Trung Cộng vẫn chưa phải trả giá cho chính sách ‘Ngoại giao con tin’
Sau khi chính phủ Canada bắt giữ Giám đốc Điều hành Huawei Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ ngày 01/12/2018, Bắc Kinh đã cảnh báo Canada về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu bà này không được trả tự do. Vài ngày sau đó, nhà cầm quyền này đã bắt giữ các công dân Canada là ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor. Sau đó, Bắc Kinh đã chặn nông sản Canada nhập cảng vào Trung Quốc.
Nhưng ngoài sự thay đổi trong giọng điệu có phần cứng rắn hơn của Ottawa, Bắc Kinh đã không bị buộc phải trả giá cho điều mà một số người gọi là “ngoại giao con tin”.
Với việc ông Kovrig và ông Spavor vừa bị xét xử kín ở Trung Quốc mà không có đại diện của lãnh sự quán, sau đây hãy cùng nhìn lại một số biện pháp mà Canada đã sử dụng trong quá khứ để đáp trả những hành động thù địch của các chính phủ nước ngoài, và một số cách tiếp cận mà các nhà quan sát đã gợi ý để chống lại những thù địch của Bắc Kinh hiện nay.
Mối liên hệ ngoại giao
Khi phóng viên ảnh người Canada gốc Iran Zahra Kazemi bị tra tấn và sát hại tại Iran, chính phủ Đảng Tự Do của ông Jean Chrétien đã triệu hồi đại sứ Canada từ Iran. Khi quân đội Nga xâm chiếm miền Đông Ukraine, chính phủ Đảng Bảo Thủ của ông Stephen Harper đã triệu hồi đại sứ Canada từ Moscow và hạn chế liên hệ ngoại giao với Nga sau.
Dựa trên hồ sơ tháng 11/2020 của Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada (Global Affairs Canada), Trung Quốc có 159 nhà ngoại giao ở Canada – con số cao nhất sau đồng minh Hoa Kỳ thân cận nhất với 168 đại diện ở Canada. Để so sánh thì, Vương quốc Anh, là một đồng minh thân cận khác, chỉ có 28 nhà ngoại giao ở Canada.
Chính phủ Canada đã không hạn chế các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc ở Canada dưới bất kỳ hình thức nào kể từ khi ông Kovrig và ông Spavor bị bắt, sự việc mà Ottawa gọi là “tùy tiện”. Ngược lại, Trung Quốc đã hạn chế quyền tiếp cận của lãnh sự quán đối với hai công dân Canada này và từ chối cho các nhà ngoại giao Canada tham dự phiên tòa xét xử họ.
Đại sứ Trung Cộng đã nhiều lần chỉ trích Canada mà không hề bị Ottawa phản đối. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Trung Cộng tiếp tục xuất hiện với tư cách chính thức tại các địa điểm khác nhau ở Canada.
Thế vận hội Bắc Kinh 2022
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã trao quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008 cho Bắc Kinh dựa trên lời hứa về việc cải thiện hồ sơ nhân quyền của nhà cầm quyền này. Vào thời điểm đó, danh sách dài các vi phạm nhân quyền bao gồm việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Cơ đốc giáo, và các học viên Pháp Luân Công, mà sau cùng vào hai năm trước đã được các nhà nghiên cứu Canada xác nhận là những nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng được Trung Cộng cho phép.
Kể từ đó, các hoạt động thu hoạch nội tạng bất hợp pháp của Trung Quốc đã mở rộng sang sử dụng người Duy Ngô Nhĩ làm nạn nhân trên quy mô lớn. Và cuộc đàn áp của nhà cầm quyền này đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã leo thang đến mức Hạ viện Canada và hai thời chính phủ của Hoa Kỳ hiện đã công nhận đó là tội ác diệt chủng.
Tuy nhiên, một lần nữa, Trung Quốc đã được trao quyền đăng cai Thế vận hội vào mùa đông năm 2022.
Trong một cuộc bỏ phiếu vào ngày 22/02 mà toàn bộ nội các của Đảng Tự Do đã bỏ phiếu trắng, các nghị sĩ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 229–29 để thúc giục IOC dời Thế vận hội năm 2022 ra khỏi Trung Quốc.
