MARY HONG

Trung Cộng đang phát động một chiến dịch “nghiên cứu và điều tra mạnh mẽ” thu hút sự tham gia của “toàn Đảng” nhằm tìm cách giải quyết điều mà đảng này gọi là “các vấn đề lớn và sâu xa” trong nội bộ đảng. Một số nhà bình luận cho rằng việc Trung Cộng quay lại một phong trào chính trị được sử dụng trong thời kỳ Mao Trạch Đông biểu thị cuộc đấu đá mà nhà lãnh đạo cộng sản Tập Cận Bình và đội ngũ gồm những người trung thành của ông phải đối mặt.

Hôm 19/03, Trung Cộng đã ban hành một “Kế hoạch Công tác” để toàn Đảng thực hiện “một cách mạnh mẽ”. Tài liệu này yêu cầu huy động toàn Đảng Cộng sản điều tra và nghiên cứu các vấn đề cản trở việc áp dụng “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội Đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại Mới” và việc thực hiện lý luận, đường lối, nguyên tắc, và chính sách của Đảng.

Phong trào toàn đảng của ông Mao

Nhà bình luận Vương Hách cho biết bản thân Kế hoạch Công tác này mô tả những nguy cơ mà Trung Cộng phải đối mặt. Cách tiếp cận lôi kéo toàn bộ Đảng Cộng sản giải quyết một cuộc khủng hoảng không phải là mới: Cả ông Mao Trạch Đông lẫn ông Đặng Tiểu Bình đều đề ra những phương pháp tương tự. Ông Vương nói rằng “Trong lịch sử, Trung Cộng luôn giải quyết ‘các khó khăn’ bằng cách tự cho là ‘có tư tưởng cởi mở’, và kêu gọi ‘những góp ý’ để xoa dịu các cuộc khủng hoảng chính trị.”

Phong trào điều tra của Trung Cộng có sự tham gia của toàn Đảng lần đầu tiên được áp dụng năm 1961, khi kế hoạch kinh tế của ông Mao Trạch Đông – Đại Nhảy Vọt – phải đối mặt với những lời chỉ trích.

Nhằm rũ sạch những lời chỉ trích, ông Mao đề nghị rằng mọi viên chức cần tham gia vào việc điều tra các vấn đề để điều chỉnh phương hướng của Đảng trong phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Trung Cộng vào tháng 01/1961.

Đại Nhảy Vọt cuối cùng đã dẫn đến Nạn Đói Lớn 1958–1962.

Trung Cộng phát động cuộc ‘điều tra toàn đảng’, lặp lại các phong trào thời Mao Trạch Đông
Các nhân viên của khách sạn Tân Kiều ở Bắc Kinh xây dựng trong sân khách sạn (nền) một lò luyện thép nhỏ và thô sơ trong thời kỳ “Đại Nhảy Vọt” vào tháng 10/1958. Nạn đói sau đó khiến Trung Quốc thiệt hại khoảng 30 triệu sinh mạng. (Ảnh: Jacquet Francillon/AFP qua Getty Images)

Sau phiên họp toàn thể lần thứ 9 đầu năm 1962, Trung Cộng đã tổ chức một trong những cuộc họp lớn nhất của mình, còn được gọi là hội nghị 7,000 người.

Tại hội nghị này, tất cả các công chức đều phải “phê bình và tự phê bình”, kể cả chính sách của ông Mao cũng bị chỉ trích.

Mặc dù ông Mao tự mình thực hiện việc tự phê bình theo yêu cầu của hội nghị, nhưng cuộc đấu tranh chính trị của ông cuối cùng đã phát triển thành Phong trào Giáo dục Xã hội Chủ nghĩa năm 1963, và cuối cùng là Cách mạng Văn hóa bắt đầu năm 1966.

Ông Yaita Akio, giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ báo Nhật Bản Sankei Shimbun, cũng so sánh những khó khăn về kinh tế hiện tại của Trung Quốc với thời đại của ông Mao – khi Trung Cộng che đậy sự thất bại của Đại Nhảy Vọt và số người tử vong quá lớn.

Ông nói: “Trung Cộng biết những lời dối trá và dữ liệu bịa đặt không còn có thể che giấu thực tế khốn khổ ngày nay.” Ông nói rằng đó là lý do vì sao Trung Cộng nghĩ ra phong trào hiện nay.

Ông Yaita chỉ ra rằng đề nghị của ông Mao đã dẫn đến hội nghị 7,000 người và sau đó là thời gian bất ổn ngắn ngủi trong sự lãnh đạo của ông ta. Điều gì sẽ xảy ra với ông Tập, về mặt chính trị, thì vẫn còn phải chờ xem.

Cuộc khủng hoảng quyền lực của ông Tập

Tác giả Lý Miễn Ánh (Li Mianying) nói rằng ông Tập có thể sẽ khai thác chiến dịch toàn quốc này để nhắm mục tiêu vào các đối thủ hoặc các vấn đề cụ thể mà không sợ bị chỉ trích.

Kế hoạch Công tác cho thấy rằng cuộc điều tra này sẽ trực tiếp nhắm đến và giải quyết mọi rào cản trong việc hoàn thành hệ tư tưởng và giáo dục xã hội chủ nghĩa của chế độ. Kế hoạch này yêu cầu toàn bộ nhân sự phải “trung thực” trong việc giải quyết các vấn đề.

Ông Vương Hách nói rằng quyền lực tối cao của ông Tập trong Đảng Cộng sản hoàn toàn trái ngược với việc ông không có quyền lực cá nhân. Ông Tập khó chịu trước thực tế là ít người trong chế độ thực sự cố gắng thực hiện các chính sách của ông, bởi vì các quan chức tại tất cả các cấp dường như đã kiệt sức sau ba năm thực hiện chính sách zero COVID. Ông Vương nói rằng “Chiến dịch toàn quốc này cho thấy ý định tấn công các cấp dưới của ông ấy.”

Ông Vương khẳng định rằng tất cả các quan chức của chế độ cộng sản đều nhận thức đầy đủ rằng mọi người chỉ đơn giản là xuôi theo, và không ai thực sự đối đãi đúng đắn với việc đó. Ông Vương nói rằng, theo ý kiến ​​của ông, chiến dịch này có thể sẽ trở thành một thất bại chính trị.

Ông Yaita đồng tình. Ông cho biết: “Loại phong trào này sẽ không đạt được bất cứ điều gì,” bởi vì không có quan chức nào dám trung thực dưới sự cai trị của Trung Cộng.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), Giáo sư Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết sự lãnh đạo của Trung Cộng sẽ không chấp nhận sự trung thực. Ông nói, “Khi đảng này nói về tự do, thì đó là chế độ nô lệ; khi đảng này yêu cầu sự trung thực, thì chính là đang khuyến khích nói dối.”

Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung, Lạc Á, và Dịch Như
Cẩm An biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn