Trung Quốc đàn áp tự do tôn giáo tồi tệ nhất kể từ sau Cách mạng Văn hóa
Cuộc đàn áp của Trung Cộng đối với Tín đồ Cơ đốc giáo và các nhóm tôn giáo khác đã và đang trở nên khốc liệt trong những năm gần đây và [chính quyền] Canada không thể tiếp tục im lặng về vấn đề này, theo một buổi thảo luận nhóm do Viện Tự do Tôn giáo Cardus (Cardus Religious Freedom Institute) tổ chức. Buổi thảo luận trực tuyến, có tựa đề “Mao hay Chúa”.
Chính quyền dưới thời ông Tập đã tập trung vào cuộc bức hại đối với các tín đồ Cơ đốc giáo, người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương, các phật tử Tây Tạng, các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Tham luận viên Benedict Rogers, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Hong Kong Watch tại cuộc hội thảo trực tuyến được tổ chức vào ngày 26/10 cho biết, chế độ cộng sản đã gia tăng đàn áp quyền tự do tôn giáo trong những năm gần đây.
“Trung Quốc ngày nay đang trải qua những gì mà tôi mô tả là cuộc đàn áp tồi tệ nhất đối với nhân quyền nói chung kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn, và là cuộc tấn công tồi tệ nhất vào tự do tôn giáo kể từ Cách mạng Văn hóa,” ông Rogers, cũng là thành viên của nhóm cố vấn cho Chiến dịch Ngăn chặn Diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ cho biết.
Buổi hội thảo trực tuyến cũng đã được nghe ông David Mulroney, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2012 chia sẻ. Ông nói rằng Canada phải mạnh dạn lên tiếng chống lại sự đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc.
Ông Mulroney nói: “Canada đã tỏ ra kém kiên quyết hơn khi lên tiếng về cuộc đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc.”
“Quan điểm cho rằng quý vị có thể thúc đẩy một việc bằng cách không nói về nó một cách trung thực thì đó chỉ đơn giản là [một hình thức] ngoại giao tồi. Trung Cộng sẽ không sửa đổi hành vi chỉ để đổi lấy sự im lặng của chúng ta; nó sẽ đánh đồng sự im lặng của chúng ta với sự đồng tình. Cách ứng xử im lặng không bao giờ có tác dụng với Trung Cộng.”
Ông Mulroney cho biết ông đã chứng kiến những người Hồi giáo và Công giáo bị các quan chức cộng sản sách nhiễu trong thời gian ông làm đại sứ tại Trung Quốc. Ông cũng bị “côn đồ” theo dõi và đe dọa khi ông đến thăm Tân Cương – một khu vực khét tiếng của Trung Quốc với các trại tập trung khổng lồ, với gần 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo Turkic khác bị giam giữ.
Ông Rogers cho biết Trung Cộng có thái độ thù địch với các tôn giáo bởi vì chế độ vô thần tuyên bố chính thức phản đối tôn giáo về mặt tư tưởng. Ông nói chính phủ độc tài này cũng lo lắng về bất cứ điều gì mà nó không thể kiểm soát, đặc biệt là sự tụ tập của các nhóm người.
Hôm 27/10, Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne đã đánh dấu Ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế bằng cách lưu ý đến các trường hợp đàn áp tôn giáo, ông nói: “Canada vẫn lo ngại trước sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái và chứng sợ Hồi giáo; cuộc bức hại đang diễn ra đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công, và các cộng đồng có niềm tin và tín ngưỡng khác nhau ở Trung Quốc; sự tiếp tục ngăn chặn [phát triển] kinh tế của những người Bahá’ís ở Iran; và việc bỏ tù những người theo đạo Cơ đốc ở Bắc Hàn,” ông Champagne nói trong một tuyên bố.
“Canada sẽ tiếp tục kêu gọi các chính phủ cho phép Liên Hiệp Quốc tiếp cận các thủ tục đặc biệt ngay lập tức, không bị kiểm soát, và có ý nghĩa.”
Đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc
Buổi hội thảo trực tuyến đồng thuận rằng sự đàn áp của Trung Cộng đối với tín ngưỡng và các tín đồ đã trở nên khốc liệt trong những năm gần đây.
“Mặc dù sự thù địch của Trung Cộng đối với tôn giáo có tính liên tục, nhưng cách tiếp cận của nó không đồng nhất theo thời gian,” ông Mulroney nói.
“Chủ nghĩa cực đoan chống tôn giáo trong Cách mạng Văn hóa đã ngày càng được khoan dung vào đầu những năm 1990 và 2000 — nhưng chiến dịch đẫm máu của Đảng đối với Pháp Luân Công lại cho thấy một ngoại lệ đáng chú ý và thảm thương.”
Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần cá nhân dựa trên các nguyên tắc Chân – Thiện – Nhẫn, đã trở nên phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc vào những năm 1990. Lo sợ sự phổ truyền nhanh chóng của môn tu luyện này, cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch tàn bạo đối với Pháp Luân Công vào năm 1999. Điều này khiến hàng chục nghìn học viên bị bỏ tù, tra tấn và thậm chí bị cưỡng bức mổ cướp nội tạng, lần đầu tiên được công khai với công chúng bởi luật sư nhân quyền Canada ông David Matas và cựu thành viên Nội Các Canada ông David Kilgour vào năm 2006 sau khi họ công bố một báo cáo điều tra về vấn đề này.
Sau một thời gian ngắn tương đối nới lỏng đối với việc kiểm soát tôn giáo, áp lực từ chính quyền này đã gia tăng trở lại [một cách] đáng kể vào năm 2008 khi các quốc gia phương Tây bị cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tấn công.
Ông Benedict cho biết các chính sách của Trung Quốc về hạn chế tôn giáo thay đổi đối với các tỉnh khác nhau ở Trung Quốc trước thời ông Tập cầm quyền, nhưng vào năm 2018, một quy định sửa đổi về tôn giáo trở nên có hiệu lực dẫn đến việc tăng cường các hạn chế đối với người theo đạo Thiên chúa.
“Và trong những năm gần đây, chúng tôi đã chứng kiến sự tàn phá — bao gồm cả việc phá huỷ — các nhà thờ, sự phá hoại hàng ngàn cây thánh giá, đóng cửa các nhà thờ và bắt giữ các mục sư. Đáng chú ý là trường hợp Nhà thờ Livingstone ở Quý Châu, Nhà thờ Early Rain ở Thành Đô, và vào tháng 6 năm nay là Nhà thờ Xingguang ở Hạ Môn,” ông nói.
Ông Benedict cũng lưu ý rằng Trung Cộng đang cố gắng tạo ra một phiên bản mới của Kinh thánh tuân thủ chương trình nghị sự của Đảng, trích lời ông Wang Yang, chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Trong một cuộc họp về sự vụ tôn giáo hồi tháng 11/2019, ông Yang đã kêu gọi “đánh giá toàn diện các tác phẩm kinh điển tôn giáo hiện có [và] nhắm vào những nội dung không chiểu theo sự tiến bộ của thời đại”.
Viện Tự do Tôn giáo Cardus là một tổ chức tham mưu có trụ sở tại Ottawa nhằm mục đích “khuyến khích [sự học hỏi] các vấn đề mới nổi, tạo điều kiện cho thảo luận công khai và đưa các thể chế dân chủ của đất nước chúng ta cùng tham dự”.