Trung Quốc: Công an yêu cầu cha mẹ ‘lập tức’ xóa các ứng dụng được mã hóa khỏi điện thoại của trẻ em
Sophia Lam
Lực lượng công an tại ít nhất bảy thành phố khắp Trung Quốc đã ban hành các thông báo hôm 21/05, đề nghị các bậc cha mẹ “ngay lập tức” gỡ các ứng dụng nhắn tin được mã hóa khỏi điện thoại di động của con em họ.
Theo các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc, đây là một trong những cố gắng mới nhất của Trung Cộng nhằm kiểm duyệt thông tin và kiểm soát người dân Trung Quốc.
Theo tin tức từ một số cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, các ứng dụng bị cấm bao gồm các ứng dụng ngoại quốc như Telegram (người Trung Quốc gọi ứng dụng này là “Máy Bay Giấy” như logo của Telegram), WhatsApp, và Twitter.
Các ứng dụng được phát triển trong nước như Seagull, Miliaomao, Shimida, và Batchat cũng nằm trong danh sách các ứng dụng bị công an Trung Quốc cấm.
Hôm 19/05, cục công an Nam Kinh ở vùng đông bộ đã đưa ra một thông tri cảnh báo rằng những ứng dụng này hiện đang bị những kẻ phạm tội sử dụng để dụ dỗ thanh thiếu niên cung cấp thông tin cá nhân, do đó trở thành “đồng phạm” của những tên tội phạm này và thậm chí là “tiếp tay cho tội phạm mạng”.
Công an cho rằng chức năng mã hóa và chức năng “xóa sau khi đọc” của các ứng dụng này đã “gây thêm khó khăn cho công tác điều tra” các vụ lừa đảo trực tuyến.
Họ cũng cảnh báo trong thông báo kể trên rằng những tội danh này có thể bị phạt tù tối đa ba năm và/hoặc phạt tiền.
Theo thông tin trực tuyến mà ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times xem xét, các cơ quan công an ở nhiều địa điểm khác nhau như tỉnh Phúc Kiến ở phía đông, các tỉnh Tứ Xuyên và Quảng Tây ở phía tây nam, tỉnh Hải Nam ở phía nam, các tỉnh Thanh Hải và Cam Túc ở phía tây bắc, và Nội Mông ở phía bắc đã đưa ra những cảnh báo tương tự.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc The Paper đưa tin rằng một số chính quyền địa phương yêu cầu cha mẹ “đưa con đến cơ quan công an gần nhất để tìm hiểu xem trẻ có phạm tội hay không.”
Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc: Trung Cộng sợ giới trẻ tỉnh ngộ
Những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc tin rằng công an Trung Cộng đang cố gắng thắt chặt kiểm soát mạng Internet của Trung Quốc và đặc biệt nhắm vào những người trẻ tuổi.
Ông Tăng Tiết Minh (Zeng Jieming), một cựu ký giả Trung Quốc hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 23/05 rằng chế độ Trung Cộng dưới thời ông Tập Cận Bình nghiêm khắc hơn dưới thời những người tiền nhiệm của ông.
Ông Tăng nói: “Trung Cộng hạn chế quyền tự do ngôn luận vì sợ rằng việc nhồi sọ học sinh tiểu học của họ có thể bị nhu liệu trò chuyện được mã hóa phá hoại. Dưới thời ông Tập Cận Bình, chủ nghĩa độc tài toàn trị của Trung Cộng thậm chí còn nghiêm ngặt hơn so với những người tiền nhiệm của ông ta. Đảng này cố gắng phong tỏa bất kỳ lĩnh vực nào nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.”
Một luật sư nhân quyền người Trung Quốc vẫn còn sống ở Trung Quốc, chỉ cho biết mình họ Trần trong cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times ngày hôm qua 23/05, cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Ông Trần nói: “Trung Cộng thiết lập Vạn lý Tường Lửa với mục đích để người dân sống trong sự vô tri và giam hãm, để họ giống như những con ếch ngồi đáy giếng và không hay biết gì về mọi thứ đang xảy ra ở thế giới ngoài kia. Nỗi sợ hãi lớn nhất của Trung Cộng là những người trẻ tuổi biết sử dụng các kỹ thuật để vượt tường lửa và sử dụng nhu liệu an toàn để liên lạc, trao đổi ý kiến, và phát triển tri thức không phù hợp. Đây chính xác là điều Trung Cộng sợ nhất.”
Ông nói rằng ông rất vui khi thấy những người trẻ tuổi ở Trung Quốc đang tỉnh ra.
“Nhiều học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện đang vượt qua Vạn lý Tường Lửa, đây là một hiện tượng đáng mừng,” ông Trần nói, đồng thời nhắc lại rằng đây là điều mà Trung Cộng lo sợ nhất.
Điều đáng buồn là nhiều người Trung Quốc không nhận ra Trung Cộng là “thế lực thù địch thực sự của người dân Trung Quốc”.
Ông nói: “Trung Cộng thực sự đang gian dối và lừa gạt người dân và đất nước.”
Quan chức Trung Quốc: Sự đàn áp của Trung Cộng là bất hợp pháp
“Việc [công an] trừng phạt và đàn áp các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở sử dụng các ứng dụng nhu liệu này là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý,” anh Ngô (bí danh), cho biết trong cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 23/05. Anh Ngô tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh danh tiếng của Trung Quốc và đang làm việc trong một cơ quan công quyền ở Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, bất kỳ ứng dụng nào cũng phải được đăng kiểm với các cục công an và quản lý không gian mạng của Trung Cộng trước khi được đưa vào hoạt động. Ba trong số bốn ứng dụng của Trung Quốc có số an ninh mạng công cộng, điều này cho thấy rằng những ứng dụng này đã vượt qua các quy trình đăng kiểm nghiêm ngặt của nhà cầm quyền.
Chỉ có số an ninh mạng công cộng của Miliaomao là không được công khai trên trang web của họ.
Anh Ngô nói rằng nhà cầm quyền cộng sản đã bắt buộc cài đặt cái gọi là ứng dụng chống gian lận trên điện thoại di động của người dân. “Họ tuyên bố rằng các ứng dụng này là để ngăn chặn tội phạm và lừa đảo. Nhưng trên thực tế, họ sử dụng các ứng dụng đó để giám sát người dân, vì họ sợ người dân truy cập thông tin chưa được kiểm duyệt và thực hiện các hành động ngoài tầm giám sát của họ.”
Anh Ngô nói rằng Trung Cộng chĩa mũi dùi vào những người trẻ tuổi vì sợ rằng thế hệ trẻ sẽ đứng lên chống lại Trung Cộng.
Anh lưu ý rằng những người trẻ tuổi đã sử dụng Telegram để liên lạc trong nhiều cuộc biểu tình trong bốn năm qua, bao gồm các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hồng Kông hồi năm 2019 và Phong trào Giấy Trắng hồi năm 2022.
“Về căn bản, việc đàn áp [những người bất đồng chính kiến] là để duy trì quyền cai trị của chế độ độc tài [của Trung Cộng],” anh Ngô nói.
Cư dân mạng phản đối
Cư dân mạng đã chỉ trích chính quyền Trung Quốc trên mạng Internet – ở bất cứ nơi nào họ có thể.
Một cư dân mạng sử dụng tài khoản Twitter có tên là Answer đã đăng một tweet hôm 22/05: “Bài viết này đề cập đến trẻ vị thành niên, thậm chí là học sinh tiểu học. Điều này cho thấy rằng các em học sinh đang vượt qua sự kiểm duyệt thông tin [của Trung Cộng].” Cư dân mạng này nói rằng nếu mọi người đang vượt qua Vạn lý Tường Lửa của Trung Cộng trên quy mô lớn, thì có nghĩa là bức tường đó hiện đã hoàn toàn vô dụng.
“Nếu trẻ vị thành niên có khả năng vượt tường lửa, thì sinh viên đại học sẽ còn thành thạo hơn nữa,” cư dân mạng này nói thêm.
“Điều này không phải gián tiếp thừa nhận rằng Trung Cộng không thể giải mã phương thức liên lạc được mã hóa đầu cuối này sao?” một cư dân mạng khác hỏi trên một nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc.
“Chắc là mấy ứng dụng này tốt đấy. Để tôi tải xuống một ứng dụng xem sao,” một cư dân mạng khác viết.
The Epoch Times đã liên lạc với Cục Công an Nam Kinh để đề nghị bình luận nhưng chưa nhận được hồi đáp vào thời điểm phát hành bản tin này. The Epoch Times đã không liên lạc được với ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc Seagull.