Một bản báo cáo của Pháp được công bố gần đây cung cấp bức tranh về vai trò của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei trong các hoạt động gây ảnh hưởng toàn cầu kéo dài hàng thập niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở phương Tây.

Bản báo cáo dài 650 trang này do Viện Nghiên cứu Chiến lược Trường Quân sự Pháp (viết tắt là IRSEM), một cơ quan độc lập trực thuộc Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp, công bố.

Thông qua các khoản trợ cấp lớn của nhà nước và các nỗ lực vận động hành lang quốc tế, Bắc Kinh đã đưa công nghệ của Huawei vào một loạt cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các chính phủ phương Tây đang ngày càng nhận thức rõ hơn về các mối đe dọa an ninh, bao gồm thu thập dữ liệu và gián điệp công nghiệp – những cáo buộc mà Huawei đã nhiều lần phủ nhận.

Thu thập dữ liệu bất hợp pháp và gián điệp 

Bản báo cáo cho biết, nhiều công ty viễn thông quốc doanh của Trung Quốc được trợ cấp rất nhiều – đặc biệt là Huawei – để giành được các hợp đồng ở ngoại quốc. Do đó, Huawei đã gây ra những lo ngại về an ninh chính đáng cho các quốc gia sử dụng công nghệ của họ, hoặc cho nơi mà nhân viên của họ thực hiện các hoạt động bí mật.

Hồi năm 2019, Hoa Kỳ phát hiện rằng Huawei có quyền truy cập vào thiết bị mạng 4G thông qua các cửa hậu được cài đặt trong hệ thống của mình từ năm 2009. Các chi tiết đã được tiết lộ cho Anh Quốc và Đức trong cùng năm.

“Chúng tôi có bằng chứng cho thấy Huawei có khả năng truy cập thông tin nhạy cảm và cá nhân một cách bí mật trong các hệ thống mà hãng này bảo trì và bán trên khắp thế giới,” cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đương thời Robert O’Brien nói với The Wall Street Journal hồi tháng 02/2020.

Tương tự, công ty viễn thông di động và điện thoại cố định của Hà Lan KPN từng sử dụng công nghệ của Huawei từ năm 2009 trước đó đã được cơ quan tình báo nội địa Hà Lan AIVD cảnh báo về các hoạt động gián điệp.

Một bản báo cáo năm 2010 được cung cấp cho KPN đã xác nhận các hoạt động giám sát của Huawei như nghe trộm các khách hàng mạng di động Hà Lan, bao gồm cả thủ tướng và các quan chức chính phủ, lấy các liên hệ cá nhân từ các thiết bị di động, cũng như việc họ có khả năng vô hiệu hóa toàn bộ mạng viễn thông này. Tuy nhiên, bản báo cáo đã được giữ bí mật cho đến khi tờ báo Hà Lan de Volkskrant viết bài phơi bày hoạt động của Huawei hồi tháng Tư năm nay.

Cũng trong năm 2019, hai nhân viên Huawei bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Cộng đã bị phanh phui ở Ba Lan và ở Cộng hòa Czech.

Một giám đốc bán hàng của Huawei tại Ba Lan đã bị các nhà chức trách Ba Lan bắt giữ vì các cáo buộc rằng công việc của ông này với Huawei [chỉ] là bình phong để làm gián điệp cho Trung Cộng. Huawei đã chấm dứt hợp đồng với nhân viên này ngay sau khi ông ta bị bắt, và tuyên bố rằng “các cáo buộc đó không liên quan gì đến công ty.”

Hai cựu nhân viên của Huawei tại Cộng hòa Czech nói với đài phát thanh công cộng Czech rằng họ đã thu thập và chia sẻ thông tin nhạy cảm của khách hàng với Trung Cộng. Dữ liệu này được nhập vào cơ sở dữ liệu nội bộ do trụ sở chính của Huawei tại Trung Quốc quản lý. Các khách hàng là mục tiêu bao gồm cả các quan chức chính phủ, chủ yếu là giám đốc sở hoặc thứ trưởng, những người sau đó sẽ được mời tham dự một hội nghị hoặc một chuyến đi đến Trung Quốc.

Huawei đã nhiều lần phủ nhận làm việc với Trung Cộng.

Trung Cộng đã sử dụng Huawei để mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trực tuyến tại Phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York hôm 21/09/2021. (Ảnh: Spencer Platt/POOL/AFP qua Getty Images)

Liên Hiệp Quốc

Bản báo cáo chỉ ra rằng tính đến tháng 08/2021, bốn cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp Quốc đều do những công dân Trung Quốc đứng đầu. Bản báo cáo cho hay, “những vị trí lãnh đạo như vậy, mặc dù không thể điều khiển hoàn toàn các cơ quan này, nhưng có thể đem lại cho Trung Cộng cơ hội để nâng cao tầm ảnh hưởng của mình, chẳng hạn như trong quá trình xác lập các tiêu chuẩn quốc tế.”

