Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế giáo viên không?
Nicole James
Ông Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng giỏi như các giáo viên. Dưới đây là một số lý do tại sao ông ấy đã sai.
Trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh ASU+GSV ở San Diego, ông Gates tin rằng AI có thể thay đổi nền giáo dục theo hướng tốt hơn. Ông nói: “AI sẽ có được khả năng đó, trở thành một gia sư giỏi như bất kỳ con người nào có thể.”
Ông Gates và ông Sal Khan, Giám đốc điều hành Học viện Khan, cũng thảo luận về chủ đề này trên podcast “Unconfuse Me” (Giúp tôi bớt bối rối) của ông Gate. Ông Khan đã nói về cách mà những chatbot trong giáo dục có thể thúc đẩy các buổi thảo luận chuyên sâu bằng cách hướng dẫn học sinh thông qua một chủ đề.
“Hãy để [chatbot và học sinh] giải thích môn toán cho nhau,” ông nói.
Là một người có bằng Cao học về Giảng dạy, đã từng dạy học sinh tiểu học, trung học, và đại học, đối với tôi và chắc chắn cũng như đối với mọi giáo viên khác thì rõ ràng những nhận xét đó cho thấy hai vị này thiếu hiểu biết về việc giảng dạy trực tiếp.
Sẽ rất khó, nếu không muốn nói là gần như không thể, để một chatbot có thể thúc đẩy các buổi thảo luận chuyên sâu.
Học sinh ở trường cần có kỷ luật và một ai đó có thẩm quyền để khuyến khích các em chú tâm vào bài học. Ở hầu hết các trường học, nếu học sinh ở trong lớp học với một chatbot mà không có ai khích lệ thì đa phần các em sẽ không vâng lời chatbot.
Rất có thể các em sẽ lấy điện thoại ra chơi cho đến khi nào được bảo là không làm vậy nữa (kể cả khi điện thoại bị cấm vì sẽ không có con người thực thi quy định đó).
Mặc dù kỷ luật là điều hệ trọng trong lớp học nhưng điều quan trọng nhất mà giáo viên có thể làm là xây dựng sự tự tin cho học sinh.
Khi học sinh có sự tự tin, các em có nhiều khả năng học hỏi hơn bởi vì nỗi sợ thất bại sẽ không cản trở được các em. Sự tự tin còn có nghĩa là được tạo động lực để đến lớp thường xuyên và hoàn thành bài tập.
Nhiều nghiên cứu cho thấy có một mối quan hệ chặt chẽ giữa thành công trong học tập và sự tự tin.
Một ví dụ về việc xây dựng sự tự tin ở học sinh là việc thuyết trình trước lớp. Đây là một kỹ năng sống quan trọng, hữu ích cho lớp học, phòng họp, và sân chơi.
Nhiều học sinh không tự tin khi nói trước đám đông, thậm chí một số học sinh còn hoàn toàn né tránh việc này.
Thông qua nỗ lực không ngừng và xây dựng sự tự tin từng bước từng bước một, tôi đã chứng kiến sự thành công ở những học sinh vốn hay lo lắng thái quá, không đứng trước lớp để thuyết trình, nay vượt qua cảm giác lo âu mà trình bày về các chủ đề. Đây không phải là điều mà một chatbot hay AI có thể đạt được.
Mối liên hệ không thể có được với AI
Việc học tập được đẩy mạnh hơn khi có mối liên hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh. Máy điện toán không thể thay thế sự kết nối giữa con người với nhau vốn có thể được hình thành trong lớp học.
Trong sự nghiệp dạy học của mình, tôi nhận thấy rằng điều quan trọng là phải hiểu được học sinh quan tâm đến điều gì và xây dựng điều đó thành những bài học. Điều này không chỉ khiến cho học sinh muốn học hỏi mà còn bảo đảm rằng các em đã trưởng thành và cảm nhận được sự trợ giúp trong việc học tập của mình.
Khi giáo viên tin tưởng vào học sinh và đặt kỳ vọng cao, các em sẽ có được sự tự tin trong một môi trường khích lệ và sẵn sàng chấp nhận mở mang trí tuệ. Việc giảng dạy bằng AI không thể nào thay thế được điều này.
Các giáo viên điều chỉnh và thay đổi phương pháp giảng dạy cho từng học sinh. Họ không chỉ truyền đạt kiến thức theo chương trình giảng dạy mà còn có thể làm cho học sinh thấm nhuần được các giá trị và kỹ năng sống bằng cách làm việc theo từng nhóm, từng đôi, và trình bày trước lớp.
Giáo viên cũng có thể giúp học sinh suy nghĩ với khả năng phản biện về những gì các em đang học.
Dạy học không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn tạo ra một môi trường thuận tiện cho việc học tập. Đó là về việc xây dựng sự tự tin và truyền cảm hứng cho học sinh để các em cố gắng hết sức mình.
Kỹ thuật cũng có thể làm tăng vấn đề thông tin sai lệch, đặc biệt là thông qua việc tạo ra các hiệu ứng buồng vang thông tin (echo chamber*).
Học sinh cần có khả năng tranh luận một cách ôn hòa với những người có quan điểm khác biệt thay vì công kích cá nhân. Mạng truyền thông xã hội là nơi tạo ra môi trường thiếu sự tranh luận và dung túng các cuộc tấn công cá nhân nếu ai đó không đồng ý với niềm tin của buồng vang thông tin này.
Khi học sinh không sử dụng kỹ thuật và mặt đối mặt với người mà các em không đồng thuận, có thể các em không tạo ra xung đột bằng các cuộc công kích cá nhân.
Học cách tranh luận các vấn đề trong lớp học là một trong những chiến lược mà giáo viên sử dụng để phát triển tư duy phản biện. Một lần nữa, đây là một năng lực chuyên môn mà AI không thể đạt được.
Người ta đã nhận ra tầm quan trọng của sự tiếp xúc giữa người với người sau khi lệnh phong tỏa do Covid dẫn đến sự thiếu phát triển trong học tập hành vi.
Và có vẻ như ngay cả ông Gates cũng hiểu điều này, khi ông lưu ý trong podcast rằng: “Một điều tôi đã luôn xem nhẹ là sự quý giá biết bao của kinh nghiệm giao tiếp xã hội đối với phần lớn học sinh.”
Chú thích của dịch giả:
(echo chamber*) – Hiệu ứng buồng vang thông tin – là thuật ngữ ẩn dụ cho một môi trường nơi người bên trong chỉ tiếp nhận những thông tin, quan điểm giúp phản ánh, và củng cố quan điểm sẵn có của họ.
Nicole James là ký giả tự do của tòa soạn The Epoch Times tại Úc. Cô là nhà văn viết truyện ngắn, ký giả, nhà bình luận, và biên tập viên từng đoạt giải thưởng. Tác phẩm của cô đã xuất hiện trên các tờ báo bao gồm The Sydney Morning Herald, Sun-Herald, The Australian, Sunday Times, và Sunday Telegraph. Cô có bằng Cử nhân Truyền thông chuyên ngành báo chí và hai bằng sau đại học, một bằng trong lĩnh vực viết sáng tạo.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.