Trung Cộng quảng bá phim chiến tranh nặng tinh thần chống Mỹ nhân dịp kỷ niệm sự cai trị
Trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh của họ vừa qua, Trung Cộng đã quảng bá một bộ phim nặng tinh thần chống Mỹ và ca ngợi sự cai trị độc đảng của nhà cầm quyền này.
Trung Cộng đã đánh dấu kỷ niệm ngày bắt đầu cầm quyền tại Trung Quốc hôm 01/10. Kỳ nghỉ kéo dài bảy ngày này, kết thúc vào hôm 07/10 và được gọi là Tuần lễ Vàng, đã có sự kiểm soát chặt chẽ trong việc phát hành phim và thực thi một lệnh cấm không chính thức đối với các tác phẩm ngoại quốc, bao gồm cả các bộ phim bom tấn của Hollywood, vì lúc đảng này nỗ lực để giữ quyền kiểm soát tình cảm của công chúng – thứ cần thiết cho việc bảo vệ quyền cai trị của họ.
Theo đó, dữ liệu chính thức cho thấy một bộ phim nội địa về đề tài Chiến tranh Triều Tiên đã trở thành một bom tấn ăn khách, thu về hơn 465 triệu USD tính đến ngày thứ tám công chiếu.
Dưới nhan đề “Trận chiến ở hồ Trường Tân” (The Battle At Lake Changjin), bộ phim chiến tranh dài ba tiếng này ca ngợi chiến thắng của quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến với lực lượng Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo vào thời Chiến tranh Triều Tiên (1950–1953), được biết đến nhiều hơn tại Hoa Kỳ với tên gọi Battle of Chosin Reservoir.
Theo Nghị quyết 84 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, lực lượng đội quân đa quốc gia này đã chiến đấu với một cuộc tấn công vũ trang bị cho là “vi phạm hòa bình” của các lực lượng Triều Tiên nhắm vào Nam Hàn.
Vào mùa đông năm 1950, cựu lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông đã gửi hàng triệu binh lính đến chiến đấu cùng với quân đội Bắc Hàn, chống lại quân đội Mỹ, Anh Quốc, và Nam Hàn.
Quân đội Bắc Hàn cuối cùng đã bị đẩy lùi về vĩ tuyến 38, chia cắt hai miền Nam Bắc kể từ năm 1945. Cuộc chiến kết thúc không chính thức ba năm sau đó trong một phiên ngừng bắn, không có hiệp ước hòa bình nào được ký kết. Bình Nhưỡng đã từ chối lời kêu gọi của Nam Hàn về việc chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Mặc dù Triều Tiên thất bại trong việc giành quyền kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực quân sự, nhưng Trung Quốc vẫn tự hào về cuộc chiến đấu toàn dân tộc như là một “Cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Hoa Kỳ và Viện trợ cho Triều Tiên” thành công. Các chuyên gia ước tính cuộc chiến này đã tổn hại tới 1 triệu sinh mạng.
Theo truyền thông nhà nước thì giám đốc sản xuất phim cho biết bộ phim do chính phủ tài trợ này đã nhận được những khoản đầu tư lớn.
“Tổ quốc sẽ không quên,” câu khẩu hiệu điện ảnh của bộ phim nêu rõ.
Một bộ phim khác có chủ đề yêu nước đã được phê duyệt để phát hành trong kỳ nghỉ lễ, “Tổ quốc tôi, Cha tôi”, do một số nhân vật nổi tiếng Trung Quốc đồng đạo diễn, kể cả Chương Tử Di, nữ diễn viên từng chỉ trích Dolce & Gabbana năm 2018 vì đã “tự làm xấu bản thân” giữa bối cảnh hãng thời trang này bị cáo buộc bôi nhọ Trung Quốc.
Sự việc diễn ra sau khi thương hiệu thời trang cao cấp của Ý này đăng các video quảng cáo trên các tài khoản mạng xã hội, cho thấy cảnh một người mẫu thương hiệu đang học cách dùng đũa để ăn đồ ăn Ý.
Thế mà, cư dân mạng Trung Quốc lại cho đó là sự chế nhạo văn hóa Trung Quốc, và đã nhanh chóng tạo ra một làn sóng phản đối trên toàn quốc, kêu gọi tẩy chay và hủy bỏ một trong những buổi trình diễn lớn nhất của hãng này tại Thượng Hải.