Trung Quốc cộng sản có phải là ‘nạn nhân’ không?
Richard A. Bitzinger
Gần đây dư luận toàn cầu đã xuất hiện hai trường phái tư tưởng khá thú vị và gây tranh cãi quan tâm đến tương lai của Trung Quốc trong vị thế một cường quốc. Một bên nói rằng Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm và đã đang bước vào tiến trình suy thoái từ từ có khả năng không thể cứu vãn. Bên kia có lập trường ngược lại, lập luận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn trên đà tiến triển và chưa đạt đến thời kỳ huy hoàng.
Tuy nhiên, một lập luận thuyết phục hơn nhiều là không một bên nào, ngay cả khi đúng, thực sự có ý nghĩa về lâu dài – đặc biệt là khi nói đến Trung Quốc và sự ổn định toàn cầu. Điều quan trọng hơn là Bắc Kinh nhìn nhận bản thân như thế nào so với các cường quốc khác, nhất là Hoa Kỳ. Đặc biệt, nếu Trung Quốc tiếp tục xem mình là bên bị hại trong các vấn đề toàn cầu, thì họ có thể hành động vô trách nhiệm bất kể về mặt khách quan họ đang trỗi dậy hay đang suy tàn.
Trong một bài báo đăng cách đây hai năm trên tạp chí Foreign Affairs, hai giáo sư Michael Beckley và Hal Brands là những người đầu tiên đưa ra ý tưởng rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã kết thúc và quốc gia này đang ở trong tình trạng suy thoái. Trong đó, họ lập luận rằng Trung Quốc đang đối mặt với một số thách thức lớn và ngày càng tăng trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng và quyền lực của mình. Những thách thức này bao gồm suy thoái kinh tế rõ rệt, dân số vừa bị giảm vừa bị già hóa, cũng như môi trường xấu đi gây ô nhiễm bầu không khí và nguồn nước của quốc gia này.
Vấn đề ngày càng tồi tệ hơn vì hành vi hiếu chiến của Bắc Kinh – chẳng hạn như ở Biển Đông hoặc đối với Đài Loan – đã gây ra sự phản đối đáng kể khi các quốc gia ở gần và xa Trung Quốc ngày càng trở nên thù địch với Trung Quốc và tìm cách “tách rời”, về kinh tế và công nghệ, khỏi Trung Quốc.
Cũng chẳng ngạc nhiên gì khi ý tưởng xem Trung Quốc là “cường quốc đỉnh cao” đã gây ra phản ứng trái chiều. Một bài báo khác trên tạp chí Foreign Affairs của bà Oriana Skylar Mastro và ông Derek Scissors tuyên bố rằng Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành quá trình trỗi dậy của mình và Bắc Kinh vẫn còn nhiều thời gian và nguồn lực có thể sử dụng để mở rộng cơ sở quyền lực toàn cầu của mình, nhất là [sức mạnh] quân đội. Đặc biệt, họ lập luận rằng, “đến năm 2035, năng lực quân sự của Trung Quốc sẽ mạnh hơn thời điểm hiện tại.”
Nhưng thú vị là, không lập luận nào có thể khiến phương Tây, và đặc biệt là Hoa Kỳ, có cớ để thoải mái. Cho dù Trung Quốc là một quốc gia mạnh mẽ và tự tin đang khẳng định vị trí “đích thực” của mình trong các vấn đề toàn cầu, hay liệu họ có phải là một quốc gia không an toàn và đang suy tàn có thể vì thẹn quá hóa giận mà muốn mau chóng tiến hành xâm lược trước khi trở nên quá yếu, thì cả hai kết cục đó đều không phải là điều mọi người mong muốn – nếu đứng từ quan điểm của các cường quốc khác ở châu Á hay phần còn lại của thế giới.
Bởi vì vấn đề thực sự không mấy liên quan đến việc Trung Quốc có phải là một quốc gia đang bước vào thời kỳ hoàng kim hay đã đi qua thời kỳ đỉnh cao, mà liên quan nhiều hơn đến việc Trung Quốc tin rằng họ là nạn nhân – đang bị tước mất một cách bất hợp pháp vị trí thực sự của mình trong cơ cấu quyền lực toàn cầu.
Việc Trung Quốc tự nhận mình là nạn nhân của trật tự toàn cầu hầu như không phải là điều gì quá mới mẻ, nhưng nước này đã trải qua một vài lần hoán vị lý thú. Theo quyển “Không bao giờ Quên Nỗi nhục Quốc gia” của ông Uông Tranh (Zhen Wang), giọng điệu lịch sử chính thức về thân phận nạn nhân của người Trung Quốc đã trở nên hoàn toàn khác ngay sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc cộng sản).
Dưới thời Mao, trọng tâm là “Trung Quốc là nước chiến thắng.” Năm 1949, nhân dân Trung Quốc đã “đứng lên,” gạt đi hết những tủi nhục trong quá khứ và tạo ra một nhà nước mới đầy tự tin. Chủ nghĩa đắc thắng này thực ra khá phổ biến trong các chế độ cộng sản, và ít nhất trong mắt họ, việc thành lập [một chế độ] thường có nghĩa là “sự cáo chung của lịch sử”. Chẳng hạn, Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc có rất ít triển lãm dành riêng cho lịch sử Trung Quốc sau năm 1949, và chắc chắn họ không đề cập đến những sự kiện phiền phức như vậy (ít nhất là đối với Trung Cộng) như là Đại Nhảy Vọt, Cách mạng Văn hóa, hoặc các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Lập trường này bắt đầu thay đổi vào đầu những năm 1990. Theo ông Uông, Trung Cộng ngày càng lo lắng rằng giới trẻ Trung Quốc có thể bị những tư tưởng ngoại lai như dân chủ, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận “đầu độc”. Do đó, chủ đề xuyên suốt “Trung Quốc là nạn nhân” – với lời kêu gọi vô liêm sỉ của đảng này đối với chủ nghĩa dân tộc và sau đó là thao túng ký ức lịch sử – ngày càng trở thành luận điệu chủ đạo được Trung Cộng lèo lái.
Chủ đề “chúng ta chống lại họ” này có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, chẳng hạn như việc mở rộng các di tích và bảo tàng mới để tưởng nhớ đến sự đau khổ của người Trung Quốc dưới bàn tay của Nhật Bản trong Đệ nhị Thế chiến, hoặc trong các thuyết âm mưu nói rằng Hoa Kỳ đã cố tình ném bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade trong Chiến tranh Kosovo năm 1999.
Tất cả điều này là một chuyện, nhưng luận điệu về thân phận nạn nhân này ngày càng trở nên đen tối hơn khi nó bắt đầu ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao và an ninh của Trung Quốc. Đây là điểm mấu chốt: Các mối bang giao quốc tế đều là về cách đối xử hòa hợp với nhau – nói cách khác, đó là một tiến trình đàm phán, thỏa hiệp, và nhượng bộ. Nhưng đối với các nạn nhân thì, bởi vì họ tin rằng họ đã phải chịu đựng, nên họ sẽ cảm thấy mình không cần phải nhượng bộ hay thỏa hiệp, đặc biệt là với những kẻ bắt nạt họ dù là thật hay chỉ là trong trí tưởng tượng. Thay vào đó, các nạn nhân sẽ có quyền được hưởng đặc ân và đối xử đặc quyền.
“Việc cho mình được quyền làm nạn nhân” này – được thúc đẩy bởi “chủ nghĩa dân tộc dân túy” và một “tuyên bố chính thức về việc bị [phương Tây] sỉ nhục” dẫn động – biểu thị một Trung Quốc sẽ ít sẵn sàng ủng hộ hiện trạng hoặc theo đuổi các con đường hòa bình để giải quyết tranh chấp ở Châu Á–Thái Bình Dương hơn. Thay vào đó, điều này ám chỉ một đại cường quốc khu vực ngày càng sẵn sàng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực vì lợi ích quốc gia của mình. Ý thức rằng mình là nạn nhân này sẽ chi phối quyết định của Trung Cộng, vô luận là Bắc Kinh có đạt hay không đạt đến đỉnh cao hoặc là mới chỉ đang trỗi dậy đi chăng nữa.
Ông Richard A. Bitzinger là một chuyên gia phân tích an ninh quốc tế độc lập. Trước đây, ông từng là một thành viên cao cấp của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, và ông từng đảm nhận các vị trí trong chính phủ Hoa Kỳ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông chuyên về các vấn đề an ninh và quốc phòng liên quan đến khu vực Á Châu–Thái Bình Dương, kể cả sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự, và quá trình hiện đại hóa quân đội cũng như phát triển vũ khí trong khu vực này.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.