Trung Quốc cần 30 năm nữa để trở thành cường quốc sản xuất
Gần đây, một quan chức cao cấp của Trung Cộng đã thừa nhận rằng do ngành sản xuất của Trung Quốc bị giới hạn bởi hệ thống xã hội của Trung Cộng, thiếu nhân tài, và vì các công nghệ quan trọng bị “những bên khác” kiểm soát, nên Trung Quốc cần ít nhất 30 năm để đạt mục tiêu trở thành cường quốc sản xuất.
Tuyên bố này được ông Miêu Vũ (Miao Wei), Phó giám đốc Ủy ban Kinh tế của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) cũng là cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, đưa ra.
Ông cho biết tại một cuộc họp CPPCC hôm 07/3 rằng xét về ngành sản xuất toàn cầu, có bốn cấp độ khác nhau.
Cấp độ thứ nhất do Hoa Kỳ dẫn đầu vì đây là trung tâm đổi mới khoa học và công nghệ toàn cầu.
Liên minh Âu Châu và Nhật Bản thuộc cấp độ thứ hai vì họ đang ở mức sản xuất cao cấp.
Trung Quốc và một số nước mới nổi khác thuộc cấp độ thứ ba, tức là ở tầm thấp và tầm trung của ngành sản xuất.
Cấp độ thứ tư chủ yếu bao gồm các nước xuất cảng tài nguyên, trong đó có OPEC (Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ), Phi Châu, Mỹ Châu Latin, và các nước khác.
Theo ông Miêu Vũ, ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc “lớn nhưng không mạnh, toàn diện nhưng không tốt” với các năng lực căn bản yếu, trong khi các công nghệ chủ chốt vẫn bị “những bên khác” kiểm soát. Do đó, Trung Quốc sẽ cần ít nhất 30 năm để trở thành một cường quốc sản xuất.
Cùng ngày, ông Tư Trạch Phu (Si Zefu), một Ủy viên Ủy ban Thường vụ CPPCC và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Điện lực Cáp Nhĩ Tân, cũng thừa nhận rằng ngành sản xuất của Trung Quốc “không tốt bằng các nước khác” ở ba “điểm mạnh mềm”: năng lực đổi mới và trình độ đổi mới; chất lượng và thương hiệu sản phẩm; trình độ và hiệu quả quản lý. Ông nói rằng, “Khả năng sinh lời kém là điểm đặc biệt nổi bật.”
Ông Miêu Vũ cũng nhấn mạnh rằng đóng góp của khu vực sản xuất vào GDP gần đây đã giảm rất nhanh. Điều này không chỉ kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến việc làm ở thành thị. Ông cho biết, “Nó cũng sẽ mang đến rủi ro về an toàn công nghiệp, làm suy yếu khả năng chống lại rủi ro và khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế Trung Quốc.”
Trung Cộng từ bỏ mục tiêu trở thành cường quốc sản xuất trong vòng 10 năm?
Vào năm 2015, Trung Cộng đã đề nghị dự án “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” (Made in China 2025), dự kiến rằng vào năm 2025, Trung Quốc sẽ chuyển đổi từ một nước sản xuất lớn thành một cường quốc sản xuất; vào năm 2035 ngành sản xuất của nước này sẽ vượt qua Đức và Nhật Bản. Trung Cộng hy vọng họ sẽ dẫn đầu sự đổi mới trong các lĩnh vực sản xuất then chốt vào năm 2049, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập chế độ cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi dự án “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” trở thành điểm bế tắc trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã ngừng tuyên truyền về nó công khai. Dự án đã biến mất khỏi báo cáo của chính phủ năm 2019 của Trung Cộng.
Trong khi đó, theo Wall Street Journal, Trung Cộng đã thay thế “Made in China 2025” bằng kế hoạch 5 năm lần thứ 14 do Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) soạn thảo.
Bế tắc về công nghệ then chốt do phương Tây nắm giữ
Ngoài chiến tranh thương mại, chính phủ cựu Tổng thống (TT) Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các hãng công nghệ nhà nước của Trung Cộng như các hãng viễn thông lớn Huawei và ZTE, và Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC).
Hậu quả là Trung Cộng đã công khai thừa nhận rằng họ đang phải đối mặt với một bế tắc trong lĩnh vực công nghệ.