Chính phủ liên bang từ chối đưa ra quyết định về việc các vận động viên Canada có nên tham gia Thế vận hội 2022 hay không, phó mặc điều này cho Ủy ban Olympic Canada, nơi đã cho biết họ có kế hoạch gửi các vận động viên đến Trung Quốc.
Canada cũng vẫn cho phép các vận động viên Trung Quốc tập luyện trên đất Canada cho Thế vận hội 2022. Ông Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, đã kêu gọi trục xuất họ nhằm đáp lại các biện pháp trả đũa của Trung Cộng sau khi bà Mạnh bị bắt.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Á Châu
Hôm 22/03, bà Candice Bergen, nghị sĩ Đảng Bảo Thủ nói tại Hạ viện rằng trong khi ông Kovrig và ông Spavor “đang có mặt tại phiên tòa chiếu lệ của Trung Quốc,” thì chính phủ của Đảng Tự Do vừa gửi khoảng 40 triệu USD vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Á Châu của Trung Quốc (AIIB).
Ottawa trở thành thành viên của AIIB vào năm 2017 và đã cam kết đóng góp 200 triệu USD trong vòng 5 năm. Ngân hàng phát triển quốc tế do Bắc Kinh điều hành và kiểm soát này được thành lập năm 2016 để cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển Á Châu và Ngân hàng Thế giới.
Đảng Bảo Thủ đã yêu cầu Canada rút vốn đầu tư do thái độ thù địch của Bắc Kinh đối với Canada.
Huawei
Canada là nước đứng ngoài cuộc trong liên minh tình báo Ngũ Nhãn, nơi mà các quốc gia khác đã hoặc cấm Huawei khỏi mạng lưới 5G của họ hoặc đã lên kế hoạch loại bỏ Huawei (như trường hợp của Anh Quốc).
Đại công ty viễn thông Trung Quốc này, mặc dù là một công ty tư nhân, nhưng có liên kết khăng khít với Trung Cộng, và việc bắt giữ bà Mạnh là lý do khiến Bắc Kinh trả đũa. Họ bắt giam ông Kovrig và ông Spavor vì điều mà khắp nơi cho là những cáo buộc vô căn cứ.
Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc yêu cầu tất cả các công ty và công dân Trung Quốc phải hỗ trợ và hợp tác với các cơ quan tình báo của nhà cầm quyền này.
Đảng Bảo Thủ và nhiều nhà quan sát Trung Quốc ở Canada nói rằng Canada cần phải cấm Huawei khỏi các mạng lưới 5G của nước này.
Tuy nhiên, hồi tháng 02/2021, tờ The Globe and Mail đưa tin rằng chính phủ liên bang đang hợp tác với Huawei để tài trợ cho các phòng nghiên cứu tại các trường đại học Canada bất chấp những lo ngại về an ninh.
Lệnh cấm nhập cảng
Sau khi Hoa Thịnh Đốn áp thuế lên mặt hàng nhôm Canada vào năm 2020, Ottawa đã đáp trả bằng kế hoạch riêng lên các sản phẩm nhôm của Hoa Kỳ.
Ngay sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc đã cấm một số mặt hàng nhập cảng của Canada, bao gồm cả hạt cải dầu và các sản phẩm nông nghiệp khác, nhưng Ottawa đã không trả đũa.
Ông Scott Moe, Thủ hiến tỉnh Saskatchewan, đã kêu gọi Ottawa áp đặt các chiến thuật thương mại có đi có lại để đáp trả, nhưng cho đến nay Trung Quốc chưa phải trả bất kỳ cái giá nào cho các lệnh cấm nhập cảng đối với Canada.
Sự bùng phát virus
Trong những ngày đầu của đại dịch vào năm 2020, Canada là một quốc gia kỳ quặc so với các đồng minh thân cận khi tiếp tục cho phép các chuyến bay đến từ Trung Quốc, một hành động đã được Bắc Kinh ca ngợi.
Bà Patty Hajdu, Bộ trưởng Y tế Canada, đã ca ngợi phản ứng ban đầu của Trung Cộng trong đợt bùng phát đó, và bác bỏ câu hỏi của một ký giả về việc liệu Trung Quốc có thể đang báo cáo không đầy đủ tỷ lệ nhiễm bệnh của nước này hay không.
Canada đã gửi 16 tấn dụng cụ bảo hộ cá nhân (PPE) cho Trung Quốc trong những ngày đầu của đại dịch, trong khi về sau xuất hiện tin tức nói rằng Trung Quốc đang đầu cơ tích trữ nguồn cung PPE toàn cầu. Ngay sau đó, các chuyên gia y tế Canada đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt PPE.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng khi đó nói rằng, “Chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến Canada vì đã hỗ trợ và giúp đỡ Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.”
Tuy nhiên, bất chấp cách tiếp cận của Canada, hoàn cảnh của ông Kovrig và ông Spavor vẫn không có chiều hướng tốt hơn. Trong khi đó, Trung Quốc đã tìm thấy tiếng nói thân thiện từ phía Canada trong việc giải quyết đại dịch.
Nhân quyền và trừng phạt
Ngày 22/03, theo bước Liên minh Âu Châu, Canada đã tham gia cùng các đồng minh nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bốn quan chức và một tổ chức ở Trung Quốc vì “những vi phạm nhân quyền thô bạo có hệ thống” đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Thủ tướng Justin Trudeau nói rằng các lệnh trừng phạt không liên quan với việc giam giữ ông Kovrig và ông Spavor.
Canada đã ban hành luật Magnitsky vào năm 2017 và ngay sau đó đã sử dụng luật này để xử phạt các quan chức ở Nga, Nam Sudan, và Venezuela, trong số những quốc gia khác, vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, chứ không phải Trung Quốc. Một nhóm thượng nghị sĩ Canada đã thúc giục ông Trudeau sử dụng luật này để chống lại Trung Quốc vì nước này giam giữ ông Kovrig và ông Spavor, đàn áp quyền dân chủ ở Hồng Kông, và các hành vi lạm quyền khác.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã áp luật Magnitsky cũng như các biện pháp trừng phạt khác lên Trung Quốc liên quan đến những ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng, và người dân Hồng Kông.
Cả chính phủ ông Trump và ông Biden đều nhìn nhận chiến dịch chống lại người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh là tội ác diệt chủng. Vào hôm 22/02, các nghị sĩ Canada đã bỏ phiếu với tỷ lệ 266–0 cho đề nghị của Đảng Bảo Thủ công nhận cuộc đàn áp đó là tội diệt chủng, nhưng ông Trudeau và nội các của ông đã bỏ phiếu trắng cho đề nghị này.
Canada cũng còn phải ban hành luật chống buôn bán nội tạng quốc tế để có thể thực hiện các biện pháp chống lại nạn thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm do Trung Cộng bảo trợ. Dự luật đã được đệ trình trong các nghị viện trước đây, khi những dự luật cá nhân nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nghị sĩ. Tuy nhiên, trước khi dự luật có thể hoàn tất quá trình trở thành luật, thì mỗi lần nhóm họp đều bị giải tán trước khi tiến hành bỏ phiếu cho dự luật này.
Một vài quốc gia, trong đó có Đài Loan, Tây Ban Nha, Na Uy, và Israel, đã ban hành luật về vấn đề này.
Mối liên kết quân sự
Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, Canada đã đình chỉ gần như tất cả các liên kết quân sự với Nga và trục xuất 9 binh sĩ Nga đang huấn luyện tại Canada.
Tuy nhiên, các tài liệu nội bộ của chính phủ cho thấy trong trường hợp của Trung Quốc, Bộ Các vấn đề Toàn cầu đã thúc ép Bộ Quốc phòng (DND) duy trì liên kết quân sự với Trung Cộng sau khi Bắc Kinh vừa giam giữ ông Kovrig và ông Spavor hồi tháng 12/2018. Các tài liệu này cho thấy DND đã hủy bỏ khóa huấn luyện chung mùa đông của Canada với Trung Quốc sau khi Hoa Kỳ gây áp lực về những lo ngại an ninh.
Một báo cáo của Glacier Media hồi tháng 01/2021 cho biết, kể từ năm 2013, Viện Tư pháp tỉnh British Columbia đã chấp nhận gần 2,000 chuyên gia thực thi pháp luật Trung Quốc đến đào tạo tại tỉnh này. Các nhà phê bình cho rằng điều này làm dấy lên những lo ngại về an ninh.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.