sự thật đó là gì đi nữa.

Người cổ đại có một cách hiểu khác về những gì thực sự quan trọng. Đặc biệt, những người Hy Lạp đã thấu hiểu tâm lý học về tâm trí con người: Chúng hoạt động như thế nào, tìm kiếm điều gì, và, quan trọng nhất, là những hậu quả của việc ngạo mạn bỏ qua lời khuyên hoặc mệnh lệnh của các vị thần – tất nhiên, lời khuyên của các vị thần là dựa theo thực tế và sự thật.

Đối với người Hy Lạp, sự kiêu ngạo là tội lỗi nặng nhất, vì việc ấy có nghĩa là một người đã phớt lờ hoặc bất tuân theo những mong muốn rõ ràng của các vị thần. Mặc dù các vị thần, các vị thần ngự trên đỉnh Olympia, chiến đấu và tranh luận với nhau, đối đầu và có cả lòng đố kỵ cũng như chúng ta vậy, tuy nhiên, họ đã chế ngự những hỗn loạn, trạng thái nguyên thủy, và sự man rợ của cha mẹ họ: các Titan. Họ đã thay thế tất cả những điều ấy bằng trật tự và công lý.

Chẳng hạn, thế giới của thần Cronos (cha của thần Zeus) dường như đầy thú tính so với trật tự của vũ trụ mà các con của ông đã tạo ra. Thật vậy, khi chúng ta nghĩ đến tên thần Cronos như một từ chỉ “thời gian”, chúng ta nên nhớ rằng thời gian ăn tất cả con của mình, giống như thần Cronos đã cố gắng nuốt chửng tất cả những người con trai của ông.

Thần Athena, nữ thần trí tuệ của Hy Lạp, hướng dẫn một học trò trẻ tìm thấy nguồn cảm hứng của anh ấy ở nước Ý và Hy Lạp, vào khoảng năm 1778. (Ảnh: Archive Photos/Getty Images)
Thần Athena, nữ thần trí tuệ của Hy Lạp, hướng dẫn một học trò trẻ tìm thấy nguồn cảm hứng của anh ấy ở nước Ý và Hy Lạp, vào khoảng năm 1778. (Ảnh: Archive Photos/Getty Images)

Vị thần của Trí tuệ

Ngoài thần Zeus, có lẽ một trong những vị thần quan trọng nhất trên đỉnh Olympia là thần Pallas Athena, thần của trí tuệ, chiến tranh, và thủ công. Nàng là con gái của thần Zeus, và một số người nói nàng là con gái mà Zeus yêu thương nhất. 

Thông thường, khi nghĩ đến vị thần chiến tranh của người Hy Lạp, chúng ta nghĩ đến thần Ares (trong tiếng Latinh là Mars), nhưng cả thần Ares và Athena đều là những vị thần chiến tranh. Sự khác biệt [giữa hai vị thần này] là rất lớn. Ares là nam thần chiến tranh được biết đến với sự khát máu, tàn bạo, và dữ tợn, trong khi Athena là nữ thần chiến tranh được cho là có chiến lược, thông tuệ, và đôi khi là mưu lược.

Thần Athena yêu mến nhà vua Odysseus mưu mẹo chính vì lý do này. Ông không phải là chiến binh Hy Lạp vĩ đại nhất – danh hiệu đó được dành cho chàng Achilles khát máu. Nhưng chàng Achilles không phải là người giành được chiến thắng trong cuộc chiến tranh cho người Hy Lạp. Chính mưu kế dùng con ngựa xảo quyệt của vua Odysseus đã mang đến chiến thắng này. Tất nhiên, nhờ chiến lược của mình (và với sự trợ giúp của thần Athena), vua Odysseus cũng chính là người sống sót trong cuộc chiến đó.

Thần Athena cũng là vị thần “đồng trinh vĩnh cửu”, mà theo tôi nguyên nhân là vì trí tuệ và chân lý của nàng không thể bị hư hoại. Nàng xuất sinh với hình tượng trưởng thành hoàn thiện và được trang bị vũ khí đầy đủ từ đầu đến chân – thực tế là được sinh ra từ trán của thần Zeus, ngụ ý rằng nàng không chỉ nhìn xa trông rộng mà còn mang theo sức mạnh của trí tuệ. Thật vậy, trong một câu chuyện thần thoại, tất cả các vị thần khác đều kinh ngạc trước diện mạo của nàng, và thần Helios, vị thần mặt trời, đã dừng cỗ xe ngựa của mình lại chỉ để ngắm nhìn nàng!

