Trong khi hiệp ước đại dịch ngày càng bị phản đối, WHO lại thúc đẩy các nước thành viên ký kết
Kevin Stocklin
Khi thời hạn để 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ký các thỏa thuận trao quyền lực sâu rộng mới cho chi nhánh này của Liên Hiệp Quốc đến gần, thì những người ủng hộ tổ chức này đang thúc đẩy các quốc gia thành viên tham gia, bất chấp sự phản đối ngày càng tăng đối với thỏa thuận này.
Hôm 20/03, Đại sứ WHO và cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Gordon Brown đã ca ngợi chiến dịch của “nhóm hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu” kêu gọi các quốc gia thành viên ký kết.
“Hôm nay, sự can thiệp rất mạnh của 23 cựu Tổng thống các nước, 22 cựu Thủ tướng, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, và 3 Người đạt giải Nobel đang được thực hiện để thúc đẩy thỏa thuận khẩn cấp từ các nhà đàm phán quốc tế về Hiệp định Đại dịch, theo Điều lệ của Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm tăng cường sự chuẩn bị chung của thế giới và ứng phó với các đại dịch trong tương lai,” thông cáo báo chí từ văn phòng của ông Gordon và bà Sarah Brown nêu rõ.
Đại sứ WHO này cũng kêu gọi hành động trên toàn thế giới để “vạch trần các chiến dịch đưa tin tức giả của những người theo thuyết âm mưu đang cố gắng phá hoại thỏa thuận quốc tế về Hiệp định Đại dịch.”
Hiệp ước y tế toàn cầu mới đang bị đe dọa, sửa đổi đối với Các quy định Y tế Quốc tế (IHR) hiện hành cũng vậy. [Nếu được thông qua,] hai biện pháp này sẽ đưa WHO trở thành cơ quan trung ương trong các đại dịch và các cuộc khủng hoảng sức khỏe khác do WHO tuyên bố, trong khi đó sẽ phân bổ hàng chục tỷ dollar cho chi nhánh này của Liên Hiệp Quốc. Những người chỉ trích cho rằng WHO đã cố tình tránh gọi thỏa thuận này là hiệp ước vì các hiệp ước thường yêu cầu sự chấp thuận của các cơ quan lập pháp quốc gia, và trong trường hợp của Hoa Kỳ là của 2/3 Thượng viện.
Thay vào đó, những gì được cho là Thỏa thuận Đại dịch hoặc Hiệp định Đại dịch, cùng với các sửa đổi đối với các IHR, dự kiến sẽ được phê chuẩn tại Geneva, Thụy Sĩ, tại cuộc họp thường niên của Hội đồng Y tế Thế giới từ ngày 27/05 đến 01/06.
Hôm 18/03, hơn 80 bộ trưởng và các tổ chức giáo hội đã góp thêm tiếng nói của họ vào “nhóm” này. Họ nói với các đại biểu từ các quốc gia thành viên rằng “việc đạt được thỏa thuận để bảo đảm rằng mọi người, mọi nơi đều có thể hưởng lợi từ tiến bộ khoa học” là nghĩa vụ đạo đức.
Gộp chung việc ký kết các thỏa thuận của WHO vào lịch trình tôn giáo, bức thư của họ tuyên bố rằng cuộc tập hợp các đại biểu của WHO “bắt đầu khi người Hồi giáo cử hành tháng chay Ramadan … khi tuần đàm phán thứ hai bắt đầu, người theo đạo Hindu sẽ đánh dấu lễ Holi … những người theo đạo Thiên chúa sẽ cử hành Mùa Chay, và quý vị sẽ có kết luận vào Thứ Sáu Tuần Thánh … văn bản của Hiệp định Đại dịch sẽ được hoàn thiện trong Lễ Quá hải … và Hiệp định sẽ được ký kết tại Đại hội đồng Y tế Thế giới ngay sau khi các Phật tử tổ chức lễ mừng Phật Thích ca Mâu ni đản sinh (Vesak).”
WHO sẽ nhận được bao nhiêu quyền lực?
Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng này, một số người vẫn còn nghi ngờ.
Một trong những mối lo ngại chính mà những người chỉ trích nêu ra là các quốc gia sẽ trao quyền cho WHO một khi tổ chức này tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe”. Tuy nhiên, những người ủng hộ WHO cho rằng những lo ngại như vậy là vô căn cứ và việc lên tiếng về những lo ngại đó có thể làm hỏng quá trình phê chuẩn.
Ông Brown tuyên bố: “Hiệp định này đang gặp rủi ro bởi chiến dịch thông tin sai lệch thông qua các hãng truyền thông xã hội đang cáo buộc sai sự thật về WHO.”
“Không quốc gia nào sẽ nhượng lại bất kỳ chủ quyền nào, và không quốc gia nào sẽ thấy luật pháp quốc gia của mình bị gạt bỏ,” ông tuyên bố. “Đã đến lúc các quốc gia phải vạch trần chiến dịch đưa tin giả của những người theo thuyết âm mưu nhằm phá hoại một hiệp ước rất cần thiết.”
Theo quan điểm đó, Associated Press (AP) đã đưa ra “cuộc kiểm tra tính chân thực” hồi tháng 02/2023, tuyên bố rằng ý kiến cho rằng các quốc gia thành viên sẽ mất đi chủ quyền là “sai.” AP trích dẫn Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS), hiện đang thay mặt Mỹ đàm phán thỏa thuận, trong đó tuyên bố: “Thật sai lầm khi cho rằng vì các hoạt động này mà Tổ chức Y tế Thế giới hiện có hoặc sẽ có bất kỳ thẩm quyền nào để chỉ thị chính sách y tế của Hoa Kỳ hoặc các hành động ứng phó khẩn cấp về y tế quốc gia.”
AP cũng trích dẫn lời bác bỏ của giáo sư luật Lawrence Gostin của Trường Đại học Georgetown – người đã giúp soạn thảo hiệp ước này với tư cách là giám đốc Trung tâm Hợp tác WHO về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu của trường đại học này. Ông Gostin nói với AP rằng hiệp ước này sử dụng các từ ngữ như “nên”, biểu thị các đề nghị – thay vì “phải” – để nhấn mạnh rằng WHO vẫn là cơ quan tư vấn hơn là cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, ngôn từ trong bản dự thảo hiệp ước hôm 13/03 dường như mang tính bắt buộc, nêu rõ xuyên suốt tài liệu này rằng “Các Bên cam kết…” và “Các Bên sẽ…” với từ “sẽ” được sử dụng hơn 160 lần.
Ngoài ra, các sửa đổi IHR nêu rõ rằng các quốc gia thành viên “công nhận WHO là cơ quan hướng dẫn và điều phối ứng phó y tế cộng đồng quốc tế trong Tình trạng khẩn cấp gây Lo ngại Quốc tế về sức khỏe cộng đồng và cam kết tuân theo các khuyến nghị của WHO trong ứng phó y tế cộng đồng quốc tế của họ.”
Các lĩnh vực gây lo ngại khác liên quan đến chủ quyền bao gồm chỉ thị rằng “các biện pháp y tế” do WHO quy định “sẽ được tất cả các Bên khởi xướng và hoàn thành không chậm trễ” và rằng “các Bên tham gia là Quốc gia cũng sẽ thực hiện các biện pháp để bảo đảm Các tác nhân Phi Nhà nước hoạt động trong lãnh thổ tương ứng của mình tuân thủ các biện pháp đó.”
Ngoài ra, tham chiếu về những văn bản “không ràng buộc” đối với các quốc gia thành viên đã bị xóa bỏ.
“Họ đang cố gắng chứng minh rằng đây là thỏa thuận nhẹ nhàng mang lại cảm giác dễ chịu nào đó, không thực sự ảnh hưởng đến bất kỳ ai, và do đó không cần phải được cơ quan lập pháp quốc gia thông qua,” Bác sĩ David Bell – một bác sĩ y tế cộng đồng trước đây từng làm việc với WHO về chẩn đoán bệnh truyền nhiễm – nói với The Epoch Times. Bác sĩ Bell đã và đang chăm chú dõi theo tiến trình của những thỏa thuận này.
Những người ủng hộ các thỏa thuận cũng khẳng định rằng, bất kể tài liệu nói gì, hiệp ước và các sửa đổi IHR đều vô ích vì WHO sẽ không có thẩm quyền thực thi bất kỳ chỉ thị hoặc khuyến nghị nào của mình, và không thể buộc phong tỏa hoặc cách ly đối với các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, một bản kiến nghị năm 2022 được ký bởi 15 tổng chưởng lý tiểu bang lập luận rằng HHS có thể có thẩm quyền như vậy một khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.