Khi chủ trì Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Cộng vào tháng 11/2020, Ông Tập Cận Bình thừa nhận rằng sự đổi mới trong ngành sản xuất của Trung Quốc là chưa đủ. Ông nói rằng lực lượng khoa học và công nghệ chiến lược của đất nước cần được thúc đẩy để giải quyết các vấn đề bế tắc về các công nghệ chủ chốt.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh tại hội nghị công tác kinh tế vào tháng 12/2020 rằng Trung Quốc nên “tập trung vào các mắt xích yếu trong ngành, triển khai dự án tận dụng công nghệ cốt lõi, và giải quyết một số vấn đề tắc nghẽn sớm nhất có thể.”
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Chung Nguyên (Zhong Yuan) cho biết trong một bài báo trên The Epoch Times phiên bản Hoa ngữ rằng bài diễn văn của ông Lý Khắc Cường đã tiết lộ thực tế rằng Trung Cộng đang tụt hậu về khoa học và công nghệ.
Ông Chung nói, mặc dù Trung Cộng đã đánh cắp rất nhiều công nghệ, nhưng họ không thể làm chủ những công nghệ then chốt quan trọng nhất. Họ rất háo hức tham gia vào cái gọi là kế hoạch “Made in China 2025”, và thậm chí còn mơ về việc độc chiếm thị trường thế giới.
Huawei chuyển hướng sang ‘Nuôi heo thông minh’ do thiếu nguồn cung vi mạch bán dẫn
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới nhờ nhu cầu trong nước và quốc tế, nhưng sự phụ thuộc của ngành công nghiệp vào các sản phẩm công nghệ cao của Hoa Kỳ như chất bán dẫn đã trở thành một điểm yếu chiến lược.
Ví dụ, mặc dù Huawei đã được Trung Cộng hậu thuẫn hết mình, nhưng họ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Hậu quả là, Trung Cộng đã bắt đầu thúc đẩy “nuôi heo khoa học”, được hiểu là áp dụng công nghệ cao vào ngành chăn nuôi heo.
Kể từ khi trường hợp dịch tả heo Phi Châu đầu tiên được xác nhận tại Trung Quốc vào tháng 8/2018, giá thịt heo đã tăng đều.
Gần đây, khi gặp khó khăn trong việc duy trì mảng kinh doanh chính là điện thoại di động, Huawei đã buộc phải tuyên bố chuyển sang “nuôi heo thông minh” do nguồn cung vi mạch bán dẫn bị cắt giảm.
Theo Sina.com, giải pháp “nuôi heo thông minh” của Huawei bao gồm việc cung cấp tính năng giám sát bảng điều khiển, phân tích dữ liệu lớn, và quản lý kỹ thuật số.
Họ cũng hỗ trợ nhận dạng AI, học hỏi AI, dự đoán AI, đưa ra quyết định AI, kiểm tra robot, và điều khiển từ xa thông qua tiêu chuẩn hóa và lập trình.
Ngoài việc tạo ra thẻ nhận dạng cho heo, công nghệ nhận dạng khuôn mặt cũng được áp dụng cho heo. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt của heo hoặc nhận dạng “mặt heo” và các công nghệ khác cũng đã được áp dụng trong các giải pháp “nuôi heo thông minh” của Huawei.
Một bài báo của Đài Quốc tế Đài Loan nói một cách chế giễu rằng điều tai hại đối với Huawei là, ngay cả sau khi Huawei vật lộn để cầm cự cho đến khi Tòa Bạch Ốc đổi chủ, chính phủ TT Biden vẫn không nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Vào tháng 02/2021, Chủ tịch Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) của Huawei đã thề sẽ “tồn tại mà không có điện thoại di động” và khởi động các dự án “Nanniwan” để tự cứu mình. Các dự án bao gồm tạo ra những bước đột phá trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất than và thép, âm nhạc, màn hình thông minh, máy điện toán PC, và máy điện toán bảng.
Nanniwan là “căn cứ cách mạng” của Trung Cộng nằm gần Diên An ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Vào tháng 3/1941, Đội quân Đường số 8 của Trung Cộng đã tiến hành cải tạo quân sự ở Nanniwan để cung cấp tiếp tế cho Trung Cộng. Kể từ đó, Nanniwan đã trở thành một địa điểm “thiêng liêng” mang tính biểu tượng vì đã cứu Trung Cộng.