Ông Lý Dũng (Li Yong), cựu Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc, đã lãnh đạo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) từ năm 2013. Ông Lý đã thành lập một văn phòng mới thuộc UNIDO để kiểm soát những quốc gia đủ điều kiện tham gia loại chương trình đối tác liên quan và bổ nhiệm một quan chức khác của Trung Cộng quản lý văn phòng này. Ông Lý cũng thúc đẩy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là Một vành đai, Một con đường) của Bắc Kinh, trong đó Huawei là một nhân tố đóng vai trò chủ chốt. Tháng 11/2019, ông Lý đã đã ký hợp đồng với phó chủ tịch Huawei để gia tăng tác giữa UNIDO và Huawei.

Ông Triệu Hậu Lân (Zhao Houlin), người từng làm việc tại Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin tại Trung Quốc, là phó bí thư và về sau là bí thư của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) từ năm 2007. Vào nhiều dịp, ông Triệu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số của Trung Quốc (DSR), một kế hoạch dài hạn nhằm dẫn dắt thế giới vào kết nối toàn cầu theo một trật tự kỹ thuật số toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm, còn công nghệ của Huawei hỗ trợ cho sáng kiến ​​này.

Tại Diễn đàn Vành đai và Con đường đầu tiên hồi tháng 05/2017, ông Triệu cho biết các công nghệ 5G của Huawei không gây ra các vấn đề về bảo mật. Năm 2020, Huawei cùng các công ty quốc doanh khác và các cơ quan chính quyền của Trung Quốc đã đề nghị với ITU một tiêu chuẩn mới khác biệt hoàn toàn cho công nghệ internet, vốn đòi hỏi sự can thiệp nhiều hơn từ chính phủ.

Liên kết với cơ quan tình báo và quân đội

Bản báo cáo của Pháp cho biết người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), có liên hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc. Trong những năm 1990, Huawei đã xây dựng một mạng lưới thông tin liên lạc dùng cho mục đích quân sự, mạng lưới này đã thiết lập mối liên hệ đối tác đặc biệt giữa công ty và Quân đội Giải phóng Nhân dân.

Năm 2013, Cục Tình báo Ấn Độ đã báo cáo rằng Huawei và ZTE, một công ty viễn thông khác của Trung Quốc, là một phần của Chương trình Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao (863) của quân đội Trung Quốc. Theo chương trình này, Huawei tập trung vào thiết bị chuyển mạch và bộ định tuyến. Tại thời điểm đó, Huawei đã hoạt động ở Ấn Độ hơn 12 năm với các trung tâm R&D có hơn 6,000 nhân viên.

Bản báo cáo đã trích dẫn cuộc điều tra của Forbes về Huawei và Công ty Công nghệ Thông tin Boyu Quảng Châu (hay còn gọi là Boyusec), vốn được xác định là một trong những nhóm tin tặc của Trung Quốc. Năm 2014, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã truy tố ba tin tặc Trung Quốc có liên hệ với Boyusec và xác định họ là đồng sáng lập, giám đốc điều hành và một nhân viên của công ty này. Boyusec là một nhà thầu của nhà cầm quyền Trung Cộng có liên kết với nhóm tin tặc APT3, nhóm đã tích cực nhắm vào Hồng Kông và Hoa Kỳ.

Một bản báo cáo tháng 11/2016 của Washington Free Beacon nêu rõ: “Theo một bản báo cáo nội bộ của Ban giám đốc tình báo J-2 của Bộ Tham mưu Liên quân của Ngũ Giác Đài, Boyusec và Huawei đang làm việc cùng nhau để sản xuất các sản phẩm bảo mật sẽ được đưa vào thiết bị điện thoại và máy điện toán do Trung Quốc sản xuất.” “Các sản phẩm được cải biến sẽ cho phép tình báo Trung Quốc nắm bắt dữ liệu và điều khiển các thiết bị máy điện toán và viễn thông.”

Huawei đã bác bỏ nhận định này và tuyên bố rằng họ chỉ yêu cầu Boyusec cung cấp phân tích bảo mật.

Lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương

Nhà nghiên cứu người Đức Adrian Zenz là chuyên gia hàng đầu về cuộc khủng hoảng người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Bản báo cáo của Pháp đã dẫn lời ông Zenz nói rằng Huawei có liên quan đến việc giám sát và giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trung Cộng đã sử dụng Huawei để mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu
Bức tường bên ngoài của cái gọi là “trại cải tạo” được trang bị một số camera giám sát ở khu vực Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc hôm 31/05/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Huawei đã bác bỏ cáo buộc này.

Trong một báo cáo hồi tháng 06/2020, ông Zenz cho biết Huawei “có tham gia kinh doanh với các cơ quan an ninh ở Tân Cương, đã làm việc với các cơ quan này trong nhiều năm về các giải pháp bảo mật chuyên dụng, được thực hiện theo yêu cầu, và thậm chí còn quảng cáo một cách tự hào về cách những giải pháp này đang được vận hành.”

Ông Zenz phát hiện ra rằng một cựu kỹ sư Huawei đã làm việc trong Dự án Giám sát An ninh Công cộng và Mạng Liên kết Video Kashgar. Kashgar là nơi sinh sống của đa số người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ông Zenz viết: “Bằng chứng hơn nữa về sự hợp tác của Huawei với các cơ quan an ninh của Tân Cương, trong đó có một hoạt động hợp tác nghiên cứu chiến lược với các cơ quan an ninh công cộng ở Urumqi, đã được các tổ chức khác – chẳng hạn như tờ Global and Main và Viện Chính sách Chiến lược Úc – mô tả.”

“Người ta còn có thể muốn nhấn mạnh thực tế rằng ông Phạm Lập Tân (Fan Lixin), phó giám đốc Cục Công an Tân Cương, đã ca ngợi sự hợp tác với Huawei là hoàn thành các mục tiêu chính của chiến lược an ninh nội địa của khu vực trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2015–2020).”

Những đường cáp dưới đáy biển

Bản báo cáo lưu ý rằng ở Á Châu, Trung Cộng sở hữu 30% tổng số cáp ngầm dưới đáy biển hiện có và hơn 50% trong số đang được xây dựng. Trên khắp thế giới, Trung Cộng sở hữu 11.4% số cáp ngầm dưới đáy biển đã được lắp đặt và 24% số cáp ngầm đang được xây dựng. Hơn nữa, Huawei còn ký hợp đồng xây dựng một tuyến cáp ngầm dưới đáy biển ở Nam Đại Tây Dương giữa Brazil và Cộng hòa Cameroon, kết nối Nam Mỹ và Phi Châu. Bản báo cáo cho biết China Unicom cũng tham gia.

Bản báo cáo cho hay, Trung Cộng có khả năng cắt cáp biển ở Á Châu, [một chiến thuật] có thể được sử dụng để tấn công Đài Loan. Trung Cộng cũng đang phát triển một hệ thống giám sát dưới đáy biển ở Biển Đông, đặc biệt là để giám sát các tàu ngầm của Hoa Kỳ.

Trung Cộng đã sử dụng Huawei để mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu
Mô hình của một khu vực thử nghiệm năng lượng sóng cho thấy các dây cáp dưới biển giữ máy móc tại Vịnh Kaneohe trên đảo Oahu ở Hawaii, hôm 26/07/2016. (Ảnh: Cathy Bussewitz/AP)

Ai là chủ sở hữu của Huawei?

Theo bản báo cáo của Pháp, dẫn lời ông Christopher Balding, giáo sư phụ tá tại Đại học Fulbright Việt Nam, Huawei là một doanh nghiệp nhà nước nằm dưới sự kiểm soát của Trung Cộng.

Huawei khẳng định rằng họ là một công ty tư nhân thuộc sở hữu của người sáng lập và toàn bộ nhân viên.

Tuy nhiên, ông Balding đã chỉ ra rằng Huawei Technologies được sở hữu 99% bởi Huawei Investment Holdings, một công ty hoàn toàn thuộc sở hữu của Ủy ban Công đoàn Huawei Investment Holdings. Theo luật pháp Trung Quốc, các ủy ban công đoàn là “các tổ chức công” không có cổ đông. Ví dụ về một tổ chức công là Đoàn Thanh niên Cộng sản, một tổ chức thuộc sở hữu của Trung Cộng.

Bản báo cáo cho biết, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Trung Quốc đều bị điều động đi thu thập dữ liệu cho Trung Cộng, và họ có nghĩa vụ pháp lý phải làm như vậy.

Bản báo cáo đã đưa ra một dòng thời gian, bắt đầu từ năm 2016, về cách Trung Cộng xây dựng khung pháp lý này. Năm 2016, ông Tập Cận Bình muốn các doanh nghiệp nhà nước phải “đưa sự lãnh đạo của Đảng vào tất cả các khía cạnh quản lý doanh nghiệp.”

Năm 2017, Trung Cộng đã thông qua Luật Tình báo Quốc gia. Theo Điều 7 của bộ luật này, tất cả các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc phải “hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác với các hoạt động thu thập thông tin tình báo của nhà nước, và bảo vệ bí mật quốc gia.” Điều này cũng áp dụng cho các công ty và công dân Trung Quốc ở ngoại quốc.

Năm 2020, bản báo cáo “Tăng cường Công tác Mặt trận Thống nhất của Doanh nghiệp Tư nhân” đã được phát hành nhằm củng cố hơn nữa ảnh hưởng của Đảng đối với các doanh nghiệp tư nhân này. Ông Scott Livingston, cựu chuyên gia phân tích tại Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết tài liệu này cho thấy Huawei không phải là một tổ chức kinh doanh độc lập.

Huawei đã không phúc đáp yêu cầu bình luận vào thời điểm phát hành bản tin này.

Kelly Song
Chánh Tín và Nhóm phụ trách tin tức Anh ngữ của Epoch Times Tiếng Việt biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn