Trung Quốc: Báo cáo bị rò rỉ tiết lộ khủng hoảng tài chính ở thành phố Đại Liên
Từ lâu, giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế nghi ngờ do thiếu minh bạch. Gần đây, các tài liệu nội bộ của chính phủ bị rò rỉ từ thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, cho thấy một bức tranh kinh tế tồi tệ của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở các khu vực khác nhau kể từ hồi tháng 7.
Trong khi nền kinh tế toàn cầu đã suy giảm mạnh trong năm nay do đại dịch COVID-19, và nền kinh tế của hầu hết các quốc gia đều có tốc độ tăng trưởng âm, thì Trung Quốc đã báo cáo GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) tăng 3.2% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Thống kê Quốc gia.
Tuy nhiên, các tài liệu bị rò rỉ do The Epoch Times thu thập được cho thấy kinh tế của thành phố Đại Liên đã lao dốc trong nửa đầu năm 2020 và nợ của chính quyền địa phương cao hơn 10 lần so với mức cảnh báo quốc tế do Liên minh Châu Âu đưa ra.
Một trong những tài liệu có tiêu đề “Việc hoàn thành các chỉ số kinh tế ước tính trọng yếu” do Cục Thống kê quận Lushunkou ở Đại Liên phát hành, phản ánh tình hình tồi tệ hơn nhiều so với số liệu được công bố chính thức trong 5 tháng đầu năm nay.
Vào ngày 24/7, Cục Thống kê tỉnh Liêu Ninh đã công bố dữ liệu, cho biết trong nửa đầu năm 2020, Đại Liên “đạt GDP khu vực là 315.50 tỷ Nhân dân tệ (NDT), giảm 3.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái theo giá tiền hoặc giá trị tương đương”.
Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra và các đợt phong tỏa thành phố sau đó, mức suy giảm GDP 3.5% của Đại Liên theo báo cáo là tương đối nhẹ.
Nhưng từ lâu các chuyên gia đã đặt câu hỏi về tính xác thực của các số liệu thống kê của Trung Quốc. Lấy Đại Liên làm ví dụ.
Báo cáo bị rò rỉ cho thấy sự sụt giảm GDP hai con số của Đại Liên
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Đại Liên, GDP của Đại Liên trong nửa đầu năm 2019 đạt 367.10 tỷ NDT (53 tỷ USD). Nếu tính theo giá trị tuyệt đối, thì GDP của Đại Liên trong nửa đầu năm 2020 thực sự giảm 8.6%, thay vì “mức giảm 3.5%” được báo cáo chính thức.
Chính quyền thành phố Đại Liên cũng thao túng dữ liệu GDP. GDP của Đại Liên năm 2018 và 2019 lần lượt là 766.8 tỷ NDT (112,1 tỷ USD) và 700.17 tỷ NDT (102,4 tỷ USD); tính theo số tuyệt đối, GDP của năm ngoái đã giảm 9.1% so với năm trước. Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn sử dụng các số liệu so sánh không rõ ràng để đảo ngược sự sụt giảm mạnh trong GDP của Đại Liên vào năm 2019 thành “tăng trưởng 6.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái”.
Các tài liệu nội bộ do The Epoch Times thu thập được càng khẳng định rằng các nhà chức trách đã làm giả dữ liệu của họ.
Các báo cáo nội bộ bị rò rỉ từ quận Lushunkou của Đại Liên, một trong bảy quận của thành phố, trong nửa đầu năm cho thấy nền kinh tế của Đại Liên thực sự đã trải qua một sự suy giảm mạnh, lớn hơn nhiều lần so với những gì được báo cáo trong dữ liệu chính thức.
Hiện nay, có ba loại phương pháp tính GDP ở Trung Quốc: phương pháp tính theo tổng sản lượng, phương pháp tính theo tổng thu nhập và phương pháp tính theo tổng chi phí. ĐCSTQ chủ yếu sử dụng phương pháp tính theo sản lượng để tính GDP, trong khi Hoa Kỳ và các tổ chức tài chính quốc tế khác sử dụng phương pháp tính theo tổng chi phí.
Ba chỉ số gồm: tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng, đầu tư tài sản cố định và thặng dư thương mại xuất nhập cảng, là những thành phần quan trọng nhất của kế toán GDP theo phương pháp chi phí, từ đó có thể thấy những thay đổi thực tế trong GDP của Đại Liên.
Báo cáo nội bộ cho thấy trong bốn tháng đầu năm 2020, số tuyệt đối “đầu tư tài sản cố định xã hội” giảm 25.7% so với cùng thời kỳ năm trước, và tốc độ tăng trưởng toàn thành phố là -17%. Trong 5 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng so với cùng thời kỳ năm trước là -14.3%. Tốc độ tăng trưởng của thành phố là -8.9%.
“Tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng” giảm 20.1% so với cùng thời kỳ năm trước trong 4 tháng đầu năm, với mức giảm toàn thành phố là 24.6%; trong năm tháng đầu năm nay, mức giảm so với cùng thời kỳ là 64.2% và toàn thành phố giảm 21.4%.
“Doanh số thương mại bán buôn” trong 4 tháng đầu năm giảm 53.8% so với cùng kỳ năm trước, và tốc độ tăng trưởng của thành phố giảm 14.8%; trong 5 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng so với cùng thời kỳ năm ngoái là -48.1% và tốc độ tăng trưởng của thành phố là -21.9%.
Ba yếu tố này tương tự như các chỉ số về tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng, đầu tư tài sản cố định và thặng dư thương mại xuất nhập cảng (đảo ngược) trong thống kê chính thức của ĐCSTQ, có thể được sử dụng làm cơ sở chính để tính GDP địa phương, và có thể phản ánh những thay đổi thực sự trong GDP của quận Lushunkou và thành phố Đại Liên.
Ở Lushunkou và Đại Liên, nơi có ít thương mại xuất nhập cảng, hai chỉ số chính có tác động lớn nhất đến GDP là “đầu tư toàn xã hội vào tài sản cố định” và “tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng”, đều đã giảm hơn 20% trong 4 tháng đầu năm nay.
Tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng, có tác động lớn nhất đến GDP, đã tiếp tục giảm, thậm chí giảm hơn 60% ở Lushunkou. Ngược lại, Trung Quốc tuyên bố rằng tiêu dùng đã đóng góp tới 60% đến 80% GDP của Trung Quốc trong 3 năm qua.
“Doanh số thương mại bán buôn” và “tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng” của Đại Liên đều cho thấy sự sụt giảm nhanh chóng, mức sụt giảm đã ghi nhận từ 14.8% trong 4 tháng đầu năm tăng lên 21.9% cho 5 tháng. Hai chỉ số này phản ánh sự sụt giảm tiêu dùng hiện nay ở Trung Quốc.
Tóm lại, sự sụt giảm hai con số trong các chỉ số kinh tế được tiết lộ trong báo cáo nội bộ tiết lộ sự thật về nền kinh tế Đại Liên trong năm nay: không chỉ GDP giảm mạnh mà tình hình kinh tế còn đang tiếp tục xấu đi.
Điều đáng nói là mặc dù Cục Thống kê quận Lushunkou không nhập dữ liệu tổng sản phẩm hàng quý trong báo cáo nội bộ của mình, nhưng nó đã đặt trước giá trị -3.0% cho tốc độ tăng trưởng GDP trong sáu tháng đầu năm.
Tỷ lệ nợ của quận Lushunkou đang báo động
Vào tháng 4 năm nay, Bộ Tài chính Trung Quốc báo cáo rằng, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ của chính quyền địa phương là khoảng 82.9%, thấp hơn mức tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận là 100% đến 120% và thấp hơn mức cảnh báo 60% đưa ra bởi EU.
Tuy nhiên, một tài liệu chính phủ bị rò rỉ cho thấy một bức tranh xấu hơn nhiều về các khoản nợ chính phủ.
Các con số thực được tiết lộ trong “Báo cáo về công tác ngăn ngừa và giải quyết rủi ro nợ của chính quyền địa phương” của Lushunkou đệ trình lên chính quyền thành phố Đại Liên: “Tính đến cuối tháng 6/2020, tổng số dư nợ của Lushunkou là 27.68 tỷ NDT, bao gồm 13.292 tỷ nợ của chính quyền địa phương và khoản nợ ẩn 14.388 tỷ.” “Tỷ lệ nợ cấp huyện của chúng tôi là 736.30%, và mức độ rủi ro nợ ẩn là màu đỏ”, báo cáo nhấn mạnh.
Chính quyền huyện này đã thực sự phá sản, nhà bình luận về các vấn đề thời sự Trung Quốc Li Linyi cho biết, sau khi phân tích dữ liệu được ghi trong báo cáo nội bộ.
Bất chấp khoản nợ khổng lồ, Đại Liên dường như vẫn đang hoạt động bình thường. Các tài liệu bị rò rỉ cũng tiết lộ chính quyền địa phương có kế hoạch trả món nợ khổng lồ như thế nào.
Chính quyền huyện nêu trong báo cáo rằng vào năm 2020, họ cần trả khoản nợ 3.48 tỷ NDT; tuy nhiên, họ chỉ có “100 triệu NDT trong ngân sách” để trả. Chính quyền quận Lushunkou đã liệt kê nhiều chiến thuật để tìm tiền trả khoản nợ 3.38 tỷ NDT còn lại, bao gồm “rút tiền” từ ngân hàng và cho vay phát triển đất đai— “tận dụng đất nhàn rỗi” và “lấy đất để kiếm nguồn tài trợ thông qua các Tổng công ty Đầu tư & Phát triển Nhà nước”, tài liệu nêu rõ.
Chính quyền quận Lushunkou cũng tiết lộ trong tài liệu rằng báo cáo đã được lập tuân thủ theo hướng dẫn của Cục Tài chính thành phố Đại Liên, nhằm đánh giá mức độ rủi ro của khoản nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương.
Ông Li tin rằng điều này có nghĩa là các nhà chức trách cấp cao hơn của ĐCSTQ hoàn toàn nhận thức được rủi ro nợ của chính quyền địa phương, biết rằng họ có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, họ đang cố gắng tìm ra những con số thực bên trong. Điều này cũng xác nhận rằng cuộc khủng hoảng nợ của Trung Quốc vượt xa sức tưởng tượng của thế giới bên ngoài và đã vượt quá giới hạn nghiêm trọng của một cuộc khủng hoảng tài chính, ông nói thêm.
Đợt bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 kể từ tháng 7 đã khiến một số khu vực ở Đại Liên lại bị phong tỏa. Các cộng đồng dân cư ở Đại Liên liên tục bị chính quyền phong tỏa. Nhiều cư dân trở nên thất nghiệp và sản xuất kinh tế bị đình trệ. Ông Li chỉ ra rằng các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm sự suy giảm kinh tế của Đại Liên.
Tác giả: Alex Hu (He Jian đã đóng góp vào bản tin này)