Các tổng chưởng lý tiểu bang đã viết để phản đối quyết định của HHS vào ngày 19/01/2017 – “một ngày trước khi nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống [Barack] Obama kết thúc” – về việc trao cho Tổng Giám đốc WHO quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong phạm vi Hoa Kỳ.
“Việc cho phép tổ chức quốc tế xác định khi nào các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng xuất hiện ở Hoa Kỳ tất yếu phải cho phép tổ chức đó sử dụng các quyền lực cảnh sát mà các tiểu bang không trao cho tổ chức đó cũng như không trao cho chính phủ liên bang,” các tổng chưởng lý nêu rõ, và gọi đó là “một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của cả tiểu bang lẫn liên bang.”
Trong trường hợp khẩn cấp về y tế, các tổng chưởng lý tiểu bang đã viết, “HHS có thể tiến hành bắt giữ và kiểm tra các cá nhân ở một số tiểu bang bị nhiễm bệnh. Theo khuyến nghị của Bộ trưởng HHS, Tổng thống (TT) Hoa Kỳ cũng có thể cho phép giam giữ các cá nhân trong một số trường hợp.”
Hiệp ước đại dịch có phải là giải pháp hay không?
Những người chỉ trích cho rằng mối lo ngại khác là thủ tục ký kết về các quyền lực mới cho WHO đã diễn ra gấp rút một cách không cần thiết, đồng thời né tránh các cuộc thảo luận và tranh luận công khai mà lẽ ra phải là một phần của thủ tục khi các nước tham gia các hiệp ước.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Leeds (University of Leeds) ở Vương quốc Anh, do Bác sĩ Bell làm đồng tác giả, “Nguy cơ đại dịch được mô tả là ‘mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại’ và đang được sử dụng để biện minh cho những sửa đổi được đề nghị đối với Các quy định Y tế Quốc tế và Thỏa thuận Đại dịch mới có tính ràng buộc về mặt pháp lý.”
Tuy nhiên, bản báo cáo lập luận rằng, dựa trên dữ liệu của chính WHO, bằng chứng này không chứng minh được việc trao thêm quyền lực cho WHO có nhu cầu cấp thiết, hay lợi ích gì.
Các tác giả nói rằng những gì WHO tuyên bố rằng số lần đại dịch gia tăng có thể phần lớn được giải thích là do xét nghiệm chẩn đoán được cải thiện trong những thập niên gần đây, hoặc biện pháp khắc phục được đề nghị nhằm tập trung ứng phó với đại dịch trong nội bộ WHO cũng không được chứng minh bằng các dữ kiện khách quan.
Bác sĩ Bell nói: “Họ yêu cầu các quốc gia phải tuân thủ vì họ đang nói rằng, trong thời kỳ xảy ra đại dịch COVID, các quốc gia đã không hành động đủ nhanh, và do đó các quốc gia cần được bảo phải làm gì.” Nhưng WHO vẫn chưa giải thích làm thế nào mà tổ chức này, nếu có được thẩm quyền mà họ đang tìm kiếm, sẽ cứu được nhiều mạng sống hơn.
Ông nói, “Toàn bộ câu chuyện rằng họ cần hiệp ước này hoàn toàn không chứng minh cho bất kỳ bằng chứng nào mà họ đưa ra.”
Nhiều nhà phân tích chính sách đã lập luận rằng các hành động của WHO trong thời kỳ COVID-19 hầu như chẳng giúp ích gì cho công chúng và thậm chí có thể khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn.
“Lẽ ra WHO phải đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ thông tin với các quốc gia thành viên trong đại dịch toàn cầu, nhưng thay vào đó, tổ chức này đã cho thấy rằng họ không thể và sẽ không chia sẻ thông tin một cách kịp thời và chính xác,” các tổng chưởng lý tiểu bang viết trong bản kiến nghị. “Thay vì báo cáo thông tin y tế cộng đồng, WHO đã chọn lặp lại tuyên truyền của Trung Quốc về COVID.”
Các thỏa thuận của WHO cũng yêu cầu các quốc gia thành viên phải trả hàng tỷ dollar cho WHO để tổ chức này có thể thực hiện các nhiệm vụ mới của mình.
Báo cáo của Đại học Leeds cho biết: “Nghị trình này được ủng hộ bằng các yêu cầu tài chính hàng năm chưa từng thấy,” bao gồm cả 36 tỷ USD đóng góp của thành viên mới và 10 tỷ USD bổ sung cho cái mà WHO gọi là các biện pháp can thiệp “Một Y tế” (One Health).
Một Y tế, như được định nghĩa trong Thỏa thuận Đại dịch, là “cách tiếp cận thống nhất, tổng hợp, với mục đích cân bằng và tối ưu hóa bền vững sức khỏe của con người, động vật, và hệ sinh thái.” Cách tiếp cận Một Y tế có thể thực sự mở rộng quyền hạn của các quan chức y tế trong các lĩnh vực như nông nghiệp, ô nhiễm, và biến đổi khí hậu.
Các tiểu bang Hoa Kỳ phản đối
Để đáp lại hiệp ước đại dịch này, một số tiểu bang của Hoa Kỳ đã thực hiện các bước để bảo đảm rằng thẩm quyền của tiểu bang không bị thay thế bởi các thỏa thuận của WHO.
Tháng 05/2023, Florida đã thông qua luật quy định các quan chức y tế tiểu bang “không được áp dụng, thực hiện, hoặc thực thi các chính sách hoặc hướng dẫn y tế cộng đồng của tổ chức y tế quốc tế trừ khi được phép làm như vậy theo luật, quy tắc, hoặc sắc lệnh của tiểu bang do Thống đốc ban hành.”
“Trong dự luật này, chúng tôi chính thức từ chối W.H.O. và bất kỳ tổ chức quốc tế nào trong số này,” Thống đốc Ron DeSantis nói rõ.
Hồi tháng Ba, thượng viện tiểu bang Louisiana đã đồng lòng thông qua dự luật nêu rõ rằng “Tổ chức Y tế Thế giới, Liên Hiệp Quốc, và Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ không có thẩm quyền hoặc quyền lực trong tiểu bang Louisiana.” Dự luật đó đã được chuyển đến Hạ viện tiểu bang để xem xét.
Các nhà lập pháp Tennessee hiện đang nghiên cứu dự luật để cung cấp cho công dân khả năng “vô hiệu hóa” các lệnh xung đột với các quyền hiến định của họ. Những người trong cuộc cho biết công chúng ngày càng ủng hộ dự luật này.
“Việc vô hiệu hóa về cơ bản là chống lại luật, quy tắc, quy định, hoặc sắc lệnh vi hiến,” bà Karen Bracken – người sáng lập tổ chức Công dân Tennessee vì Chủ quyền Tiểu bang – nói với The Epoch Times. “Chúng tôi là nhóm đang tranh đấu để khôi phục chủ quyền tiểu bang, kỳ vọng sẽ khôi phục chủ quyền ở mọi tiểu bang, nhưng chúng tôi đang bắt đầu với Tennessee.”
Trước thềm cuộc họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng tới, những người chỉ trích cho rằng ngoài việc trốn tránh sự chấp thuận của cơ quan lập pháp của các quốc gia thành viên, WHO có thể đang vi phạm các thủ tục của chính mình để khiến các tài liệu đó được ký vào mùa xuân này. Một số người thậm chí còn cho rằng WHO có thể rời khỏi cuộc họp ở Geneva mà không đạt được thỏa thuận nào.
Bác sĩ Bell nói, “Rất có thể họ sẽ không được đồng tình, dĩ nhiên là thỏa thuận đại dịch, và có thể là IHR, trước thời hạn.” Ông nói rằng các quốc gia không được cho thời gian để đánh giá việc các thỏa thuận sẽ tác động như thế nào đến ngân sách, nguồn lực, và hệ thống y tế của họ, hoặc mức độ mà họ có thể tuân thủ các điều khoản.
Bác sĩ Meryl Nass, người từng chỉ trích WHO, cho biết nhiều quốc gia, trong đó có New Zealand, Slovakia, và Hà Lan, đã nêu ra lo ngại về các thỏa thuận này. Và quá nhiều điều có thể đã bị bỏ qua để thỏa thuận y tế mới được phê chuẩn vào mùa xuân này, bà nói.
Bác sĩ Nass nói với The Epoch Times rằng điều lệ của WHO “rất cụ thể về những loại quy định mà WHO có thể ban hành, và chúng đã bị giới hạn. Những gì được đưa vào các bản sửa đổi [IHR] vượt xa khỏi những gì họ được phép ban hành theo quy định, và cần được ban hành như một hiệp ước.”