Trung Cộng thanh trừng chuyên gia hàng đầu về vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc
Jessica Mao và Michael Zhuang
Nhà khoa học Trung Quốc Dương Hiểu Minh (Yang Xiaoming) – nhà nghiên cứu trưởng dẫn dắt việc phát triển vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc – đang bị điều tra và đã bị khai trừ khỏi Quốc hội.
Ngày 23/04, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng ông Dương đã bị tước chức đại biểu Quốc hội Nhân dân Toàn quốc của Trung Cộng “do vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.”
Ông Dương sinh năm 1962 và đã tham gia sâu rộng vào hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, và quản lý các sản phẩm sinh học. Ông là chủ tịch Tập đoàn National Biotec Group, công ty chi nhánh sản xuất vaccine của Sinopharm, kể từ năm 2010.
Người đứng đầu dự án Vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc
Ông đã nhận được sự công nhận tại Trung Quốc nhờ vai trò lãnh đạo trong việc phát triển vaccine COVID-19 bất hoạt đầu tiên của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19. Ngày 30/12/2020, vaccine do Sinopharm phát triển đã được cơ quan chức năng Trung Quốc phê chuẩn, trở thành vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được sản xuất trong nước của Trung Quốc.
Đến tháng 04/2021, ông Dương cho biết tại một sự kiện công khai rằng “Trung Quốc đã phát triển vaccine COVID-19 bất hoạt chỉ trong 98 ngày.”
Trong buổi phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc, ông cũng đề cập rằng toàn bộ quá trình từ phê chuẩn dự án đến nghiên cứu, phát triển, và đưa vaccine ngừa COVID-19 của China National Biotec ra thị trường chỉ mất hơn 330 ngày; mà từ góc độ khoa học, đây là một khoảng thời gian ngắn chưa từng có.
Trên bình diện quốc tế, việc phát triển và ra mắt một loại vaccine thường mất hơn 10 năm. Ngay cả trong những trường hợp nhanh hơn, thường phải mất từ 5 đến 6 năm.
Những lý do đằng sau việc ông Dương bị khai trừ
Ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jinyuan), nhà bình luận các vấn đề về Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, tin rằng việc ông Dương bị khai trừ có thể liên quan đến sự bùng phát cục bộ các tác dụng phụ của vaccine Sinopharm.
Hôm 28/04, ông Đường chia sẻ với The Epoch Times rằng sau khi vaccine ngừa COVID-19 của Trung Cộng ra mắt trên thị trường, người dân Trung Quốc thường bị buộc phải chích từ hai đến ba liều, dẫn đến sự gia tăng liên tục số lượng phản ứng phụ sau chích ngừa. Ông tin rằng một khi các phản ứng phụ đối với vaccine bước vào giai đoạn bùng phát cục bộ (concentrated outbreak phase), chính quyền Trung Cộng sẽ không thể tiếp tục che giấu được nữa.
“Vì vậy, tôi tin rằng Trung Cộng có thể sẽ sử dụng phương pháp này để đẩy trách nhiệm trước, biến ông Dương Hiểu Minh thành con dê tế thần gánh trách nhiệm,” ông nói. “Nếu xảy ra phản ứng phụ đối với vaccine trên quy mô lớn, mọi người sẽ yêu cầu trách nhiệm và bồi thường. Trung Cộng có thể đẩy toàn bộ trách nhiệm sang cho ông Dương Hiểu Minh, tuyên bố rằng vaccine do ông ấy phát triển chính là nguyên nhân.”
Ông Lại Kiến Bình, cựu luật sư tại Bắc Kinh và là Chủ tịch Mặt trận Dân chủ Canada, tin rằng ông Dương là nhân vật chủ chốt trong chiến lược chống COVID-19 của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Vì vậy, thật khó tin một nhà khoa học hàng đầu như vậy lại ngã ngựa vì tham nhũng.
Ông Lại chia sẻ với The Epoch Times rằng để duy trì chế độ độc tài của mình, Trung Cộng thường ưu tiên lòng trung thành và sự phục tùng chính trị hơn là quan tâm tới hoạt động tham nhũng của các quan chức. Ông tin rằng việc ông Dương bị khai trừ hẳn là liên quan đến các vấn đề chính trị nhạy cảm, có thể liên quan đến sự bất trung trong chính trị, hoạt động gián điệp, hoặc rò rỉ thông tin mật mà ông này có thể có được trong quá trình phát triển vaccine ngừa COVID-19 – là điều mà chính quyền này coi là mối đe dọa.
Phản ứng phụ của vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Sinopharm, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, đã sản xuất vaccine đầu tiên được phê chuẩn để sử dụng khẩn cấp tại Trung Quốc. Đây cũng là loại vaccine được phê chuẩn để sử dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu, trong số tất cả các loại vaccine do Trung Quốc sản xuất.
Tuy nhiên, tính hiệu quả và an toàn của vaccine này vẫn còn nhiều nghi vấn ở cả trong nước lẫn quốc tế. Nhiều người đã phàn nàn trên mạng xã hội về nhiều phản ứng phụ khác nhau sau khi chích vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc – bao gồm phát ban giống bệnh sởi, bệnh bạch cầu, bệnh tim, và số lượng lớn các ca đột tử sau khi chích vaccine.
Tháng 01/2024, anh Giang Dũng (bí danh), một cư dân ở Nam Thông, Trung Quốc, đã chia sẻ với The Epoch Times rằng có hơn 10 người thân của anh đã qua đời trong vòng một năm sau khi chích vaccine. Anh nói rằng người dân ở mọi độ tuổi đều mắc nhiều bệnh khác nhau sau khi chích ngừa, như tiểu đường, bệnh bạch cầu, rối loạn tủy sống, thiếu máu, và các bệnh khác.
Ngày 03/12/2023, ông Khâu Dũng Tài, 40 tuổi, giáo sư Đại học Công nghệ Miền Nam Trung Quốc, đã qua đời. Trước khi qua đời, ông đã được cấy ghép tế bào gốc tạo máu. Ông đã đăng trên WeChat – nền tảng truyền thông xã hội bị kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc – rằng nguyên nhân [căn bệnh] rất có thể là do tác dụng phụ của vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc. Tuy nhiên, bài viết này nhanh chóng bị kiểm duyệt.
Tháng 06/2022, hơn một ngàn vị phụ mẫu ở Trung Quốc đã gửi thư ngỏ, cáo buộc rằng các công ty như Sinopharm và Sinovac Biotech đã khiến con họ bị bệnh tiểu đường loại 1 sau khi chích vaccine bất hoạt do các công ty này sản xuất. Giờ đây, những đứa trẻ này cần phải chích insulin suốt đời.
Tháng 05/2022, những bệnh nhân bạch cầu từ hơn 30 tỉnh ở Trung Quốc đã đưa ra hai bức thư ngỏ, nói rằng họ được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu sau khi chích vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất. Họ đã bị Trung Cộng đàn áp và bị cấm liên lạc với giới báo chí hoặc thuê luật sư đại diện cho họ.
Trước áp lực liên tục của dư luận, trước đó Trung Cộng đã tuyên bố rằng tất cả “các lãnh đạo đảng và nhà nước hiện tại” cũng như các quan chức cao cấp, đều đã chích vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyên bố này nhanh chóng nhận được phản ứng dữ dội từ dư luận Trung Quốc. Các quan chức Trung Cộng cũng kịch liệt phủ nhận cáo buộc cho rằng vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc dẫn đến bệnh bạch cầu và tiểu đường.