Bức tranh “Sự xuất sinh của nữ thần Athena” của họa sĩ Antoine Houasse. Cung điện Versailles. (Ảnh: Tài sản công)
Bức tranh “Sự xuất sinh của nữ thần Athena” của họa sĩ Antoine Houasse. Cung điện Versailles. (Ảnh: Tài sản công)

Là thần bảo hộ của các vị anh hùng và những phẩm chất anh hùng, thần Athena đã ban ân huệ cho nhiều vị anh hùng Hy Lạp vĩ đại khác, gồm cả anh hùng Perseus, Herakles (người vĩ đại nhất), Bellerophon, và Jason, và cũng như vua Odysseus. Lúc nào cũng vậy, lời khuyên của nàng đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của họ. Một ví dụ tuyệt vời về điều này, và cũng liên quan đến cuộc thảo luận của chúng ta, là sự trợ giúp mang tính sống còn của nàng Athena dành cho anh hùng Perseus.

Thần Athena khai thị cho anh hùng Perseus không được nhìn thẳng vào nữ quỷ Medusa để chàng không bị biến thành đá và, theo nghĩa đen là sợ chết khiếp. Thay vào đó, chàng nhìn vào chiếc khiên bằng đồng của mình đã được đánh bóng như một chiếc gương, điều đã giúp chàng chém được đầu Medusa.

Quỷ Medusa thời hiện đại

Ngày nay nữ thần Athena trở nên rất liên quan bởi vì chúng ta thấy một khuôn mẫu hành vi phổ biến bất cứ khi nào mà trí tuệ xuất hiện trong cuộc sống hiện đại của chúng ta: Chẳng hạn, khi ai đó thách thức hệ tư tưởng phi nhị giới, hoặc khi một người có trình độ thách thức các giả định và việc chích vaccine COVID-19, đeo khẩu trang, hoặc khi thuyết chủng tộc trọng yếu bị thách thức vì lý do bản thân thuyết này có thể là phân biệt chủng tộc, hoặc khi… danh sách này vẫn còn dài nữa. Khi những thách thức này xảy ra, khi một số bằng chứng được đưa ra trái ngược với những luận điệu của số đông – đó là khi thần Athena, vị thần của trí tuệ và sự thật xuất hiện – chúng ta luôn luôn chứng kiến cùng một lối ứng xử.

Nếu chúng ta quay trở lại huyền thoại về chàng Perseus, đầu của quỷ Medusa, sau khi xuất hiện trong một số cuộc phiêu lưu khác cùng với chàng Perseus, cuối cùng đã tìm thấy nơi dừng chân của mình ở tâm tấm khiên ‘aegis’ của thần Athena. Điều này có nghĩa rằng, khi đối mặt với Athena trong trận chiến, người ta phải đối mặt với đầu của quỷ Medusa. Nói cách khác, một người phải đối mặt với nỗi kinh hoàng tột độ khiến họ hóa đá! Chỉ có một vị thần hoặc thần linh khác mới có thể chịu đựng được nó. Và đối với các đòn tấn công của nàng, ngay cả trong số các vị thần, có lẽ chỉ có thần Zeus và một hoặc hai vị thần khác mới có thể đủ sức đối chọi.

Bức tranh “Frederick the Great as Perseus,” 1756, của họa sĩ Bernhard Rode mô tả nữ thần Athena chỉ cho chàng Perseus cách tránh ánh mắt của quỷ Medusa. (Ảnh: Tài sản công)
Bức tranh “Frederick the Great as Perseus,” 1756, của họa sĩ Bernhard Rode mô tả nữ thần Athena chỉ cho chàng Perseus cách tránh ánh mắt của quỷ Medusa. (Ảnh: Tài sản công)

Do đó, khi những giáo điều sáo rỗng thời nay chịu nhận sự công kích từ trí tuệ, kết cục là sự kinh hoàng và hóa đá. Những ý tưởng này thể hiện ra theo một vài cách. Đầu tiên, những người truyền bá những ý tưởng này cho thấy họ không có khả năng dựa vào đối thoại lý tính. Không có lập luận hợp lý nào để đối chọi với chân lý. Thay vào đó, những người tự nhận mình là “đã thức tỉnh” bước vào sự phủ nhận hoàn toàn. (Để làm rõ, thuật ngữ “thức tỉnh” được cả những người theo phái thiên tả và những người theo phái bảo tồn truyền thống sử dụng để mô tả một số hệ tư tưởng tiến bộ cấp tiến hơn, bao gồm lý thuyết chủng tộc trọng yếu, công bằng xã hội, và lý thuyết về giới tính.)

Sự hóa đá này làm đông cứng quan điểm và trái tim của họ. Trái tim hóa thành một tảng đá. Nỗi sợ hãi (chính xác hơn là nỗi khiếp sợ) gây ra sự tấn công, một phản ứng ác ý, một trạng thái tê liệt khả năng xem xét những lựa chọn thay thế, và thậm chí là khả năng xem xét rằng họ có thể nhầm lẫn, hoặc trên thực tế, là sai.

Biểu hiện thứ ba chính là khi mà sự chai cứng (hóa đá) ngày càng ăn sâu, họ sẽ thể hiện ra bản chất tàn nhẫn, nghiệt ngã: Những người phạm tội phải bị trừng phạt. (Đồng thời, tất nhiên, những biểu tượng meme “hãy sống tử tế” được niệm lên như một câu thần chú.)

Những người duy hộ tự do

Và rồi chúng ta biết rằng, trí tuệ và chân lý – thần Athena – đứng về phía chúng ta khi chúng ta chứng kiến ​​những hành vi và biểu hiện này của những người đã quả quyết kia, thông qua sự ngạo mạn của họ, nhằm phủ nhận thực tế, phủ nhận sự thật, và phủ nhận chân lý. Như nhà văn, triết gia người Anh G.K. Chesterton đã nói về tội lỗi không thể dung thứ, đó chính là “gọi một chiếc lá xanh là lá xám.”

Nhà soạn nhạc kiêm nhà văn Kenneth LaFave, trong cuốn sách hướng dẫn tuyệt vời của ông “War of the Words” (Cuộc chiến của Chữ nghĩa), đã nhìn nhận một cách công tâm rằng “có vẻ như từ ngữ tốt duy nhất và chính xác nhất để nhận diện những người duy hộ cho tự do là ‘Những người Tây Phương.’”

Trong lịch sử, điều này dường như là đúng. Từ Đại Hiến Chương* (Magna Carta) cho đến Tuyên ngôn Nhân quyền, phương Tây đã liên tục thúc đẩy để thiết lập các quyền tự do mà chúng ta hiện nay xem là đương nhiên. Mối nguy hiểm mà chúng ta đang gặp phải hiện nay là những quyền tự do này đang bị xói mòn từ bên trong, và chúng ta đã rất lơ là trong việc đối kháng với sự suy tàn này: lơ là trong việc đem sự chú ý của chúng ta rời xa khỏi trí tuệ và sự thật, điều khiến kẻ thù hóa đá, và bởi việc [chúng ta] cho phép gọi chiếc lá xanh là chiếc lá xám.

Giải pháp chính là trở về với vị thần trí tuệ. Tất nhiên, đây là một phép ẩn dụ, vì chúng ta cũng có thể tự muốn nhắc nhở bản thân rằng trí tuệ đã có trong truyền thống Cơ Đốc Giáo–Do Thái Giáo với Thiên Chúa ngay từ đầu: “Trong buổi Ðức Giê-hô-va khởi cuộc tạo hóa, Và thời thái cổ, trước khi chưa dựng nên muôn vật thì Ngài đã có ta [trí tuệ]. Ta đã được lập từ trước vô cùng…” (Châm Ngôn 8.22–23).

Hãy nỗ lực để sát cánh cùng với sự thật và truyền thụ trí tuệ bất cứ khi nào chúng ta có thể, vì hơn bất cứ điều gì khác, đây là điều mà những người ‘thức tỉnh’ sợ hãi.

*Magna Carta: là một văn kiện được vua John của Anh chuẩn thuận năm 1215, được soạn thảo lần đầu bởi Stephen Langton, tổng giám mục Canterbury, nhằm đem lại hòa bình giữa nhà vua không được lòng dân và một nhóm các quý tộc nổi loạn.

Ông James Sale đã có hơn 50 cuốn sách được xuất bản, gần đây nhất là cuốn “Mapping Motivation for Top Performing Teams” (Routledge, 2021). Ông đã giành giải nhất trong cuộc thi thường niên của Hiệp Hội Các Nhà Thơ Cổ Điển 2017, trình diễn tại New York vào năm 2019. Tập thơ gần đây nhất của ông là “HellWard”. Để biết thêm thông tin về tác giả và về dự án Dante của ông ấy, hãy truy cập EnglishCantos.home.blog

Hữu Minh biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn